Giỏ hàng

Gen Z Kể Chuyện: Có Bao Nhiêu Cách Để Hủy Hoại Tuổi Thơ Của Một Đứa Trẻ?

BÀI DỰ THI 118: CÓ BAO NHIÊU CÁCH ĐỂ HỦY HOẠI TUỔI THƠ CỦA MỘT ĐỨA TRẺ?
Họ tên: Thea

/Xin đừng vội dập tắt ước mơ kia khi nó còn chưa bắt đầu… Hãy để thời gian làm chứng cho từng câu chữ ấy, cũng hãy để chúng tự chịu trách nhiệm cho sự lựa chọn này./

---

“Có bao nhiêu cách để hủy hoại tuổi thơ của một đứa trẻ?”

Có thể khi đọc được dòng này, mỗi người sẽ đều dừng lại 1 chút, vá lại từng mảnh ghép còn sót lại về tuổi thơ của họ mà suy nghĩ, mà so sánh, mà phán đoán, “nuôi lớn còn chưa xong, ai lại muốn đi hủy hoại cơ chứ?”. Thực ra cách thức lại giản đơn 1 cách kỳ diệu mà chính bạn có lẽ cũng không phát hiện ra, “đấu tranh để tồn tại trong thế giới tàn khốc mà mọi người đem lại”

Vì cớ gì mà ông cha ta luôn nói “trẻ em hôm nay thế giới ngày mai”, một câu 8 chữ tưởng chừng như vô hại, mục đích ca ngợi các thế hệ sau, cổ vũ các em cố gắng trong học tập nhưng thực chất lại đang đè nặng hai cánh vai nhỏ bé của một đứa trẻ. Ở các quốc gia Châu Á, chúng ta có lẽ đã không còn xa lạ gì hình ảnh một em học sinh ngày ngày phải đi học bổ túc đến chín, mười giờ tối, giữa các ca học thêm chỉ kịp ngồi trên xe, 1 tay cầm miếng bánh mì, 1 tay cầm quyển sách ôn bài. Chưa kể là những giờ lên lớp bổ sung của nhà trường và các câu lạc bộ ngoại khóa đang đợi các em đến tham dự, vậy... thành tích gặt hái được của các em là gì?

Đúng, chúng có thể là những tấm bằng chứng chỉ cho hồ sơ xin việc của em sau này, cũng có thể đổi được vô vàn lời khen có cánh cũng như bao ánh mắt ngưỡng mộ của bạn bè đồng trang lứa; nhưng chắc chắn một điều, chúng sẽ là những sợi dây áp lực lôi kéo em vào bóng tối. Một đứa trẻ học đánh piano, mỗi lần gia đình sum họp liền bảo nó ra đánh thử 1 bài cho mọi người nghe, khi đứa trẻ học hát, liền bảo nó biểu diễn ở nơi công cộng. Xin thưa, con cái bạn không phải một loại công cụ phải đi chiều lòng người khác, nếu bạn vẫn cố chấp với suy nghĩ này thì đừng thắc mắc tại sao khi chúng lớn lên lại rụt rè, sợ hãi và hoảng loạn trước đám đông. Bởi vì bạn đâu biết được, chúng đã sợ sẽ làm hỏng màn biểu diễn thế nào, sợ làm xấu mặt bố mẹ ra sao, cũng sợ bản thân đã phí thời gian và công sức ra để học mà chẳng đem lại kết quả gì. Đã bao giờ bạn tự hỏi, con bạn thật sự hứng thú với cái gì hay chỉ chăm chăm đi đăng ký các lớp kỹ năng, yêu cầu chúng phải đạt được thành tích thật cao, mỗi ngày đều nhắn nhủ “cũng vì tốt cho con mà thôi”? Bạn vẫn sẽ vui vẻ sống qua ngày mà chẳng ngờ được đến một hôm, chúng vừa nức nở khóc vừa hỏi bạn “Sao mẹ lại sinh ra con?”

Trẻ con, tưởng chừng như là 1 trang giấy trắng, cái gì cũng không biết, nhiều khi lại hiểu chuyện đến đau lòng. Bạn đùa bạn nhặt được chúng về từ bãi rác, chúng sẽ khóc sưng mắt cả một đêm vì lo sợ bản thân chỉ là một đứa con hoang; người lớn hỏi “cháu thích bố hay thích mẹ hơn”, chúng sẽ hoảng sợ vì không biết trả lời thế nào để không làm phiền lòng cả hai. Lời xin xỏ mua một món đồ cũng vì một cái nhíu mày của bạn mà không có lần thứ hai, bạn thở dài một tiếng khi trả học phí cũng khiến chúng học ngày học đêm, sợ bố mẹ đang lãng phí tiền bạc vào mình. Đang tuổi ăn tuổi lớn, chỉ vì vài câu cười cười đùa đùa là con béo phì, một giây liền rơi xuống mười bậc tự ti, ám ảnh ăn uống đến mức bỏ đói bản thân để rồi phải nhập viện vì rối loạn dạ dày. Bố mẹ dạy phải biết tự lập từ khi còn nhỏ, nhưng lại quên mất rằng trẻ con sẽ trở nên thiệt thòi như thế nào khi phải tự lực cánh sinh, chân ướt chân ráo từng bước vào đời, chúng thật ra cũng chỉ là trẻ con thôi mà, cũng cần được yêu thương, mà nuông chiều, “Xin đừng bắt chúng chạy khi đi còn chưa vững”.

Người lớn hay trẻ con sẽ đều có khó khăn, áp lực của riêng mình. Đừng vì nghĩ đứa trẻ nhỏ mà xem nhẹ những vấn đề ấy, để rồi cười khẩy và lờ đi sự cầu cứu của chúng, bố mẹ đáng ra phải là hậu phương vững chắc xuyên suốt cả quá trình trưởng thành cơ mà, cớ sao lại để con trẻ cảm thấy người nhà còn xa lạ hơn cả người ngoài thế này... Dần dần, chúng sẽ chọn bạn bè là nơi dốc lòng tâm sự, mỗi đợt Tết về lại phải ái ngại việc người nhà dành thời gian cho nhau, khoảng cách giữa các thành viên trong gia đình cũng vì thế mà ngày một cách xa. Đau lòng nhất, đừng tự áp đặt suy nghĩ của mình lên con trẻ, mỗi cá thể là một sự kết tinh của các nền văn hóa khác nhau, mỗi góc nhìn lại mang một vẻ đẹp riêng của nó.   

“Lớn lên con muốn làm họa sĩ, mẹ cho con tiền mua màu nha.”

“Mày làm sao thế? Họa sĩ sao kiếm ra tiền. Về nhà học hành đàng hoàng, lớn lên đi làm kinh doanh, luật sư có phải dễ kiếm được cái ăn cái sống hơn không?”

 “Con làm được, xin mẹ hãy tin con.”

Câu nói cuối, có lẽ không phải đứa trẻ nào cũng đủ dũng khí để thốt ra.

Xin đừng vội dập tắt ước mơ kia khi nó còn chưa bắt đầu, đừng là rào cản hạn chế sự phát triển của những mầm non mới nhú. Hãy để thời gian làm chứng cho từng câu chữ ấy, cũng hãy để chúng tự chịu trách nhiệm cho sự lựa chọn này. 

Tôi không muốn phải lặng im để bị quy luật cuộc sống đánh bại, tôi muốn đứng lên và nêu quan điểm của bản thân mình. Nếu các bạn có thể thấy được bản thân mình trong những hình ảnh tôi vừa nêu trên, dù chỉ là 1 thôi, thì đừng buồn bã hay chán nản, bởi vì bạn không cô đơn đâu, những câu chuyện kia đều là kinh nghiệm thực tế từ tuổi thơ tôi mà thành. Bố mẹ có lẽ cũng sẽ có nỗi khổ riêng của bản thân mình và tôi chẳng hề oán trách họ vì đã đối xử với tôi như vậy, ngược lại còn thấy bội phần biết ơn khi nó đã giúp tôi nhận ra vấn đề muôn thuở trong cách nuôi dạy con cái của các bậc phụ huynh nói chung. Có thể phương pháp này hiệu quả với các thế hệ đi trước, nhưng chính sự tiến bộ của máy móc hiện đại cũng như những ảnh hưởng to lớn của làn sóng toàn cầu đã khiến xã hội một bước sang trang mới, thay đổi hoàn toàn các định kiến rập khuôn vốn có của loài người. Những thanh thiếu niên thì đã và đang trong tư thế chuẩn bị đón nhận các đổi mới rồi, các bậc phụ huynh xin hãy là bệ phóng tiếp sức mạnh cho chúng.

---

#bila #đọc_để_trưởng_thành

Đọc các bài dự thi tại: https://bila.vn/blogs/nguoi-truyen-cam-hung. Các bài viết ấn tượng sẽ được Bila đăng trên fanpage Bila - Đọc để trưởng thành vào 15h và 20h hằng ngày.

 

Facebook Instagram Youtube Twitter Google+ Top