Giỏ hàng

Review Sách “Inspirit – Nghệ Thuật Truyền Cảm Hứng”: Để Thuyết Trình Không Còn Là Cực Hình! - Bạn Có Thể

“Inspirit – Nghệ thuật truyền cảm hứng” được viết bởi tác giả Benjamin Loh – vừa là một diễn giả vừa là một huấn luyện viên diễn thuyết chuyên nghiệp. Thông qua cuốn sách, tác giả muốn cung cấp cho độc giả 12 bài học – 12 chiến lược để thuyết trình hiệu quả từ những vị CEO hàng đầu Châu Á và cả những trải nghiệm của chính ông về việc tạo ảnh hưởng và truyền cảm hứng tới khán giả, thúc đẩy họ thành công.

Nếu bạn còn đang loay hoay chưa biết làm cách nào để thu hút khán giả lắng nghe bài thuyết trình của mình, không biết phải làm sao để xoa dịu đi nỗi lo lắng, bồn chồn khi phải nói trước đám đông,...thì cuốn sách này sẽ là một trợ thủ đắc lực cho bạn.

Cuốn sách “Inspirit - Nghệ thuật truyền cảm hứng” được chia thành 12 chương và được sắp xếp cẩn thận vào các phần liên quan đến nó theo hệ thống là: Chuẩn bị, thuyết trình và thuyết phục. Đối với mỗi chương sách, tác giả sẽ bắt đầu bằng việc đặt vấn đề hoặc giả thiết, tiếp đến là những câu chuyện xoay quay và sau đó là các kiến thức chuyên sâu, các chiến lược chủ đạo giúp bạn có thể áp dụng ngay vào bài diễn thuyết của mình. Đặc biệt hơn, ở cuối mỗi chương, bạn sẽ được hệ thống lại kiến thức một cách đầy đủ và nhanh chóng khi đọc phần tổng kết của tác giả.

Nghệ thuật quản lý những nỗi lo

“Tôi mong đợi điều gì từ một giám đốc tài năng? Là khả năng phản ứng một cách hiệu quả với những thách thức. Đó là một trạng thái cân bằng phức tạp – không phòng vệ, không bối rối, lắng nghe tốt. Đôi lúc dưới áp lực, bạn sẽ không thể lắng nghe tốt được.” –  Theo Satish Shankar

Cho dù bạn là một giám đốc điều hành lão luyện hay một diễn giả chuyên nghiệp thì đôi khi bạn vẫn cảm thấy nôn nao trước buổi thuyết trình của mình. Nhưng khác với bạn ở chỗ thay vì chọn “chạy trốn”, họ lại chọn cách đối mặt và tìm cách vượt qua chúng. Họ sẽ truyền cảm hứng cho khán giả bằng chính sự chân thành, họ cũng chuẩn bị cho mình những kiến thức và hiểu về những gì mình sắp nói. Bởi vốn dĩ, gốc rễ của những lo âu là cảm giác bất an về những điều không biết hoặc không đoán trước được.

Đôi khi, bạn sẽ trở nên mất bình tĩnh nếu như bất ngờ gặp trục trặc kỹ thuật hay một câu hỏi khó từ phía khán giả. Ứng biến với những tình thế này, Benjamin Loh muốn trang bị cho bạn hai kỹ năng, đó là rèn luyện khả năng ứng biến và ghi nhớ những “câu nói cứu hộ”.

Hãy tham gia những nhóm kịch hoặc lớp học ứng biến tại địa phương, trong khi học thực hành, bạn sẽ biết mình thành công nếu bạn hiểu được đúng đắn về câu nói này: “Bạn cần biết thất bại khi ứng biến. Bạn cần biết cách không quan tâm đến điều đó.” Bởi khi bạn buông bỏ được những kỳ vọng bạn sẽ chia sẻ cho mọi người những gì tự nhiên và chân thật nhất.

Sau đó, hãy chuẩn bị cho mình những chiếc phao cứu sinh “câu nói cứu hộ”, bạn có thể áp dụng câu nói này trong một vài trường hợp: “Vợ tôi thường bảo rằng khi gặp khó khăn...ta luôn có thể cầu nguyện một phép màu. Nhưng tôi nghĩ đã hơi muộn để làm điều này rồi.”

Nghệ thuật thu hút các thính giả

Bạn chỉ có thể tận tâm, tận lực truyền cảm hứng cho thính giả khi họ thực sự chú ý tới những gì bạn chia sẻ, họ nhận thấy được sự hiện diện của bạn trên sân khấu. Đó cũng là khi bạn thu hút được các khán giả của chúng ta. Và để làm được điều đó:

Đầu tiên, bạn hãy thiết lập một bối cảnh để chắc chắn rằng họ đang quan tâm đến những gì bạn nói. Thay vì đi thẳng vào vấn đề chính “Quy trình thực hiện và tiêu chí đánh giá tiêu chuẩn ISO – 9001”, bạn có thể tiếp cận thính giả bằng cách sau: “Rất nhiều lần khi tôi hỏi những vị khách đến tham dự hội thảo về việc tại sao người đó muốn đến và lắng nghe những bài thuyết trình về công nghệ khô khan như thế này, tôi nhận được những khuôn mặt nhăn lại vì sự bối rối, giống hệt vẻ mặt cậu con trai 9 tuổi của tôi khi đang làm bài tập toán vậy!”.

Đôi khi, để bài thuyết trình bớt khô khan, hãy khéo léo kể một câu chuyện nhằm “neo dòng cảm xúc” cũng như để gắn kết với thính giả. Bạn cũng có thể tạo ra tiếng cười để không khí bớt căng thẳng “Nếu bạn có thể khiến họ cười, bạn sẽ có thể khiến họ thực hiện bất cứ điều gì”.

Đến với bước cuối cùng của cuộc hành trình này, chính là hãy khiến cho các thính giả hành động. Hãy hướng tới và khoanh vùng những khán giả sẵn sàng thay đổi hơn những khán giả hợp tác để cùng thay đổi. Và khi họ hành động ta sẽ chắc chắn được rằng bài diễn thuyết của ta “truyền cảm hứng” cho họ - hấp dẫn và thuyết phục.

Lời kết

Bạn muốn thể kiểm soát được nỗi lo âu? Kiểm soát được những cơn run rẩy? Và thậm chí là những giọt mồ hôi tay khi phải đứng trước đám đông để thuyết trình? Vậy thì đừng chần chừ nữa mà hãy cầm cuốn sách “Inspirit – Nghệ thuật truyền cảm hứng” này lên đọc – hành động. Tôi tin rằng dù bạn là bất kỳ ai thì cuốn sách này ít nhiều cũng sẽ khơi dậy khát khao, cung cấp tri thức và khởi tạo động lực cho bạn. Hãy sẵn sàng để trở thành một nhà diễn giả tài ba – tài ba ngay với chính bạn.

Nội dung: Thanh Thanh - Bila Team
Ảnh: Anh Duy - Bila Team
Tìm hiểu thêm:

1. https://bitly.com.vn/s1se9
2. http://bit.ly/2Veufrm

Facebook Instagram Youtube Twitter Google+ Top