Giỏ hàng

[Chuyện Của Sách] Ranh Giới Giữa Sự Sống Và Cái Chết

BÀI DỰ THI 75:

Họ tên: Huỳnh Ngọc Thuận Ánh

Chuyện của sách “Khi hơi thở hóa thinh không” - Paul Kalanithi

------ 

Thời điểm chạm vào vẻ ngoài màu xanh trời trên lớp ngoại hình của tôi và đọc dòng mô tả về một cuốn sách xoay quanh một nhà giải phẫu thần kinh đối diện với căn bệnh nan y của chính mình, người ta trong giây khắc hẳn đã mong chờ, mường tượng những dòng văn chương thấm đẫm nước mắt của một bi kịch trớ trêu. Tuy nhiên, bên trong tôi là còn hơn thế.

Tôi là “Khi hơi thở hóa thinh không”, tự truyện của vị tiến sĩ chuyên ngành giải phẫu thần kinh Paul Kalanithi lúc sinh thời. Tôi là một câu chuyện được chia thành hai phần tựa bìa trước và sau của lớp vỏ ngoài: cuộc đời Kalanithi khi vẫn còn được vận trên người bộ đồng phục của một bác sĩ và giai đoạn ngài buộc phải khoác lên quần áo bệnh nhân để tiếp nhận điều trị - hai nửa khác biệt nhưng cùng được đặt giữa ranh giới sự sống và cái chết.

Qua nửa đầu tiên, độc giả có thể nhìn nhận vai trò của bác sĩ không chỉ đơn thuần là hai chữ danh giá xuất hiện trên hồ sơ cá nhân, là người hùng chiến đấu vì mạng sống con người bằng con dao mổ mà còn là những mảnh đời nhiều phương diện, đầy trăn trở và cảm xúc từ thường nhật đến giữa bốn bức tường bệnh viện. Thay vì tiếp cận bộ não con người bằng phương pháp thủ công như trách nhiệm công việc của ngài, Kalanithi lại đưa bạn đọc đến gần với tâm trí hơn bao giờ hết bằng ngôn từ và câu chữ, khắc họa rõ ràng sự tội lỗi dấy lên giăng kín suy nghĩ của tác giả thời điểm ngài nhận ra mình không cảm nhận được gì dù chút thương xót ít ỏi khi phẫu thuật tử thi trong quãng thời gian còn ở trường Y, sự uất nghẹn vào những ngày sức nặng cái chết trở nên quá choáng ngợp hay băn khoăn liệu nên tiếp tục hoặc dừng lại trước trách nhiệm tăng cao tỉ lệ thuận với kỹ năng vốn đã đẩy nhiều người bạn của Kalanithi khỏi ngành nghề. 

Một trong những dòng văn đáng nhớ nhất tôi sở hữu có lẽ là “Khi không có chỗ cho con dao mổ thì lời nói chính là công cụ duy nhất của các bác sĩ phẫu thuật”. Ngài đề cập đến những khoảnh khắc mà bản thân buộc phải lựa chọn giữa vai trò của một đối thủ của cái chết - tiếp tục giúp bệnh nhân níu kéo những tia hi vọng cuối cùng của sự sống hay đại sứ của nó - thuyết phục thân nhân để người họ yêu ra đi một cách thanh thản, nhẹ nhàng chứ không phải mắc kẹt trong những ống dây truyền dịch, tồn tại qua ngày một cách vô tri vô giác và không bao giờ được như xưa. Và khi phải đối mặt với các câu hỏi về sinh tử lặp đi lặp lại trong đầu quá đỗi nhiều lần tựa một thước phim cũ, Kalanithi bắt đầu hoài nghi, tự vấn về ý nghĩa của cuộc sống, về sự hiện diện của Chúa,...Những thắc mắc mà dù dành cả đời đọc bao nhiêu về Nuland, Nietzsche, Darwin hay vô vàn nhân vật thông thái, uyên bác khác cũng nào chắc tìm được giải đáp.

Chỉ khi đến nửa thứ hai của tôi, khi tin tức về căn bệnh ung thư giáng xuống số phận đầy thành công và đánh gãy khúc tương lai xán lạn, từ cá nhân hằng ngày túc trực bên giường bệnh thành người nằm trên đấy, yếu ớt và đau đớn, tác giả mới bắt đầu nhìn vào cuộc đời bằng hai lăng kính: của một vị bác sĩ và người bệnh nhân. Ngài xem căn bệnh là các số liệu, sự thật và khoa học để dự tính tương lai khi bản năng nghề nghiệp đóng vai trò chủ đạo, nhưng lại nhìn con đường phía trước bằng nỗi sợ và niềm tin dưới cương vị một người bệnh. Được mặc lên bộ đồ bệnh viện, giữa bầu trời đêm của đau đớn xuyên thấu xương tủy và tinh thần, Kalanithi cũng vô tình được trao một tia ánh sáng tích cực le lói, một cơ hội hiếm hoi suốt mười năm tưởng đã có nhưng lại không - thấu hiểu thực sự những gì mọi mạng sống từng được ngài điều trị đã phải trải qua, không chỉ về những đêm căn bệnh vắt kiệt cơ thể rệu rã mà còn về quá trình trải qua năm bước của buồn đau: chối bỏ, giận dữ, tuyệt vọng, trao đổi và chấp nhận dù trình tự là ngược lại. Giá trị nhân đạo từ đó được phản ánh qua từng câu chữ, kéo dài đến thậm chí sau cuối câu chuyện thời điểm Kalanithi đón nhận cái chết một cách thật nhẹ nhàng và đến cõi vĩnh hằng mà đi vào mãi mãi trong lòng người đọc.

Có thể nhân sinh không bao giờ là mãi mãi, nhưng nhờ có bác sĩ Paul Kalanithi, tôi - tự truyện “Khi hơi thở hóa thinh không” đã có khả năng sẽ lưu giữ hình ảnh và giá trị của ngài trong mắt gia đình, đồng nghiệp và toàn thế giới ở chốn trần gian được lâu dài nhất có thể, cũng như truyền tải về cuộc đời của những vị y bác sĩ cùng quan điểm đáng trân trọng về sinh tử.

Facebook Instagram Youtube Twitter Google+ Top