GenZ Kể Chuyện: Con Gái của Người Cha Mang Lầm Lỗi
BÀI DỰ THI 28: CON GÁI CỦA NGƯỜI CHA MANG LẦM LỖI
Họ tên: Thu Trang
/khoảnh khắc ấy trái tim tôi vụn vỡ. Và tôi căm hận người cha của mình/
---
Tôi là Trang - một đứa con gái đang trong hành trình của mình trên quãng đường đời rộng lớn. Mọi người thường miêu tả tôi bằng ba từ: hoang dại, sáng tạo và tự tin. Nhưng mỗi khi người ta nhắc đến chữ tự tin, tôi lại thấy hài hước, và tôi thấy thật châm biếm khi mọi người dùng từ đó để nói về tôi. Để hình thành nên con người mạnh mẽ đối mặt với xã hội như hiện tại, tôi đã dành ít nhất là sáu năm để đấu tranh và động viên chính mình, vì tôi xuất phát điểm là người nhút nhát, tự ti và e dè, giống như chú ốc sên thu mình vào chiếc vỏ.
Tôi sinh ra trong một gia đình không mấy hoàn thiện. Bố, người sinh thành tôi, là một người nghiện hút. Từ khi bố còn học ở trường phổ thông, bạn bè đồng trang lứa không ai là không biết “Khánh trắng” – một chàng trai nhà giàu nhưng học dốt không lên nổi lớp, nghịch ngợm lấy xe của thầy giáo hiệu trưởng đạp vòng quanh để phá bỏ luật lệ “Cấm đạp xe trong trường” ngày ấy. Ông nội tôi hết sức đau đầu mỗi dịp Tết về vì phải mang chục trứng và cân gạo đến để xin lỗi các thầy cô giáo vì những lỗi lầm bố gây ra.
Lớn lên một chút khi tuổi thiếu niên qua đi, tuổi thanh niên ào đến thì bố - một cậu trai bồng bột nghĩ rằng mình đủ trưởng thành để quyết định tương lai – đã trượt dài trên con đường nghiện ngập và cờ bạc. Mẹ tôi bất chấp sự ngăn cấm của bà ngoại để cưới bố, dù cho trước ngày cưới bố bỏ đi, để lại gia đình và trang trại gia cầm một tay mẹ chăm sóc. Lần thứ hai “công tác xa nhà”, bố mang theo đầu tivi, chiếc xe máy mới mua để cầm cố, và tôi nghe đồn rằng bố còn ăn trộm vật liệu xây dựng nhà người ta để ở ngoài, nhổ biển báo giao thông đã xiêu vẹo ven đường để đem bán lấy sắt, lại một lần nữa bỏ sau lưng người vợ đang mang thai đứa con đầu tiên trong bụng.
Một lần, tôi tình cờ bắt gặp cuốn nhật ký của mẹ, và thành thật xin lỗi, tôi đã mở nó ra. Những trang viết mới đầu của mẹ là những đóa hoa hồng, là thơ tình yêu, có lẽ là từ khi yêu nhau mẹ đã viết với một tâm hồn đầy mơ mộng và ước vọng về cuộc sống hạnh phúc, nhưng dần dần phía sau là những tờ giấy mực thấm nước mắt đã vàng ố đọng lại. Những lời dằn vặt, trách móc, lo lắng của mẹ cho bố, sự tủi thân, cực nhục đủ đường khi thấy con nhà người ta được bố mua xe để chạy vòng vòng trong sân, còn con mình thì… đến mặt bố cũng chẳng được nhìn, nói gì đến được bế, được yêu.
Lần thứ ba, bố quay về, bố nói thương mẹ nhiều lắm, rồi lại cạy két, dùng chiếc tua-vít đã han rỉ để chọc, để ngoáy, để mở cái tủ đựng tiền và giấy tờ tùy thân, đến nỗi cái tua-vít cong vênh đầy ám ảnh. Tôi là người chứng kiến cảnh mẹ đứng bên chiếc két trống không, lặng lẽ, nước mắt rơi không âm thanh. Giả vờ không biết hay đến gần mẹ để ôm mẹ vào lòng với vòng tay nhỏ bé? Tôi không nhớ nữa. Những khoảnh khắc ấy trái tim tôi vụn vỡ. Và tôi căm hận người cha của mình, rằng tại sao ông ta có thể độc ác quá như vậy. Lòng thù hận ấy càng đẩy lên cực điểm khi chính tôi là nạn nhân của bố.
Bạn bè tôi biết chuyện, họ không hề thông cảm hay chia sẻ, mà là cười cợt, khinh thường, trêu chọc tôi là “con thằng nghiện”. Họ đùa giỡn rất tự nhiên: “Bố mày nghiện tiêm chích thế mày có tiêm chích cùng bố không?” mà không hề đếm xỉa đến sự đau đớn cùng cực của tôi. Bạn có tưởng tượng được một đứa trẻ mới lớp ba, lớp bốn mà đã phải nhận được những lời miệt thị cay nghiệt như vậy, nó đau khổ đến mức nào không? Tôi tìm đến cô giáo chủ nhiệm mà tôi vẫn rất yêu quý. Tôi kể cho cô nghe những vấn đề mình đang gặp phải, cầu mong nhận được sự an ủi từ cô. Nhưng hỡi ôi, đời trớ trêu, cô lại đem chuyện nhà tôi đi kể với những người giáo viên khác. Mẹ tôi cũng là nhà giáo, và những lời bàn tán chẳng mấy chốc đến tai mẹ. Mẹ trách tôi rằng: “Sao con lại đem chuyện nhà đi kể như vậy!”. Mọi thứ như cú tát giáng thẳng vào mặt tôi, hóa ra là tôi đã đặt niềm tin sai người. Từ đó tôi không lại gần cô giáo nữa, và tôi coi những nhà giáo khác như kẻ thù của mình. Tôi dần thu mình lại và giữ những cảm xúc trong lòng, ngay cả với mẹ tôi cũng không dám bày tỏ.
Bố về vào một ngày mùa hạ, mang theo chiếc quạt con màu xanh lá cùng vài cái rổ, cái chậu. Ngực bố gầy lép vào. Gia đình không muốn để những đứa trẻ gặp lại bố trong bộ dạng thếch thác, và vì người lớn có nhiều chuyện cần giải quyết, nên tôi và chị gái được gửi sang nhà hàng xóm chơi. Tôi nhìn thấy bố vào cái khoảnh khắc bố đang quỳ xuống cầu xin bà cho tiền mua thuốc hút vì quá vật vã rồi. Bốn mắt giao nhau lạnh lùng, vô cảm. Tôi coi bố là người xa lạ. Tôi không dám đặt đồ chơi gần chỗ bố nằm, sợ những buổi tối bố gào lên vì “nhớ thuốc”, sợ nhìn thấy bố chơi “chuồn chuồn bươm bướm” múa tay múa chân vì ảo giác. Ngay cả khi tôi đã lớn hơn một chút, sự ghét bỏ của tôi với bố vẫn không hề giảm vì những lời nói năm nào đã làm cho lòng tự trọng của tôi sụp đổ hoàn toàn. Tôi lao đầu vào học, thi cử hết Toán đến Tiếng Anh, từ giải huyện giải tỉnh đều đặn năm nào cũng tham gia. Tôi không muốn để mẹ tôi phải khổ cực nhiều nữa, và tôi cũng không muốn một ngày nào đó gặp lại bạn học cũ, chúng nó lại phá lên cười: “Có phải mày là con Trang có bố nghiện hút không?”.
Tôi không muốn người ta nhớ đến mình là đứa con của người bố lầm lỗi.
Và rồi những giải thưởng gọi tên tôi, người ta đã công nhận tôi, đã biết đến tôi là một học sinh gương mẫu, chăm ngoan, giỏi giang, là niềm tự hào của gia đình và nhà trường. Họ cũng không còn nhắc đến quá khứ của bố nữa. “Đời cha ăn mặn, đời con khát nước”. Đúng, tôi khát khao và ao ước lắm, tôi không muốn lại một lần nữa bị phủ nhận những đóng góp của mình chỉ vì bố. Do đó, tôi luôn đặt 150% công sức và tâm huyết vào những việc mình làm, một phần cho tương lai của tôi, phần chủ yếu để sửa lại bước đi lầm lỗi mà cha tôi đã đem đến cho gia đình. Quá trình lớn lên của tôi đơn độc và vất vả, nhưng nhận lại được sự ngưỡng mộ và cảm mến của mọi người thì cũng xứng đáng lắm. Dù bây giờ bố có thay đổi thành người chồng tốt, người bố tốt, tôi cũng không dám nói “Con yêu bố”, vì sự tha thứ và phấn đấu sửa lại quá khứ của bố đã là điều tuyệt vời nhất mà tôi có thể làm cho ông.
#bila #đọc_để_trưởng_thành
---
Đọc các bài dự thi tại: https://bila.vn/blogs/nguoi-truyen-cam-hung. Các bài viết ấn tượng sẽ được Bila đăng trên fanpage Bila - Đọc để trưởng thành vào 15h và 20h hằng ngày.