Giỏ hàng

[Cuộc Thi Viết Online] Hãy Chăm Sóc Mẹ

[BÀI DỰ THI 034]
Họ tên: Sỏi
Cuốn sách cùng bạn trưởng thành: Hãy chăm sóc mẹ - Shin Kyung-sook


“Đừng cầu mong một cuộc sống dễ dàng, hãy cầu mong mình đủ mạnh mẽ để trụ vững giữa cuộc đời đầy khó khăn.”-Lý Tiểu Long

Tôi vốn không muốn quay lại quá khứ, bất kể quãng thời gian nào. Chuyện gì qua rồi cũng thành kỉ niệm, đối với kỉ niệm lại chỉ có hai lựa chọn: hoặc là cất vào một góc, đôi lần vu vơ nghĩ lại, hoặc là quên béng luôn. Tương lai lại khác, nó như một chiếc hộp pandora bí ẩn đầy hấp dẫn, khiến người ta muốn lao vào khám phá, hoặc ít nhất cũng giúp những tâm hồn chằng chịt vết xước hy vọng đôi điều. Tương lai hấp dẫn thật đấy nhưng cũng đầy thách thức. Nó bóp nghẹt trái tim tôi đến nỗi chẳng thở nổi. Mỗi ngày thức dậy đều là một cuộc chiến, chiến đấu cho những điều còn dang dở, chiến đấu với những thứ mới mẻ. Bố mẹ hay bảo tôi vậy.

Nhưng tôi ghét phải đấu tranh. Tại sao cứ phải chiến đấu, phải giành giật để có một điều gì đó tốt đẹp? Tôi trách bố mẹ nhiều về những điều họ khuyên nhủ hay cấm cản. Suốt một thời thơ ấu, tôi luôn cho rằng mình không có tự do vì lúc nào cũng phải nhìn vào vẻ mặt của bố mẹ để hành động. Ngay cả việc chọn trường đại học tôi cũng không thể tự quyết. Có những thời điểm tôi muốn bùng nổ, muốn chạy trốn tất cả để tìm một thứ gọi là “bình yên”. Nhưng, cảm ơn cậu nhé, cô gái bé nhỏ từ quá khứ, mạnh mẽ đương đầu, mạnh mẽ chấp nhận và chiến đấu, để ngày hôm nay, tôi ở đây, đã hiểu ra nhiều những điều bố mẹ mơ ước.

Tôi không biết như thế nào sẽ được gọi là trưởng thành. Đối với mỗi người, quy chuẩn về hai từ “trưởng thành” là khác nhau. Còn với tôi, sự trưởng thành của một cô gái được đánh dấu bằng thời điểm cô ấy hiểu ý nghĩa những hành động của mẹ. Khi tôi đọc được cuốn sách “Hãy chăm sóc mẹ”, tôi nhớ lại nhiều điều trong suốt quá trình trưởng thành của mình, chợt nhận ra bóng mẹ luôn hiện hữu âm thầm hy sinh đằng sau.

Nếu như trên đời này có định luật bảo toàn năng lượng và vật chất, thì tôi nghĩ cuộc sống này còn tồn tại một định luật mang tên “bảo toàn hạnh phúc”. Sẽ thật vô lý nếu cho rằng khi có một người hạnh phúc thì đồng thời cũng xuất hiện một kẻ đau khổ quằn quại ở một góc nào đó. Vậy mà, nhìn lại hành trình của mình, tôi nhận ra những hạnh phúc mình nhận được đều được đánh đổi bằng vất vả cơ cực, bằng nước mắt và tổn thương mẹ gánh chịu. Năm tôi học lớp Năm, bố ngoại tình. Bố mẹ cãi nhau nhiều, bố tôi thậm chí còn bạo hành mẹ. Vậy mà mẹ nhất quyết không ly hôn dù chính tôi là người khuyên mẹ làm vậy.

Đổi lại tháng ngày tăm tối ấy, tôi được trưởng thành trong một gia đình đầy đủ bố mẹ, được nhận tình yêu và sự chăm sóc từ hai nửa thế giới, được trải qua tuổi thơ yên bình ấm êm như bao người. Đó chẳng phải hạnh phúc của cuộc đời mẹ trao hết cho tôi rồi sao? Những năm tôi học cấp ba, tôi từng áp lực rất nhiều vì chuyện thua kém bạn bè. Tôi không giỏi giang như các bạn, nhà không có điều kiện bằng các bạn. Mỗi lần tôi than thở so sánh chuyện này với mẹ, chỉ mong mẹ hiểu cho những áp lực mình đang chịu đựng, thì mẹ lại cố gắng đi làm nhiều hơn, tiết kiệm hơn để tôi muốn gì được nấy, không phải lo nghĩ nhiều, còn mẹ thì sao cũng được. Chiếc áo sờn cũ mẹ mặc mấy năm cũng không cần mua mới, mẹ không khỏe cũng vẫn gắng đi làm, bao nhiêu khó khăn mẹ đều gánh chịu chỉ cố chắt chiu những điều tốt đẹp nhất trao hết cho tôi.

Đến ngày tôi học đại học, tôi vẫn hay trách mẹ sao bắt tôi học một trường mình không thích, sao lại bắt tôi thực hiện ước muốn cuộc đời mẹ? Tôi lén đi làm thêm dù bị mẹ cấm vì mẹ muốn tôi tập trung vào chuyện học hành, và dù tôi cũng chẳng thiếu thốn gì nhưng tuổi trẻ mà, ai chẳng muốn trải nghiệm. Những công việc tôi làm không quá vất vả, hầu như là kết thúc luôn trong một ngày hay một buổi. Nhưng chỉ vậy thôi cũng khiến tôi ngơ ngác tự hỏi:”Làm sao mẹ có thể kiên trì làm việc được bao nhiêu năm qua?”

Mẹ tôi chỉ là một công nhân, trời nắng đâu có điều hòa, trời rét cũng phải đi làm từ rất sớm, lương thấp đến nỗi tôi chẳng hiểu nổi sao mẹ có thể lo được hết chuyện này tới chuyện kia như vậy. Và, quan trọng hơn là, làm gì có ai thích đi làm công nhân? Tôi đã tranh cãi với mẹ rất nhiều về ước mơ trong những ngày thay đổi nguyện vọng vào đại học. Người trẻ phải theo đuổi ước mơ, sống vì đam mê, có như vậy mới đáng sống. Vậy mà mẹ tôi cứ khăng khăng, thích hay không thích cứ cố gắng rồi sẽ đều làm được. Đến bây giờ tôi cũng ngộ ra, đứng trước nỗi lo cơm áo gạo tiền, chỉ cần việc gì giúp mình giải quyết được vấn đề cấp bách ấy, chẳng ai còn để tâm đến thích hay không thích nữa, mà có lẽ chỉ còn duy nhất một lựa chọn phải làm. Đối với người không có bằng cấp hay kỹ năng gì như mẹ tôi, những sự lựa chọn càng ít ỏi hơn. Đó là lí do vì sao mẹ luôn nói mỗi ngày là một cuộc chiến. Đến bây giờ, tự mình trải nghiệm nhiều điều trong cuộc sống, tôi chấp nhận sự thật phũ phàng đó. Mỗi người ngày ngày đều phải cố gắng, đều phải đấu tranh với con người lười biếng tồi tệ trong chính mình, cũng phải đấu tranh với khó khăn cạm bẫy đầy rẫy ngoài kia. Vậy nên tôi chẳng còn mưu cầu một đời bình yên nữa, chỉ mong bản thân ngày một mạnh mẽ, quyết liệt hơn với con đường mình đang bước.

Tôi viết những dòng này gửi cậu chỉ muốn cảm ơn cậu vì đã biết nghe lời mẹ, đã luôn muốn làm mẹ vui lòng dù rằng cậu phải chịu đựng rất nhiều áp lực mà một đứa trẻ không đáng phải chịu đựng như vậy. Cảm ơn cậu đã ngày ngày mạnh mẽ, đương đầu vượt qua rất nhiều khó khăn. Và cảm ơn cậu vì đã tạo ra những dấu mốc quan trọng, để những ngày tôi yếu lòng có thể nhìn lại mà tin tưởng vào bản thân hơn.

Ngày hôm nay là một ngày khó khăn, vì tôi chẳng làm được những điều giảng viên yêu cầu. Nhưng nhớ lại khoảnh khắc mẹ cười tít mắt ngày tôi nhận giấy trúng tuyển đại học, tôi lại thấy có động lực hơn. Thật may vì tôi đã không phải nghe những tiếng thở dài tiếc nuối từ mẹ như người anh cả trong cuốn sách “Hãy chăm sóc mẹ” khi anh ấy không học trong ngôi trường đại học mà mẹ anh mong ước. Những bà mẹ đều phải hy sinh rất nhiều, thậm chí phải chiến đấu với cả chính đứa con của mình để mang lại điều tốt đẹp cho chúng. Vì vậy, những bà mẹ xứng đáng được kính trọng nhiều hơn những gì chúng ta đang làm. Hãy hiểu cho mẹ, và hãy chăm sóc mẹ!

Facebook Instagram Youtube Twitter Google+ Top