Giỏ hàng

[Chuyện Của Sách] Ngôn Ngữ Cũng Có Nhiệt Độ

BÀI DỰ THI 101:
Họ tên: Ngô Cao Nghĩa
Chuyện của sách “Nhiệt độ ngôn ngữ” - Ki Ju Lee
----------
“Đôi khi thay vì nói như thế nào, tìm ra những lời không nên nói lại là điều quan trọng hơn cả”, đây là câu nói trích từ nội dung bên trong tôi. Tôi là quyển sách mang tên “nhiệt độ ngôn ngữ”. Thân sinh ra tôi là Ki Ju Lee, người chuyên viết diễn văn cho tổng thống Hàn Quốc trước khi trở thành nhà viết sách. Tôi may mắn được hình thành nhờ sự chắp bút của ông ấy và tự hào thay khi tôi trở thành cuốn sách bán chạy nhất Hàn Quốc năm 2017. Và hạnh phúc biết bao, dịch giả Sun Tzô đã mang tôi đến với đất nước của các bạn, cho tôi cơ hội kể cho độc giả Việt Nam nghe những gì mà tôi chuyên chở qua từng trang sách của mình.

Những mẫu truyện ngắn trong tôi là những điều mà các bạn bắt gặp mỗi ngày, những câu chuyện về gia đình, tình bạn, tình yêu, sinh lão bệnh tử. Trong “tồn tại của vắng mặt”, giữa tang lễ của bố, ba chị em phát hiện ra họ còn có một người em và gượng gạo đối diện với người em cùng cha khác mẹ. Chợt một cảm giác ấm áp lan ra, cả ba quyết định đón đứa em về với gia đình, “Suzu, em có muốn sống cùng bọn chị không?”. Câu hỏi này tuy giản đơn với tôi nó đong đầy tình thương mái ấm gia đình nhiều hơn bao giờ hết. Trong khi ngày ngày chúng ta bắt gặp những mẫu tin anh em ruột đưa nhau ra tòa vì tranh chấp, giết hại nhau vì những mâu thuẫn đời thường. Sự tham lam về vật chất đã làm họ quên đi bài học thời thơ ấu “gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”. Câu chuyện ngắn về số lượng từ và chỉ có một câu thoại nhưng lại là câu thoại tử tế nhất mà chỉ những ai có đủ trách nhiệm vì tình thâm mới có thể nói ra. Đó cũng chính là niềm tin của tác giả đặt vào lòng người, tưởng chừng hạn hẹp nhưng vẫn có thể bao la đến vô cùng.

Trong câu chuyện “mỗi lời nói cũng có thể trở thành một bài thuốc”, có một câu nói rất đặc biệt “Từ bệnh trong bệnh nhân mang nghĩa là bệnh tật. Cứ gọi họ là bệnh nhân mãi thì họ sẽ càng ốm thêm mất”. Câu nói này là minh chứng cho tình yêu của tác giả đối với ngôn ngữ to lớn đến nhường nào và giúp người đọc thấy được lời nói từ miệng người quan trọng ra sao, “Tôi có cảm giác như họ đang bỏ hết cả ngôn ngữ và câu từ vào máy nghiền cho thật mịn, để cho lên men thật chín rồi mới thận trọng nói ra”. Các bạn biết không, nếu tôi chỉ đơn thuần là một quyển sách tập hợp những tản văn nhẹ nhàng ru êm độc giả có lẽ tôi sẽ không được đón nhận nhiều đến thế. Nội hàm của tôi chứa đựng vai trò của “đức dục”, văn chương đối với tác giả Ki Ju Lee đâu chỉ đơn thuần là vẻ đẹp của câu từ ý tứ, ông ấy hướng đến đời sống nội tâm và cảm xúc được nuôi dưỡng từ những câu chữ ngọt lành.

Ngày nay khi xã hội đến gần hơn với tự do ngôn luận, bên cạnh tiếng nói từ trái tim thì những lời lẽ xấu xí đã tạo nên một lớp người “lưu manh trên mạng” (internet hooligan). Tôi được biết những ngày đầu năm 2020, Việt Nam bị xếp vào danh sách “top 5 quốc gia kém văn minh internet nhất trên thế giới”. Hy vọng sau khi đọc, tôi có thể giúp các bạn buông bỏ những hòn đá sắc cạnh dù viết một đoạn chữ hay nói chưa đến nửa câu thay vì “ném đá” nhau trên mạng. Mong rằng các bạn sẽ yêu quý tiếng việt nhiều hơn bởi chữ viết được tạo ra nhằm ghi chép những lời hay ý đẹp của tiếng nói dân tộc, đừng để đất nước của các bạn phải nhận danh hiệu xấu xí ấy thêm một lần nào nữa. “Ngôn ngữ cũng có nhiệt độ. Nó có riêng cho mình độ ấm áp, độ lạnh lẽo khác nhau”, các bạn nhớ nhé!

Facebook Instagram Youtube Twitter Google+ Top