Giỏ hàng

[Chuyện Của Sách] Mọi Trẻ Sinh Ra Đều Có Quyền Học Hành

BÀI DỰ THI 40:

Họ tên: Phạm Đăng Ngọc Vinh

Chuyện của sách “Chiến binh cầu vồng” - Andrea Hirata. 

------

Mình rất muốn kể cho các bạn nghe một câu chuyện đặc biệt về những người thầy và những cô cậu học trò của một ngôi trường đặc biệt, về ước mơ, nghị lực, sự đấu tranh và về cả những cái tát của cuộc đời! Mình trân trọng sự thật dù đó là sự thật trần trụi mà có thể nhiều bạn không nghĩ ra được là còn có những chuyện như vậy tồn tại ở đâu đó trên thế giới này. Bạn cần động lực để cố gắng học tập, để đấu tranh với sự nghiệp và niềm đam mê của bản thân hay chỉ đơn giản là có quan tâm và dành tình cảm đôi chút cho nền giáo dục? Hãy tìm đến mình, “Chiến binh cầu vồng” của cha đẻ Andrea Hirata. Về bề ngoài, mình có vẻ là một câu chuyện đơn giản, trong sáng về thiếu nhi nhưng sâu bên trong, mình lại được viết theo dạng hồi ký về thời thơ ấu của chính tác giả nên chứa đựng rất nhiều những suy tư về cuộc sống.

Như đã nói, khi đến với mình, tức là các bạn sẽ được bước vào khoảng thời gian diễn ra một cuộc chiến lẫy lừng vì sự nghiệp giáo dục, vì một lý lẽ cơ bản “Mọi trẻ em sinh ra đều có quyền học hành” ở một ngôi trường xập xệ chỉ có một thầy, một cô và mười đứa học trò! Một người thầy khao khát được dạy học đến cả khi nhắm mắt xuôi tay, một người cô nhỏ bé phải đối đầu với những con người to lớn đầy quyền uy. Những đứa trẻ khao khát được đi học dù phải đối mặt với bao vất vả và hiểm nguy trên con đường hàng chục cây số giữa nhà và trường, dù phải bao lần tưởng chừng như gục ngã trước số phận, trước đồng tiền và miếng cơm manh áo. Những con người thấp cổ bé họng dù thiếu thốn trăm bề nhưng vẫn luôn nuôi dưỡng ước mong và hy vọng. Nghe qua thì hình như mình là một “truyện cổ tích giữa đời thường” với kết cục đẹp đẽ “hạnh phúc mãi về sau”, đơn thuần, cứng nhắc và hơi nhạt nhẽo ấy nhỉ? Không phải vậy đâu nhé!

Điều mà khiến cho bạn đọc ở khắp mọi nơi trên thế giới đều có thể đồng cảm với mình, có lẽ là ở phần nội dung đi sâu vào thể hiện sự tương phản, phân biệt sắc nét giữa giàu và nghèo, giữa quyền lực của một số ít và sự bất lực của cả một cộng đồng dân thường yếu thế. Đáng lưu tâm hơn, sự tương phản ấy lại được phản ánh thông qua môi trường của trường lớp và của cả một nền giáo dục, nơi ươm mầm thế hệ tương lai của nhân loại. Giá trị của giáo dục có phải nên là giá trị của công bằng, giá trị nhân dân và nhân bản nhất không?

Hãy cùng đoán ý của Thượng đế nhé! Mọi ước mơ lúc nhỏ của các bạn đều thật đẹp đẽ và tuyệt vời. Nhưng nếu chỉ đơn thuần là ước nguyện, có lẽ Thượng đế thường sẽ làm trái ý ta một cách thích thú. Các bạn trưởng thành, lớn lên với nhiều tác động và hoàn cảnh sống khác nhau theo thời gian. Các bạn cứ nghĩ rằng mình đã thay đổi và những ước mơ lúc nhỏ ấy thật viển vông và xa rời thực tế. Tuy nhiên, sự thật là lẽ sống con người trong mỗi chúng ta đã được định hình rõ ràng trong những năm tháng xa xôi ấy mất rồi! Sự thật ở trong mỗi đứa trẻ, những diễn viên chính của bộ phim thời thơ ấu mà ai cũng phải trải qua. Nó chắc chắn không nằm ở phần kịch bản hiện tại và tương lai được viết ra bởi người lớn.

Những ước mơ thuần khiết thuở nhỏ có thể chẳng bao giờ thành hiện thực khi trưởng thành, thậm chí còn bị cuộc đời dìm không thương tiếc. Nhưng chẳng ai có quyền cấm những đứa trẻ ước mơ. Ít ra, đó là niềm hạnh phúc mạnh mẽ thực sự hiện hữu của bản thân mỗi chúng ta khi nhớ về khoảng thời gian đầu đời.

Hãy bước qua, đừng bỏ cuộc!


Facebook Instagram Youtube Twitter Google+ Top