Giỏ hàng

Gen Z Kể Chuyện: “Cá Sấu Lên Bờ” Có Đơn Giản Chỉ Là Một Trò Chơi Trẻ Con?

BÀI DỰ THI 241:ĐẰNG SAU TRÒ CHƠI “CÁ SẤU LÊN BỜ”

Họ và tên: nefelibata

/Đôi khi ta cần lao ra đầm lầy cá sấu, chẳng vì lý do nào khác ngoài niềm vui sống./

---   

Khi còn bé, tôi luôn thích chơi cá sấu lên bờ. Như mọi đứa trẻ con đều thích một trò trẻ con ngớ ngẩn nào đó. Giữa mấy đứa con nít bé xíu chúng tôi hồi ấy, luật chơi của cá sấu lên bờ luôn được ngầm hiểu với nhau một cách không thể đơn giản hơn: đừng để đứa đóng vai cá sấu bắt; còn lại, không có bất kỳ luật gì về được ở tại một chỗ bao lâu hay bao nhiêu người được đứng. Nếu như vậy, để thắng thì chỉ cần ở lì một chỗ cao hơn sàn như bậc thang, cái giường là được. 

Nhưng điều khiến chúng tôi, dù đang ở chỗ an toàn, vẫn bất chấp phóng xuống có lẽ là cái cảm giác mà ngay khi chân chúng tôi chạm xuống sàn, sàn nhà lập tức hóa thành mặt sông xanh nhờ nhờ, xung quanh là rừng rậm nhiệt đới râm ran tiếng sâu bọ, còn chúng tôi là những nhà thám hiểm dũng cảm chạy vun vút khỏi hiểm nguy là những con cá sấu phía sau. 

Tôi của bây giờ, nếu trong tình huống giả tưởng khó bao giờ xảy ra đó là chơi cá sấu lên bờ lần nữa, có lẽ tôi sẽ đứng lì ở một bờ do thấy bản thân quá già cho việc này. Hoặc nhìn theo hướng tích cực hơn, có lẽ tôi vẫn sẽ cảm nhận được sự hồi hộp khi bị rượt đuổi, vẫn sẽ cười vì sự ngớ ngẩn đến đáng yêu của trò chơi. Hiếm hoi lắm mới được làm gì đó không gắn liền với “phát triển bản thân”,“tăng năng suất” hay “leo nấc thang xã hội” - bất kì điều gì mà con người ta buộc phải quan tâm từng giờ từng phút khi trưởng thành mà. Nhưng dù thế nào, tôi không nghĩ tôi sẽ bao giờ thấy lại sự chuyển hóa diệu kỳ từ sàn nhà thành đầm lầy cá sấu nữa. 

Đó là cái tôi nhớ nhất khi bước vào tuổi trưởng thành: thế giới thực sẽ không bao giờ nhiệm màu như trước. Bất chấp mọi nỗ lực để trốn thoát khỏi nó như chú mục vào tiểu thuyết hay phim ảnh kỳ ảo, sàn nhà cũng sẽ mãi chỉ là sàn nhà. Con mèo thực chất không cố nói với ta điều sất, và cũng không có con quái vật nào đến bắt ta nếu ta tắt điện rồi không chạy thục mạng đến chỗ sáng đèn. 

Có đôi ba lời lý giải vì sao những trang cổ tích của cuộc đời hết nhanh đến vậy, nhất là trong thời đại này. 

Có thể là vì chúng ta lớn lên trong kỷ nguyên của sự kết nối, của tin tức, của Internet, não chúng ta không bao giờ buồn chán đến độ tưởng tượng ra điều gì đấy hoang đường vu vơ để tự tiêu khiển. Con người vốn ghét sự tẻ nhạt đến mức thà bị giật điện còn hơn không làm gì, như thí nghiệm khoa học kiểm chứng. Vậy nên, trong một ngày dài vô lo không vướng bận chút trách nhiệm nào, một đứa trẻ nằm buồn chán trên ghế có thể tự hô biến sàn nhà thành dung nham, và nhiệm vụ của nó sẽ là nhảy từ chỗ này sang chỗ nọ để giải cứu lũ gấu bông gặp nạn dưới sàn. Khác với đứa trẻ, nếu ta không rút điện thoại ra tìm tiêu khiển từ nội dung người khác cung cấp thì ta cũng có nghìn mối quan tâm rất “người lớn” khác. 

Một lời lý giải nữa, đó là sao ta có thể tin rằng cuộc đời đầy ắp những nhiệm màu vẫy gọi, khi thế giới hậu tuổi thơ hóa ra đầy khắc nghiệt? Bước vào tuổi vị thành niên, ta dần khao khát chứng tỏ mình tường tận cuộc đời đủ để điều hướng bản thân qua mọi thử thách sự trưởng thành ném tới tấp đến ta. Mà tường tận cuộc đời ở đây nghĩa là nhìn cuộc đời qua lăng kính được phần đông xã hội thống nhất thế nào là chấp nhận được, thế nào là không; nghĩa là chủ động bỏ đi lăng kính vạn hoa ta từng mang. Như thể chưa đủ, thế hệ chúng ta được trông đợi giải quyết những vấn đề thế hệ trước để lại. Đàn áp mang tính hệ thống, môi trường xuống cấp, bất bình đẳng,... vẫn luôn tồn tại nhưng giờ đây, chúng được nhận thức rõ ràng hơn bao giờ hết. Sóng gió cá nhân cộng hưởng sóng gió thời đại.

Vậy, chỗ đứng nào cho đầm lầy cá sấu cùng những nhiệm màu tuổi thơ khác? 

Ta có thể chép miệng tiếc nuối, tin rằng chúng đã thuộc về miền quá khứ không thể chạm tới như một lẽ tất yếu, rồi tiếp tục với những lo toan “người lớn” của mình. Nhưng tôi tin rằng đâu đó trong mỗi người, ta vẫn nắm giữ chìa khóa mở đến miền quá khứ đầy nhiệm màu ấy. 

Làm sao để tìm chiếc chìa khóa đó ư? Bằng phép thần chú tưởng chừng đơn giản nhưng đôi khi lại rất đỗi khó khăn: tin rằng thế giới này vẫn mới, và vẫn đẹp. Đủ mới để khi chậm lại giữa dòng đời hối hả, ta mới thấy được chiều sâu chưa từng biết ở những con người mình luôn bên cạnh. Đủ mới để biết rằng mỗi người ta từng gặp đều biết điều gì đó mà ta không biết, và rồi ta có thể tiếp nhận sự mở mang từ họ với niềm háo hức của một đứa trẻ. Cuối cùng, đủ đẹp để bất chấp những hỗn mang trong nội tâm ta và thế giới ngoài kia, ta vẫn có thể tìm thấy vẻ đẹp trong việc đơn giản tận hưởng sự sống. Và trời cũng sẽ không sập xuống, kể cả khi làm như thế khiến ta có vẻ như đang không cư xử “trưởng thành” theo đúng kỳ vọng xã hội. 

Đôi khi ta cần lao ra đầm lầy cá sấu, chẳng vì lý do nào khác ngoài niềm vui sống. 

---

#bila #đọc_để_trưởng_thành

Đọc các bài dự thi tại: https://bila.vn/blogs/nguoi-truyen-cam-hung. Các bài viết ấn tượng sẽ được Bila đăng trên fanpage Bila - Đọc để trưởng thành vào 15h và 20h hằng ngày.

 

Facebook Instagram Youtube Twitter Google+ Top