Giỏ hàng

Gen Z Kể Chuyện: Tiếng Gọi

BÀI DỰ THI 190: TIẾNG GỌI

Họ và tên: Đỗ Thị Xuân Mai

/… năm tháng qua đi có thể trong một lúc quay cuồng với cuộc sống tôi sẽ quên đi nhưng tiếng gọi thân của những người thân thương thì sẽ chẳng thể nào mất được./

---                                                                 

Từ khi biết nhận thức bà nội đã ở bên cạnh tôi rồi. Tôi còn nhớ rằng ngày mình còn bé bố mẹ đi làm cả ngày, tôi ở nhà một mình nên trưa nào cũng được ăn cơm cùng bà. Bà tôi hồi ấy vẫn còn khỏe mạnh, bà có quán tạp hóa con con trước cửa nhà, bán nào là mì tôm, trứng gà, bánh đa, bim bim,...quầy hàng nho nhỏ ấy được chị em tôi yêu thích và cũng là nguồn thu nhập mỗi ngày của bà. Gian nhà bà nội ở trước, gia đình tôi ở sau, mỗi buổi trưa đi học về, sau khi cất cặp vở là tôi lại lên ngay nhà bà. “Bà ơi, hôm nay ăn gì thế ạ?” – tôi chạy vèo xuống căn bếp phía sau nhà rồi hỏi bà. Lúc nào bà cũng cười hiền rồi nói “Đi học về rồi à”. A, hôm nay có nem thính. Món này là món tôi thích bà làm nhất, trải qua bao nhiêu năm rồi mà tôi vẫn chẳng thể tìm được món nem thính nào ngon như vậy. Rồi tôi hí hửng lên nhà, kéo cái thùng nhựa to mà bà hay đựng đồ khô để bán ra giữa nhà, đặt cái mâm nhôm lên trên, lấy hai cái ghế nhựa màu xanh để bà cháu ăn cơm. Chà, cơm bà nấu dẻo quá, bữa cơm giản dị nhưng tôi nhớ rằng mình đã ăn vui vẻ vô cùng. Chẳng vậy mà hôm nào mà bố mẹ về buổi trưa, tôi không thể ăn cùng bà thì lòng tôi lại thấy day dứt kỳ lạ, phải chạy lên xem bữa cơm hôm nay không có mình bà ăn gì nhỉ, bà có buồn khi ăn một mình không. 

Tối đến, sau khi soạn xong bài vở, tôi lại lên nhà ngủ cùng bà. Tôi bị mắc cái tật “dấm đài” ban đêm. Còn nhớ có lần tôi “dấm đài”, sáng ra ngủ dậy phải mặc quần của bà chạy về nhà, vừa chạy vừa giữ chun quần để quần không bị tuột. Anh con trai nhà bác gái tôi nghiện game, hồi đấy trốn học đi quán điện tử nhiều lắm, có lúc hết tiền về hàng của bà lấy mấy quả trứng mấy gói mì tôm ra quán đổi lấy tiền chơi tiếp. Chúng tôi gây nhiều chuyện quá mà bà cũng đều bỏ qua. Có lần phải về ngủ ở nhà, không thể ngủ cùng bà, chẳng biết suy nghĩ gì mà tôi chạy lại nói nhỏ với bà: “Cháu xin lỗi bà tối nay cháu không ngủ với bà được”. Bà bảo lại rằng: “Không ngủ cùng bà thì có gì đâu mà phải xin lỗi”. Ừ nhỉ, có gì mà một đứa trẻ chưa hiểu rõ đúng sai lại xin lỗi, chắc là vì chữ yêu. Tình yêu thương đã lớn lắm rồi để nó thấy như có lỗi lầm, như có sự phản bội khi không ở cạnh bà vậy. 

Lớn hơn một chút, tôi quay cuồng trong đống bài vở và các cuộc thi, lớn rồi nên cũng được ở riêng một phòng, không còn ngủ chung với bà nữa. Nhà tôi xây lại nhà, ông bà cho ba anh em trai mỗi liền một mảnh đất ở liền nhau, bà ở với gia đình tôi. Gian hàng nhỏ của bà vẫn còn, nhưng bây giờ tiền bạc chẳng còn quan trọng nữa, mở hàng giờ là niềm vui mỗi ngày của bà. Bà tôi ở một mình, ăn uống một mình, bà không muốn phiền con phiền cháu. Chiều tà buông xuống, bữa cơm tối chỉ có mình bà ngồi cùng tiếng tivi phát ra, tôi nghĩ lại mà nước mắt trực trào vì thương bà. Lũ trẻ trong nhà đi học suốt ngày, người lớn cũng đi làm đến tối mới về. Cũng vì thế bà mong cái quán nhỏ của bà có khách lắm, chỉ cần khách ghé lại đôi ba phút trò chuyện cùng bà cho đỡ buồn. Có lần bà bán hàng, khách đưa tờ tiền năm trăm nghìn đồng đòi trả lại, sau đấy bà mới biết bị lừa vì tờ năm trăm nghìn kia là tiền giả. Đây chỉ là một lần bị lừa mà tôi biết còn sự thực thì chắc chắn nhiều hơn. Tôi nhận ra niềm vui của bà mỗi khi kể được chuyện gì đó cho con cháu nghe. Tivi nhà bà cả ngày chỉ bật đúng một kênh duy nhất là ANTV, bà nghe hết tin tức trên tivi rồi buổi chiều khi bố mẹ tôi đã đi làm về, bà xuống nhà kể chuyện, bà kể rằng hôm nay ở chỗ này có tai nạn này, chỗ kia có cháy nhà ra làm sao. “Vậy à bà”, “Nguy hiểm quá bà nhỉ”, “Có người chết không bà”... chẳng phải là không biết nên mới hỏi lại, mấy tin tức ấy bố mẹ tôi có thể còn biết hết rồi nhưng vẫn hỏi để bà kể chuyện tiếp. 

Thời gian qua đi, tôi đã lên đại học rồi. Ngày tôi khăn gói dọn đồ lên Hà Nội, bà ra tận cổng tiễn tôi đi. Mỗi bận tôi về thăm nhà, bà dặn nhiều lắm, mà tôi chỉ nhớ nhất câu: “Cố gắng học hành cháu nhé”. Bẵng đi một thời gian, tôi về nhà và nghe bố mẹ bảo rằng bà dạo này bị lẫn rồi, nhớ nhớ quên quên suốt, có lần bà tính bỏ nhà đi, mọi người thay nhau canh bà hàng ngày. Tôi tiếc rằng những lúc bà bị ốm không thể ở cạnh bà chăm sóc. Trong trí nhớ của tôi bà uống nhiều thuốc lắm, bà ăn nhiều bữa trong ngày chỉ vì phải chia thuốc để uống. Những tưởng bệnh của bà sẽ ngày một nặng thêm nhưng thật may quá, đầu mùa xuân năm ngoái bệnh của bà tôi đỡ hơn nhiều. 

Tết năm ngoái gia đình tôi đã tổ chức lễ mừng thọ cho bà. Mùng một tết, tôi giúp  bà mặc lên bộ áo dài mừng thọ mà mẹ tôi đã chuẩn bị trước đó, chuỗi hạt ngọc trai mà bà đeo lên cũng thật đẹp. Cái tết đầm ấm bên gia đình qua đi, tôi phải trở lại Hà Nội, quay cuồng trong sách vở. Tôi về nhà ít lắm phần vì việc học phần vì bị say xe. Sáng sớm một ngày cuối tháng năm, tôi mơ màng tỉnh giấc bởi tiếng chuông điện thoại, mẹ tôi gọi, chắc có chuyện gì quan trọng lắm mẹ mới gọi sớm như vậy, tôi nhấc máy bằng giọng ngái ngủ, đầu dây bên kia mẹ nói chuẩn bị về đi con, bà sắp mất rồi. Bừng tỉnh, tôi lao vội xuống thu dọn đồ đạc để chuẩn bị về. Nửa tiếng sau mẹ tôi gọi lại, nhẹ nhàng bảo “ Về chưa con bà mất rồi”. Tôi nghẹn lời chẳng thể nói gì, hai đầu giây yên lặng một lúc, tôi chỉ đáp lại một tiếng “Vâng” rồi tắt máy. Tôi ngồi mơ màng trong câu nói của mẹ. Hôm ấy là lần cuối tôi được ôm bà, được nhìn thấy bà. Cũng từ hôm ấy tôi chẳng còn ai ngồi trước hiên nhà bên cái quán tạp hóa con con mỉm cười đón tôi về. Đám tang bà xong tôi trở lại Hà Nội, ngước nhìn lên bầu trời trong xanh của cuộc đời thật đẹp còn bầu trời tuổi thơ của lòng tôi thì đang vụn vỡ, tôi lại nhớ bà. 

Đến giờ cũng đã một năm, mới qua giỗ đầu của bà tôi, vì dịch Covid 19 nên gia đình tôi chẳng thể làm giỗ đầu lớn được cho bà, chỉ làm bữa cơm nhỏ với người thân trong gia đình. Thỉnh thoảng đi trên đường bắt gặp bóng hình giống của bà, tôi lại ngoái lại nhìn xem có phải là bà nội tôi không, dù biết rõ câu trả lời. Ngồi trong căn phòng của bà, đồ dùng vẫn còn đây chỉ có bà không thấy nữa, bên tai tôi văng vẳng tiếng gọi mỗi thời thơ bé: “Mai ơi, đi ăn cơm nào”. Điều tôi sợ nhất đó là quên mất giọng nói người thân yêu của mình, sợ rằng mình quên giọng nói của họ mà sẽ quên mất hình dáng thân thương đó. Nhưng tôi chắc rằng mình sẽ chẳng thể nào quên được đâu, vì những điều tốt đẹp đó tôi sẽ cất sâu vào ngăn tủ trong trái tim mình, năm tháng qua đi có thể trong một lúc quay cuồng với cuộc sống tôi sẽ quên đi nhưng tiếng gọi thân của những người thân thương thì sẽ chẳng thể nào mất được. Thật may vì tôi có thể nhận ra được thứ quan trọng nhất trong đời mình để bảo vệ nó.

---

#bila #đọc_để_trưởng_thành

Đọc các bài dự thi tại: https://bila.vn/blogs/nguoi-truyen-cam-hung. Các bài viết ấn tượng sẽ được Bila đăng trên fanpage Bila - Đọc để trưởng thành vào 15h và 20h hằng ngày.

 

 

Facebook Instagram Youtube Twitter Google+ Top