Giỏ hàng

Cuốn Sách Truyền Cảm Hứng - Bước Chậm Lại Giữa Thế Gian Vội Vã

BÀI DỰ THI 09:
Họ tên: Bông
Cuốn sách: Bước chậm lại giữa thế gian vội vã - Hae Min
---
Năm 2020 với đại dịch Covid-19 đã khiến tôi biết trân trọng những gì mình có, yêu bản thân mình hơn, và chưa bao giờ, tôi thấy yêu gia đình mình, yêu từng góc phố Hà Nội, yêu cái mùi của đất bay lên mỗi khi trời mưa. Còn được sống, còn được tận hưởng bầu không khí này, còn được ở bên những người tôi yêu thương đó là quá đủ. Tôi không còn vội vàng tìm kiếm những điều viển vông mà dần sống chậm lại, để trân trọng và nâng niu những điều bé nhỏ tôi đang có.

“Bước chậm lại giữa thế gian vội vã” của Đại đức Hae Min là một cuốn sách ngắn với những lời khuyên tưởng quen mà lạ, không mang tính triết lý cao siêu mà dễ dàng thấm nhuần vào tâm trí. Cuốn sách dành cho tất cả chúng ta – những người luôn chạy đua với cuộc sống và đối mặt với những bộn bề, lo âu. Những dòng chữ ngắn gọn sẽ là cầu nối đưa chúng ta đến với một cuộc sống tươi đẹp hơn – tất cả bắt đầu bằng cách thay đổi cách nhìn cuộc sống.

Ngay từ những trang đầu tiên, tôi đã có cảm giác như mình chính là những “bạn trẻ đang khổ sở …” mà tác giả nói tới. Tôi đã từng chia sẻ nhiều về cuộc sống du học của mình, về cái lối suy nghĩ mà mẹ tôi luôn nói là “già bà cố” của mình. Có lẽ tôi của năm 17-18 tuổi không còn nhìn cuộc sống một cách tươi đẹp màu hồng như tôi của những năm cấp một, cấp hai. Kể từ khi gặp phải những thất bại đầu tiên tôi đã không cho thấy được sự dũng cảm và kiên cường mà chính tôi mong chờ. Tôi thường khóa mình trong phòng, khóc một mình, không dám nấc lên từng tiếng mà chỉ dám kìm nén. Đó là cái cảm giác của một đứa trẻ vừa muốn thể hiện sự mạnh mẽ của mình để bố mẹ không lo lắng, bạn bè không dè bỉu nhưng cũng rất yếu đuối. Tôi không muốn ai thấy sự yếu đuối của mình.

Năm 18 tuổi, một mình bước lên chuyến bay đầu tiên trong đời, cũng là chuyến bay dài 10,000 dặm từ Việt Nam qua nước Mỹ xa xôi. Bây giờ nhìn lại những giọt nước mặt trên sân bay thật khiến tôi cười khổ. 18 tuổi – bố mẹ chỉ bảo tôi học chăm đi, đừng lo nghĩ gì chuyện tiền bạc hay việc làm. Nhưng lí trí luôn khiến tôi nghĩ tới nỗi lo thất nghiệp, nỗi lo kiếm việc làm mỗi đêm trước khi đi ngủ. Tôi bị hoang mang trước những ngã rẽ của cuộc đời. Tôi không dám đưa ra sự lựa chọn mạo hiểm nào vì dường như đối với tôi, không có kế hoạch B nào khả thi.

Mọi người hỏi tôi sao lại sang Mỹ. Vì tôi sợ. Tôi sợ ánh mắt dòm ngó của người khác. Tôi sợ nghe những suy nghĩ của người khác nhắm vào mình. Tôi cũng sợ cảm giác thua kém khi nghe quá nhiều những lời khen từ người khác

“Hãy nghỉ một lát rồi đi tiếp.” Có lẽ từ lần cầm trên tay cuốn sách, đó sẽ là câu nói tôi luôn mang theo mình. Khi bạn thất bại, bạn thường dành cả tháng ngồi khóc hay loay hoay trong những câu chữ “Nếu như…”. Khi bạn thành công, bạn chỉ cho mình vài giờ, hay vài ngày chìm trong niềm vui đó. Có lẽ vì thế nên chúng ta thường soi sét những thất bại, điểm sai sót vụn vặt thay vì trân trọng những thứ đẹp đẽ mà nhỏ bé hay thành công mà chúng ta đang có. Khi mất đi rồi tôi mới thấy mình cần trân trọng những gì tôi sở hữu. Tôi đã từng chìm trong những suy nghĩ tiêu cực, làm sức khỏe bản thân sa sút mà có lẽ bây giờ lấy lại hoàn toàn cũng không được.

“Thế gian này luôn vội vã”. Thời gian chẳng chờ đợi ai. Cuộc sống luôn vội vã đổi thay. Nhưng có lẽ nếu bạn dành cho mình một khoảng lặng, cuộc sống cũng sẽ cùng bạn nghỉ ngơi. Liệu rằng thế gian này vội vã hay tất cả chỉ là do bạn tưởng tượng mà ra? Theo tôi thì là cả hai. Mỗi người đều có những suy nghĩ và vướng bận riêng trong cuộc sống. Nếu ai cũng dừng lại thì chúng ta không thể phát triển được. Covid-19 đến với thế giới, khiến chúng ta phải thực hiện giãn cách xã hội. Nhiều người coi đó là trong rủi có may, bởi cuộc sống của họ được dừng lại, nghỉ ngơi đúng lúc. Nhưng cũng có người chán ghét cái cảnh cuộc sống cứ lững thững trôi qua trong vô vị. Tôi thuộc nhóm người đầu tiên. Có lẽ vì là người sống nội nên tôi thích cái cảm giác ở trong nhà cả ngày, làm những điều mình thích. Có lẽ mấu chốt để sống hạnh phúc là biết cân bằng giữa tâm trí và thể xác. Chúng ta thường quan tâm vẻ ngoài mà quên mất cái tâm của mình. Nếu thể xác mệt mỏi, tôi có thể ăn một bữa no, ngủ đủ một giấc. Nếu tâm trí mệt mỏi, hãy dành thời gian cho nó như cách bạn chăm sóc cơ thể mình. Tâm trí chính là lăng kính của cuộc sống qua con mắt. Mắt nhìn nhưng tâm trí đánh giá. Vì vậy, nếu tâm trí bình ổn thì dù cuộc sống bộn bề, chúng ta vẫn có thể bình an.

“Hãy dừng lại một chút và dành thời gian để yêu lấy bản thân mình”

Yêu bản thân mình hơn cũng thật khó bởi chúng ta thường lấy mình mà đi so sánh với người khác. Chúng ta học cách yêu người bằng cách yêu mình trước. Cuộc sống này có ý nghĩa bởi vì chúng ta luôn yêu và được yêu. Khi còn bé, ta yêu bố mẹ, ông bà và anh chị. Khi lớn hơn, tình yêu ấy sẽ là tình yêu cộng đồng, đất nước. Khi đến tuổi lập gia đình, bố mẹ sẽ giục ta tìm một người để dành cả trái tim cho họ. Đó là một tình yêu cao cả nhưng khó tìm. Nếu đã yêu ai thật lòng thì nhìn người đó hạnh phúc thôi là mình cũng vui rồi. Lí do tôi liên kết hai chương này là bởi trong bất kì một mối quan hệ nào, tôi nghĩ đều có sự bắt đầu từ một thứ tình cảm: tình bạn, tình thân, tình yêu và tóm lại đều là tình người.

“Nếu biết tự hài lòng
Thì sau khi sự việc qua đi sẽ không còn chút mảng bám nào vương lại trong lòng”

Khi ta đạt được một thành tựu nhỏ, ta lại mơ ước một thành tựu to hơn. Ta thường không trân trọng những gì ta đang có mà lại mơ một thứ to lớn hơn. Tôi đã học cách tự hài lòng với chính mình thông qua những thất bại to lớn do hoài bão viễn vông mang tới.
Ta thường quá để tâm đến những lời nói và suy nghĩ của người khác mà quên mất rằng ta sống cho chính ta mới quan trọng. Ta thường cố gắng làm người khác nghĩ tốt về ta, làm hài lòng họ mà quên mất ta cũng nên có khoảng trống cho riêng mình.

Những câu chữ của Đại đức Haemin không dài thành đoạn, cũng không phải là những câu chuyện nhiều như trong “Đắc nhân tâm” hay “Quẳng gánh lo đi mà vui sống”. Đó có thể là điểm mạnh mà cũng có thể là điểm yếu của cuốn sách. Những câu từ ngắn gọn có thể sẽ không truyền đạt được câu chuyện và có sự liên kết. Mặc dù đó là những câu chữ khác nhau nhưng nhìn chung tác giả đều muốn mang tới một cách nhìn nhận cuộc sống, một cách nghĩ mới mẻ dành cho những con người đang sống trong bế tắc.

Những câu chữ của Ngài như những lời nói nhẹ nhàng, những lời ru của mẹ, của bà, như những dòng thơ tự do cứ nhẹ nhàng thấm vào trong trí não và tâm hồn của bạn. Đó là những lời răn cảm giác thật thân quen nhưng ta thường hay quên mất. Mong rằng khi bạn đọc xong cuốn sách này, những gì bạn nhận được sẽ nhiều hơn những con chữ vô tri vô giác. Hãy luôn nhớ:

“Dù có đi đâu bạn cũng sẽ được bảo vệ
Dù có đi đâu bạn cũng sẽ được công nhận
Dù có đi đâu bạn cũng sẽ được yêu thương.”

Facebook Instagram Youtube Twitter Google+ Top