Giỏ hàng

Cuốn Sách Truyền Cảm Hứng - Chiến Binh Cầu Vồng

BÀI DỰ THI 96:
Họ tên: LB
Cuốn sách: Chiến binh cầu vồng - Andrea Hirata
---
GIỮ LẠI ĐIỀU CỐT LÕI DÙ THỜI GIAN CÓ QUA ĐI


Khép lại một ngày thật dài trở về căn phòng đã gắn bó với mình hai năm dài, những dòng tâm tư không có cách nào ngừng lại cứ liên tiếp nảy ra trong đầu tôi. Những tâm tư này xin gửi đến cậu - con người trong tương lai của tôi, ở một thời điểm nào đó tôi chẳng biết được.


Vậy là tôi đã học về ngành giáo dục đến nay đã một thời gian dài, lúc đọc lá thư này, không biết cậu có còn trong ngành không nhỉ? Ngày hôm nay thật dài đối với tôi, tôi đã đọc hoàn cảnh của những đứa trẻ trong cuốn sách “Chiến binh cầu vồng” này vài lần, đến hôm nay khi đọc và ngẫm nghĩ về ngành giáo dục, tôi không ngăn được bản thân suy tư về chúng.


“Chiến binh cầu vồng” của tác giả Andrea Hirata là một tác phẩm văn học Indonesia. Cuốn sách này viết về hành trình cùng nhau học tập và chiến đấu của mười đứa trẻ - những chiến binh cầu vồng, sống trên hòn đảo Belitong. Đó cũng là câu chuyện về hai chiến binh đầy nhiệt huyết của ngôi trường Muhammadiyah trong cuộc chiến đem lại ánh sáng tri thức cho cuộc đời những đứa trẻ nghèo.


Đọc “Chiến binh cầu vồng” chắc không ai có thể quên được hình ảnh thầy Harfan đã cống hiến hết mình cho giáo dục. Sự nghiệp đem tri thức chân chính tới những đứa trẻ nghèo khổ của thầy kéo dài gần cả cuộc đời, cho đến khi nhắm mắt thầy vẫn luôn nghĩ tới những đứa học trò nhỏ của mình. Người giáo viên ấy không được nhận một đồng lương nào, thậm chí phải vất vả vận động người dân cho con họ đi học. Người hiệu trưởng ấy ngay ngày khai giảng cũng đã chuẩn bị một bài diễn văn đóng cửa trường học nơi chứa đựng tâm huyết bao năm của thầy. Người thầy ấy, vĩ đại và thân thương biết bao.


Thầy Harfan đem đến cho tôi hình ảnh của một nhà giáo chân chính. Đó không phải những người vào ngành vì những đồng tiền mưu sinh. Đó không phải những người vào ngành vì ngẫu nhiên chọn lựa và có thể rời đi bất kỳ lúc nào. Đó càng không phải những người coi trọng danh vọng, coi trọng tiền tài hơn giáo dục chân chính. Một người thấy cả cuộc đời chẳng nhận tấm bằng khen nào cho sự cống hiến của bản thân, một người thầy đấu tranh cho lý tưởng của mình, một người thầy nỗ lực hết khả năng để đem đến cho học trò những điều tốt đẹp của tri thức, người thầy ấy chính là thầy Harfan. Niềm hạnh phúc của thầy không gì ngoài thành quả của học trò, niềm vui của thầy cũng không đi xa khỏi ngôi trường tiểu học. Những điều thầy làm vất vả và khó khăn, những niềm vui của thầy lại đơn giản và bình dị, những chi tiết này thật vĩ đại biết bao, người thầy như vậy thật đáng kính trọng.


Bên cạnh hình ảnh một người thầy đáng kính, tôi cũng bắt gặp hình ảnh một cô giáo Mus đầy nhiệt huyết và tận tâm với nghề. Một cô gái trẻ mới mười lăm tuổi, yêu trẻ con, dành trọn tâm tư cho ngôi trường, cho học sinh. Người con gái trẻ tuổi nhưng chứa đựng sức mạnh phi thường, ý chí kiên định và tình yêu lớn lao. Tôi ấn tượng với hình ảnh cô giáo dũng cảm kiên quyết đấu tranh giữ lại ngôi trường để học sinh được đi học. Tôi cũng ấn tượng hình ảnh cô giáo kiên trì khuyên giải những đứa trẻ quay lại trường học. Và tôi ấn tượng nhất là hình ảnh người con gái dám đối đầu với vua Thiếc để giành lại quyền được tồn tại của ngôi trường. Tất cả những hình ảnh của cô Mus gói gọn trong những tiếng mà mấy đứa trẻ nói về cô: “cô giáo chúng tôi”. Những tiếng gọi ấy chứa đựng thân thương và lòng kính mến. Sự chân thành và tình yêu nghề của cô Mus đã đem đến cho những đứa trẻ giá trị lớn hơn rất nhiều so với những tri thức.


Trong một cuốn sách tôi đọc, tác giả có viết: “Điều quan trọng nhất ta học được ở trường là cái sự thật rằng những điều quan trọng nhất ta lại không học được ở trường”. Tôi không biết tác giả cuốn sách đó muốn nói đến những điều quan trọng ấy là gì, nhưng tôi biết ở trường học con người ta đã học được cách yêu thương, cách chia sẻ, cách chung sống, thì đó là những điều cốt yếu một con người cần học. Và chỉ những người giáo viên có đủ tình yêu, đủ lý tưởng, đủ kiên trì mới dạy được những bài học đó cho học trò của mình. Kiến thức, người giáo viên nào cũng có thể dạy, nội dung bài giảng là giống hệt nhau, nhưng những ấn tượng mà người giáo viên để lại, những bài học không có trong sách vở học sinh học được mới chính là những điều làm nên một người giáo viên trong lòng học trò.


Sứ mệnh của giáo dục là gì? Người giáo viên có sứ mệnh như thế nào?


Giáo dục không phải phương thức để làm giàu, giáo dục cũng không phải con đường đến tiền tài. Tri thức không chắc đem lại ánh sáng của sự giàu sang, những con chữ không chắc đem lại một cuộc đời đời. Cũng giống như những chiến binh cầu vồng trong cuốn sách của tác giả Andrea Hirata, chúng không trở nên giàu có hay có cuộc sống sung túc sau khi tiếp nhận tri thức.


Sứ mệnh của giáo dục nằm ở nhân cách của con người. Ở trường học, những kiến thức khoa học ta được dạy không phải tất cả đều có ích cho cuộc sống chúng ta sau này, nhưng những bài học làm người, những điều tốt đẹp của tình thương là hành trang cho mọi hành trình. Đừng để bản thân trở thành những người nhìn vào điểm số để đánh giá một con người, cũng đừng biến thành tích thành những điều cốt lõi khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Thay vào đó, hãy để tâm tới sự nỗ lực của bản thân, sự nỗ lực của bạn bè, cách chúng ta giao tiếp và chia sẻ với nhau. Ngoài trường học, tôi không chắc ở đâu có sự công bằng giữa mọi người cao đến thế, chỉ còn rất ít thời gian đi học, mong cậu không bỏ lỡ điều quan trọng này.
Điều cuối cùng quan trọng nhất, mong cậu giữ được cái nhìn đúng về cái nghề mà cậu đang học, giữ được hình ảnh người giáo viên mà cậu luôn muốn trở thành. Cuốn sách này tặng cậu với những mong muốn đơn thuần ấy, chúc cậu trên chặng đường phía trước dù chông gai và đầy cám dỗ cũng không quên đi điều mình hướng tới.
 

Facebook Instagram Youtube Twitter Google+ Top