Giỏ hàng

Cuốn Sách Truyền Cảm Hứng - Cho Tôi Xin Một Vé Đi Tuổi Thơ

[BÀI DỰ THI SỐ 078]
Họ tên: Nguyễn Thị Thu Thảo
Cuốn sách cùng bạn trưởng thành: “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” - Nguyễn Nhật Ánh


Gửi tôi của 10 năm về trước...

Bây giờ đã là 23:30 và bên ngoài trời đang đổ những cơn mưa nặng hạt. Thật chẳng thể ngủ được vì trong đầu chứa toàn những suy nghĩ vẩn vơ... Ai mà ngờ được khi chúng ta lớn, chúng ta lại mệt mỏi hơn với cuộc sống như vậy! Ước gì thời gian quay ngược trở lại, tôi muốn được là tôi của tuổi lên 8...

Tuổi lên 8, giống với độ tuổi của thằng cu Mùi trong tác phẩm “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” của tác giả Nguyễn Nhật Ánh. Câu chuyện được mở đầu bằng câu cảm thán của thằng bé 8 tuổi nhưng tâm hồn lại chẳng khác gì ông cụ non: “Một ngày tôi thấy cuộc sống thật buồn chán và tẻ nhạt”. Ồ phải rồi, cái thời điểm đó tôi mới thấy chán cuộc sống làm sao! Một ngày dài với những sự việc nhàm chán cứ lặp đi lặp lại: ăn, ngủ, học, chơi. Cũng giống như cu Mùi, tôi cũng từng mong ước có được một ông bố, bà mẹ tuyệt vời. Sự tuyệt vời ở đây nghĩa là cho phép tôi được đi chơi thỏa thích với các bạn, không bắt tôi phải ngồi vào bàn học mỗi tối, không bắt tôi phải ngủ trưa, cho phép tôi ăn những món tôi thích… Tôi cũng từng mong ước sẽ trở thành người nổi tiếng để thay đổi mọi thứ theo ý mình, không cần phải nghe theo sự sắp đặt của người khác… Tôi đã luôn mong ước thời gian trôi qua thật nhanh để mình được lớn, mình được là mình của bây giờ, khi đó trong đầu tôi luôn nghĩ đến một ngày tôi lớn, tôi sẽ làm mọi thứ tôi thích làm, đến mọi nơi tôi muốn đi mà không cần quan tâm hay phải xin phép bất kì ai.

Nhưng bạn nhỏ năm 8 tuổi của tôi ơi, bạn đâu có biết 10 năm sau khi bạn đã 18 tuổi thì bạn lại khao khát muốn quay về quá khứ đến nhường nào! 18 tuổi, độ tuổi bắt đầu bước chân ra ngoài ngưỡng cửa nhà, có biết bao khó khăn đang đợi chờ ở phía trước, buộc bạn phải dũng cảm bước đi một mình. Cuộc sống xa gia đình có những lúc thật tồi tệ, những câu chuyện buồn lại chẳng thể chia sẻ cùng ai, lắm khi mệt mỏi chỉ muốn bỏ dở tất cả và chạy ngay về nhà. Lớn rồi suy nghĩ cũng lớn theo, tôi của bây giờ đã có những nhận thức có thể nói là chín chắn hơn tôi của lúc đó. Tôi biết không phải cứ người bạn nào cũng có thể chơi được, học hành chính là điều dễ dàng nhất, ăn đủ chất bao giờ cũng tốt hơn là ăn thứ mình thích và tuyệt vời hơn cả là có một giấc ngủ trưa thật ngon... Tôi cũng không còn mong ước được trở thành người nổi tiếng nữa vì có lẽ làm người bình thường tất sẽ bình yên hơn rất nhiều.

Thật kì lạ, khi lớn lên, ta có thể ăn bất kì món ngon nào, nhưng lại chẳng thấy ngon miệng bằng gói mì tôm trẻ em được bày bán trước cổng trường. Ta có thể tự mua sắm đủ loại quần áo, nhưng lại chẳng thấy háo hức bằng ngày bé, khi bố mẹ đi làm vất vả, dành dụm tiền để sắm cho bộ quần áo đẹp. Ta có thể dành tiền để mua cái xe máy hay xe hơi đắt tiền nào đó, nhưng lại thấy nhớ những ngày xưa, nhớ đến hình ảnh bố mẹ đèo đi học mỗi buổi sáng, rồi lại đón về sau những buổi tan trường. Ngày còn thơ bé, mọi thứ kể cả suy nghĩ đều thật đơn giản nhưng lớn lên rồi mọi thứ đều dần thay đổi.

Bất kì ai lớn lên trong cuộc đời đều phải đi quãng thời gian mà người ta gọi là tuổi thơ. Mặc dù quãng thời gian ấy như thế nào thì chúng ta cũng sẽ chẳng bao giờ có lần thứ hai được quay trở lại. Và khi chúng ta đã trưởng thành, giữa bộn bề lo toan của cuộc sống, chúng ta ước mình có thể trở về ngày xưa, về với những tháng ngày hồn nhiên, vô lo vô nghĩ.

Nếu Thảo 8 tuổi của tôi có thể đọc được những dòng này thì bạn nên biết bạn đã có một tuổi thơ đẹp, đẹp đến mức 10 năm sau khi bạn đã lớn bạn vẫn mong muốn được trở về với khoảng thời gian đó.

Cuối cùng là một lời cảm ơn chân thành đến nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, người đã viết ra cuốn sách như một thước phim quay chậm khiến người đọc có thể tìm về kí ức tuổi thơ của mình...

“Tôi viết cuốn sách này không dành cho trẻ em. Tôi viết cho những ai từng là trẻ em.” (Nguyễn Nhật Ánh)

Facebook Instagram Youtube Twitter Google+ Top