Giỏ hàng

Gen Z Kể Chuyện: Khoảng Cách Thế Hệ Là Điều Gì Đó Rất Khó Nói

BÀI DỰ THI 77: TỪ MỘT GEN Z CHƯA BAO GIỜ NGHĨ RẰNG KHOẢNG CÁCH THẾ HỆ LÀ MỘT VẤN ĐỀ LỚN ĐẾN KHI...

Họ tên: Ngin

/Để có thể tự hào là một Gen Z cá tính và khác biệt nhưng hòa hợp với tất cả những người em thương yêu./

---

Vào năm cấp hai, em đọc được một bài báo viết về khoảng cách thế hệ trong gia đình, là một đứa nhóc choi choi quậy phá suốt ngày, em không định hình được khoảng cách đó là như thế nào cả. Lúc đó, em chỉ nghĩ đơn giản đó là tranh cãi nhỏ nhặt hằng ngày mà mẹ và em phải đối mặt như việc phòng em quá bề bộn hay em việc ngủ nướng đến trưa mà bỏ ăn sáng. Cho đến khi… em bước vào những năm cuối cùng của cấp ba, năm 17 tuổi em không hề đi lấy chồng mà em lại lấy được nhận thức rằng khoảng cách thế hệ đã trở nên nghiêm trọng hơn như thế nào trong gia đình nhỏ bé của mình. 

Có thể nói em là Gen Z duy nhất trong gia đình khi mẹ em đã ngoài 50 còn anh hai thì đã sắp chạm nóc 30. Tư tưởng và niềm tin của em và các thành viên còn lại trong gia đình (đặc biệt là mẹ) hoàn toàn bất đồng và gần như đối lập hoàn toàn dẫn đến việc tranh cãi và xung đột giữa mẹ và em luôn luôn đạt đến đỉnh điểm. Không khi nào em có thể nghĩ được khoảng cách này lại xuất phát từ điểm tương đồng trong tính cách giữa em và mẹ. 

Trong quá trình lớn lên của em, mẹ đảm đương cả hai vai trò vừa của cha và vừa của mẹ nên bà phải luôn vững vàng và cứng rắn, vô hình chung, tạo ra những bức tường áp lực giữa cả hai mẹ con. Em lớn lên, lại giống tính cách mẹ, ít chia sẻ với người khác và cũng chẳng chia sẻ với người thân trong gia đình. Dường như em đã dần xây dựng nên bức tường thứ hai và một khoảng cách quá lớn trong suy nghĩ giữa  hai người. Tranh cãi là điều xảy ra dường như mỗi ngày trong nhà. Em không cảm thấy tổn thương nhưng lại cảm thấy rất khó chịu khi em và mẹ không thể hoà hợp từ những quan điểm nhỏ nhất và đôi khi có thể gây tổn thương ngược lại mẹ khi cãi vã.

Lý do dẫn đến sự khác biệt trong tư tưởng chắc hẳn bắt nguồn từ việc em là Gen Z - thế hệ cảm nhận rõ nét về nền công nghệ tiên tiến và sự lan tỏa của Internet và mạng xã hội. Cũng nhờ đó, em có thể nắm bắt được nhiều khía cạnh của một sự việc qua sự đa dạng của truyền thông số. Thông tin không còn thu gọn qua một tờ báo, một bảng tin hay lời truyền miệng của các cô bác hàng xóm mà trải rộng khắp tất cả các nền tảng mạng xã hội và báo trực tuyến. Và hơn nữa, em đang học tại môi trường quốc tế, đa sắc tộc và tiếp xúc với rất nhiều bạn bè quốc tế. Vì thế, suy nghĩ của em lại thoáng hơn so với các thành viên trong gia đình. Những vấn đề từ lâu được xem là không phù hợp và nhạy cảm như cộng đồng LGBTQ+ hay sức khoẻ tình dục lại được em tiếp cận cởi mở và tích cực hơn rất nhiều. Em không hề muốn thuyết phục cả nhà phải theo ý kiến của mình vì hiểu được rằng định kiến đã tồn tại quá lâu để có thể xóa bỏ. Tuy nhiên, trong những cuộc trò chuyện, em vẫn luôn cố gắng để bày tỏ ý kiến của bản thân nhưng dường như ý kiến em lại luôn như cá hồi bơi ngược dòng nước. Điều đó lại khiến mẹ cảm thấy em lớn lên trở thành muốn một đứa con bướng bỉnh, bốc đồng, luôn cố gắng chống đối mọi người. 

Từ đó trở về sau, em lại càng thu mình lại và lại càng ngại bày tỏ với người thân trong gia đình. Hiện tại, dẫu vẫn chưa thể tìm ra được hướng giải quyết đúng đắn cho bản thân, em có thể tuyên bố rằng: "Gen Z em sẽ luôn yêu những thành viên trong gia đình, những khiếm khuyết, những bất đồng và xung đột đã trải qua để rồi trở nên mạnh mẽ để có thể tự hào là một Gen Z cá tính và khác biệt nhưng hòa hợp với tất cả những người em thương yêu".

---

#bila #đọc_để_trưởng_thành

Đọc các bài dự thi tại: https://bila.vn/blogs/nguoi-truyen-cam-hung. Các bài viết ấn tượng sẽ được Bila đăng trên fanpage Bila - Đọc để trưởng thành vào 15h và 20h hằng ngày.

 

Facebook Instagram Youtube Twitter Google+ Top