Giỏ hàng

Gen Z Kể Chuyện: Chúng Ta Từng Có Một Tuổi Thơ

BÀI DỰ THI 228: CHÚNG TA TỪNG CÓ MỘT TUỔI THƠ

Họ và tên: Hạ Nhi

/Hãy để người mang đến nụ cười cho các em không phải là màn hình mà là chính chúng ta, là chính các em,... rằng ngày xưa, chúng ta từng có một tuổi thơ.../

---   

“Bố tớ có Iphone X đấy!”

“Xì, nhiêu đó nhằm nhò gì, bố tớ tuyệt hơn, dùng Iphone 12 Pro-max cơ!”

Cuộc trò chuyện của hai đứa nhóc hàng xóm suýt làm tôi “té ngửa”. Nhìn ra ngoài, đứa nào đứa nấy phồng mồm phồng mép tâng bốc sự đa tài của bố nó,nhưng khác với tôi ngày trước ở chỗ, chúng nó không nói bố cưng mình thế nào, nấu được những món ngon ra sao… Không biết dự bao giờ, hình tượng “vĩ đại” của những ông bố đã bị mấy đứa nhóc con đem ra “đong đếm” bằng độ tân tiến của chiếc điện thoại smartphone - sản phẩm phổ biến trong thời đại kĩ thuật số.

Ngày xưa trẻ con gặp nhau là bày ra biết bao nhiêu trò. Ngày nay trẻ con gặp nhau xem chừng chỉ chờ bố mẹ trao tay chiếc smartphone, hùa với nhau vài trận game, hay lại nín thinh mỗi đứa ngồi một góc như những cỗ máy. Chăm chú vào thế giới đa diện của Internet, những cỗ máy-trẻ con dần quen với cách ngồi cạnh nhau mà không phải nói gì. Kẹo bánh tràn miệng, cơm phải “dỗ ngọt” và dí tivi điện thoại vào mới chịu ăn… Sao trẻ con ngồi với nhau không còn chơi ú tim, chơi đồ hàng, sao một đứa bé miệng còn thơm sữa lại lẩm nhẩm hát những bài nhạc “trend” thả thính mà không phải là bài hát đúng với lứa tuổi các em? Bà ơi bà, Con cò bé bé, Trống cơm đi đâu mất?

Trong mắt tôi, điều ấy thật nhức nhối. Dù cách tôi chỉ chừng thập kỉ, đứa em gái năm tuổi của tôi lại có một tuổi thơ khác tôi một trời một vực. Không biết người lớn và Internet đã truyền vào đầu em tôi thứ bùa ngải gì, để thời gian nó ôm điện thoại lên youtube, tik tok còn nhiều hơn cả thời gian tô màu tập vẽ. Mạng xã hội cũng tham lam quá, lấy đi những nụ cười trong trẻo chỉ có ở trẻ con, lấy đi những kỉ niệm trong sáng nhất của tuổi thần tiên, chỉ để lại những phút còng lưng, cứng cổ dán mắt vào màn hình. Khi lớn lên, được ai đó hỏi về ngày xưa của bạn thế nào, chúng nó lấy gì để kể?

Đúng là Internet tiện lợi thật đấy, gì cũng có, gì cũng hay. Nhưng ai sẽ quản lí những video hài nhảm, đi ngược với thuần phong mĩ tục, những đường link bậy bạ, dạy trẻ em làm những thứ như chế pháo, rải đinh lên đường, đổ bánh lên đầu bố mẹ? Chờ đến khi một lớp trẻ đã ăn sâu vào máu thứ văn hóa lai tạp ấy thì mới phát giác và cho cấm. Đến lúc ấy, tự hỏi còn tác dụng không?

Tuổi thơ tôi may mắn không có bóng dáng của màn hình cao siêu biến trẻ em thành những cỗ máy. Vì thế, tôi dành nhiều thời gian để thong dong với cỏ cây, bè bạn, với nắng gió. Tôi từng chăm chú ngắm một cánh diều rồi băn khoăn ở bên trên đó, liệu có chú chim nào “quá giang” hay không- một điều mà chưa từng thấy trong ý nghĩ của em gái tôi, tuyệt đối. Tôi không biết những nàng tiên, cô tấm trên youtube với hình ảnh minh họa sặc sỡ có sinh động hơn cô Tấm trong lời kể của bà tôi hay không, nhưng có một điều tôi biết chắc rằng trí tưởng tượng của những đứa trẻ hôm nay sẽ bị mai một đi ít nhiều. Chới với giữa làn sóng công nghệ hiện đại, tôi đang cổ hủ quá chăng?

Mỗi lần về quê ngoại, tôi sẽ đòi bà kể chuyện ngày xưa, còn em tôi thì mè nheo mẹ đưa mượn chiếc điện thoại mới chịu ngồi yên một chỗ. Chuyện của bà thì nhiều lắm, nó chảy dọc kí ức từ hồi bà còn tấm bé cho đến lúc lớn lên trở thành một cô thôn nữ tháo vát việc nhà. Mỗi lần kể chuyện, bà đều ngước lên trời, chấm dứt hồi kí bằng một tiếng thở dài rười rượi. Đôi mắt cằn cỗi như đất mùa hạ nhưng sâu thẳm:

    “Ngày xưa khổ lắm, không được sướng như bây giờ đâu, con ạ…”

Tất nhiên, khổ thế nào thì tôi không biết được, nhưng trẻ con bây giờ làm gì được sống đúng với bản chất của chúng nó mà sướng nhỉ? Tiếp cận với mạng xã hội sớm, cũng đồng nghĩa với việc lắp râu cho “anh chàng” con nít, nghĩa là để trẻ con lớn trước tuổi. Một đứa bé lớp 2 chơi facebook; một bạn lớp 5 đăng ảnh với chú thích đang cảm thấy cô đơn; một học sinh lớp 7 để ảnh đại diện màu đen vì mới thất tình…? Có thật là người lớn chúng ta đang thấy lạ, hay tuyệt nhiên không cảm thấy ngán ngẩm với những hình ảnh trên hay không?

Tôi không hiểu, không hiểu… Sao một thời đại con người cư xử lạnh nhạt với nhau thế này lại được coi là sung sướng? Đặt lên bàn cân, sức nặng của chiếc smartphone có thắng được kỉ niệm con người? Tôi tự hỏi liệu 5 năm, 10 năm, 20 năm nữa, việc lớn trước tuổi sẽ mang lại cho những đứa trẻ những gì, có thành công hơn lớp thế hệ cổ hủ như cha mẹ, ông bà ta hay không. Chỉ biết rằng ngày càng nhiều đứa trẻ phải nhập viện vì chứng còng lưng, cận thị, thậm chí là tự kỉ. Và cặp kính cận dày cộp, mãi là minh chứng cho tàn tích của một làn sóng công nghiệp quét qua, người lớn trẻ con quay cuồng, không tha người già.

Thời nào cũng vậy, đáng sợ nhất là thế hệ măng non không biết đến xã hội bên ngoài, không có lòng trắc ẩn, không có danh dự, không có sự tôn trọng, nghèo trí tưởng tượng và không thích đọc sách.Tại sao người lớn chúng ta không để trẻ nhỏ sống như chúng ta ngày trước, một thời đại mà con người không cần lắm vật chất vẫn sống tốt, vẫn cống hiến tốt cho xã hội?

Kỉ niệm tuổi thơ là những trái sung. Trẻ con hôm nay là người đói há miệng. Vì chiếc điện thoại chắn trước mặt nên dù sung có rụng nhiều đến mấy cũng không rơi lọt vào được. Kỉ niệm cũng vì thế mà tan biến. Muốn có kỉ niệm, chi bằng những người làm cha, làm mẹ, ông bà hãy quan tâm đến các em nhiều hơn, giúp các em cất chiếc điện thoại đi, tránh xa ipad, máy tính, tranh thủ thời gian quý giá bên bè bạn, gia đình. Hãy để người mang đến nụ cười cho các em không phải là màn hình mà là chính chúng ta, là chính các em, để trí tưởng tượng trẻ thơ được nâng trên những cánh chuồn chuồn, bay thấp và bay cao, lượm lặt những tình yêu nhỏ bé thuần con trẻ lấp đầy ô cửa kỉ niệm. Nếu một mai cánh chuồn chuồn ấy có mắc trên cành cây cao hay một hàng rào, cũng sẽ ít nhiều giúp các em mỉm cười khi nhớ lại, dù một chút thôi. Vì cánh diều, vẫn mãi vút bay vào những ngày không giông bão.

    …Đằng sau dấu chấm hỏi sẽ là những nỗ lực của chúng ta, không thể nói là tuyệt vọng, để nhắc nhớ con cháu mình, rằng ngày xưa, chúng ta từng có một tuổi thơ... 

---

#bila #đọc_để_trưởng_thành

Đọc các bài dự thi tại: https://bila.vn/blogs/nguoi-truyen-cam-hung. Các bài viết ấn tượng sẽ được Bila đăng trên fanpage Bila - Đọc để trưởng thành vào 15h và 20h hằng ngày.

 

Facebook Instagram Youtube Twitter Google+ Top