Giỏ hàng

Review Sách Không Nỗ Lực Đừng Tham Vọng - Tham Vọng Lớn Nhất Của Con Người Là Thay Đổi Chính Mình

“Con người không thể dùng mỗi giờ mỗi phút để hiểu mình đang làm gì, nhưng con người luôn phải biết được bản thân đang làm gì mỗi ngày, hay mỗi khoảng thời gian. Trong cả cuộc đời, phải luôn ý thức được mình muốn gì, điều đáng sợ là, có người chẳng bao giờ ý thức xem bản thân đang làm gì, để mặc bản năng dẫn dắt ý chí, thói quen tư duy quyết định thói quen hành động, để đến nỗi từ lâu đã mất đi khả năng suy nghĩ sâu sắc”

Con người đôi khi rất lạ, luôn muốn bản thân trở nên tốt đẹp hơn nhưng lại không chịu hành động. Bạn mong muốn có học bổng, nhưng bản thân lại không chịu ngồi dậy học. Bạn muốn được đi nhiều nơi, nhưng lại chẳng chịu làm việc để kiếm tiền… Những điều đó, đâu phải tự dưng mà thực hiện được. Con người muốn làm điều gì đó, nên bắt đầu từ chính mình, hỏi rằng bản thân đã làm gì để mình trở nên tốt đẹp hơn. Bạn có muốn biết mình phải làm thế nào không? Câu trả lời nằm trong cuốn sách “Không nỗ lực đừng tham vọng” của tác giả Lý Thượng Long.

Lý Thượng Long là tác giả trẻ nổi tiếng với những cuốn sách truyền động lực được nhiều bạn trẻ yêu thích như Đại học không lạc hướng, Vươn lên hoặc bị đánh bại... Tiếp nối thành công của những cuốn sách trước, “Không nỗ lực đừng tham vọng” là cuốn sách với những câu chuyện nhỏ của chính tác giả và những người xung quanh để tiếp thêm động lực cho người đọc. Những quan điểm, góc nhìn của tác giả không nặng nề, cũng không đao to búa lớn mà giống như những lời tâm sự nhẹ nhàng. Qua đó, nó giúp cho người đọc cảm thấy thoải mái, giúp cho chúng ta dần dần nỗ lực để hiểu chính mình và thay đổi bản thân. Cho dù  đó là những thay đổi nhỏ, cũng khiến con người trở nên hoàn thiện hơn.

1. Lắng nghe xem bản thân bạn muốn gì

Trước khi muốn làm gì, phải lắng nghe bản thân mình trước đã. Trong cuốn sách “Không nỗ lực đừng tham vọng”, tác giả đưa ra rất nhiều câu chuyện để chúng ta hiểu mình đang ở đâu, thật sự muốn làm gì và không muốn gì, những điều mình làm có đúng hay không, chúng ta đang sống có mục đích hay chỉ theo bản năng, sống trôi qua từng ngày.

Tác giả Lý Thượng Long có nhắc đến câu chuyện của những người trẻ, rằng nhiều người trải qua một ngày trong vô thức, chúng ta không nhớ ngày này tuần trước mình làm gì, hoặc thậm chí hôm qua mình làm gì, chúng ta bận rộn, nhưng không biết được ý nghĩa của sự bận rộn, chúng ta không biết mình sẽ phải làm gì vào ngày mai, ngày kia, và những ngày sau…

"Trên đường người qua kẻ lại, tàu điện ngầm đông nghịt những người, họ thực ra là muốn đi đâu?”

Đây là câu hỏi mà tác giả đặt ra làm tôi rất ấn tượng. Mỗi ngày chúng ta đều sống những ngày theo bản năng, cảm thấy rất bức bối, rất muốn biết bản thân mình muốn đi đến đâu, nhưng lại không dừng lại để suy ngẫm, dừng lại để hiểu bản thân mình.

“Con người không thể dùng mỗi giờ mỗi phút để hiểu mình đang làm gì, nhưng con người luôn phải biết được bản thân đang làm gì mỗi ngày, hay mỗi khoảng thời gian. Trong cả cuộc đời, phải luôn ý thức được mình muốn gì, điều đáng sợ là, có người chẳng bao giờ ý thức xem bản thân đang làm gì, để mặc bản năng dẫn dắt ý chí, thói quen tư duy quyết định thói quen hành động, để đến nỗi từ lâu đã mất đi khả năng suy nghĩ sâu sắc” (Sách Không nỗ lực đừng tham vọng)

2. Chấp nhận bản thân mình

Trên hành trình cố gắng để hoàn thiện bản thân, đôi khi bạn phải chấp nhận rất nhiều điều. 

Tác giả Lý Thượng Long muốn bạn phải phải chấp nhận hạ cái tôi của mình để học hỏi, chấp nhận sự khác biệt của bản thân, chấp nhận có những con đường mình phải đi một mình; chấp nhận sự không hoàn hảo; chấp nhận những lời cười nhạo của người khác…

Ở chương 3 của “Không nỗ lực đừng tham vọng”, tác giả Lý Thượng Long kể một câu chuyện rằng: Có một cậu học sinh luôn cố gắng học tập, thế nhưng bạn bè cậu ấy thì luôn đả kích, cười nhạo rằng dù có cố gắng thì cũng không thể hơn những sinh viên thuộc những trường nổi tiếng. Lần thứ nhất thi trượt, cậu ấy càng bị cười nhạo nhiều hơn, ngay cả bố mẹ cũng nghĩ cậu ấy nên về quê. Chỉ có cậu ấy tin rằng mình có thể làm được. Suốt một năm tiếp theo cuộc sống của cậu ấy khi đó chỉ vẻn vẹn có hai việc là đọc sách và làm đề.

Cuối cùng, cậu ấy cũng có thể trở thành nghiên cứu sinh của một trường đại học danh giá.

Tại sao cậu ấy lại làm được như vậy, bởi cậu ấy biết chấp nhận rằng bản thân cậu ấy dù không hoàn hảo nhưng sẽ luôn cố gắng. Có những con đường như thế, đầy sự cô độc, đầy tiếng cười nhạo vì sự khác biệt. Nhưng chúng ta vẫn phải chấp nhận mà không oán than, bởi vì, những điều đó chúng ta cố gắng vì bản thân mình, và chẳng phải vì ai khác. Có thể bạn sẽ thể sẽ khiến bạn cảm thấy khó khăn và gục ngã, nhưng sau cùng mọi chuyện sẽ trở nên tốt đẹp.

3. Thay đổi bản thân để trở nên tốt đẹp hơn

Điều mà một người bình thường hướng đến phải chăng chỉ là thay đổi bản thân để hoàn thiện hơn. Và để làm được điều đó, chúng ta phải hành động.

Thay đổi từ những thói quen nhỏ: 

“Bạn đương nhiên có quyền không quan tâm đến những sự việc nhỏ, nhưng không bao giờ được quên, thời gian là một thứ vô cùng đáng sợ, nó có thể phóng đại những thói quen nhỏ không ai để ý đến, bất kể đó là thói quen tốt hay xấu, mà những thói quen đó lại có thể quyết định cả cuộc đời của bạn”

Mỗi năm đều do hơn ba trăm ngày tạo thành, trong hơn ba trăm ngày đó, mỗi ngày hãy cố gắng thay đổi bản thân một chút, nhất định sẽ tạo nên kỳ tích.

Học cách nhìn mọi việc từ nhiều hướng:

Con người đôi lúc chỉ thích nhìn theo hướng mà bản thân mình muốn nhìn., bạn mặc định là nó tốt và tìm mọi cách để bảo vệ rằng đó là tốt., Tuy nhiên mỗi người cần học cách nhìn mọi thứ từ nhiều phía, thôi việc “chỉ đọc những tác phẩm mà mình thích, chỉ tin vào những quan điểm mà mình tán thành, chỉ đọc những cuốn sách mà mình đồng tình, nhận định ra những quan điểm rồi mới đi tìm căn cứ để chống đỡ cho những quan điểm ấy”.

Học cách sống là chính mình và thôi chạy theo đám đông:

Khi thấy tất cả mọi người cùng thực hiện một điều gì đó, chúng ta lại có xu hướng làm theo những gì mà họ làm mà quên đi bản thân mình thật sự muốn gì. Đôi khi chân lý không nằm ở đa số mà nằm trong tay thiểu số, vậy nên, hãy để bản thân thôi để những thứ xung quanh làm lấn át đi tiếng nói của mình. Có điều gì cứ mạnh dạn bày tỏ, điều gì không muốn cứ mạnh mẽ bỏ qua, không cần gì rất nhiều người làm nên chúng ta cũng phải làm theo.

"Phải luôn nhắc nhở bản thân có ý thức suy nghĩ độc lập, phải tự hỏi chính mình rốt cuộc bản thân mình muốn điều gì chứ đừng để số đông kéo đi”

Kết:

"Không nỗ lực đừng tham vọng” của Lý Thượng Long là cuốn sách giản dị mà sâu sắc. Qua hơn 300 trang sách, tác giả muốn gửi gắm tới các bạn trẻ rằng: Nếu không nỗ lực để trở nên tốt đẹp hơn, thì đừng tham vọng to lớn; nỗ lực, phải tương xứng với tham vọng.

Facebook Instagram Youtube Twitter Google+ Top