Giỏ hàng

GenZ Kể Chuyện: Là Con Trai Thì Nhất Định Phải Mạnh Mẽ Sao?

BÀI DỰ THI 01: LÀ CON TRAI THÌ NHẤT ĐỊNH PHẢI MẠNH MẼ SAO?
Họ tên: n
/đàn ông thằng nào có tâm thì nhục. tâm càng lớn càng nhục/
---
Nói thật, nếu được chọn, tôi muốn được làm con trai. Nghĩ một cách ngây thơ thì làm con gái mệt mỏi lắm: đến tháng, sinh con, chăm sóc gia đình, lắm tiêu chuẩn phán xét, điều cấm kỵ nọ, điều cấm kỵ kia,... Với những người phụ nữ yêu công việc chăm sóc gia đình thì ở nhà làm nội trợ là một niềm hạnh phúc. Có thể là do chưa lập gia đình chăng mà tôi cảm thấy hứng thú với việc tự do bay nhảy, xây dựng bản thân hơn là ngày ngày quanh quẩn nấu ăn, giặt giũ. Chắc có gia đình rồi tôi sẽ nghĩ khác.
Với tôi, làm con trai nghĩa là không phải vật lộn, cau có, mệt mỏi mỗi tháng một lần; là không phải đối diện với "cửa sinh là cửa tử" (thật khâm phục những người mẹ); làm con trai nghĩa là tự do bay nhảy, thử thách, phạm sai lầm để rồi được xí xóa bởi một câu "thôi, nó con trai nên phá ấy mà", cũng không phải lo lắng chuyện trinh tiết nữa,...
Nhưng đó là do tôi chưa từng làm con trai. Nếu có một phương tiện giúp tôi thử sống là một thằng đàn ông đến năm 30 tuổi thì suy nghĩ của tôi chắc chắn sẽ thay đổi nhiều lắm. Hiện tại, "phương tiện" ấy là sách. Ngày bé, sự tị nạnh của tôi dành cho con trai thường bộc phát mỗi khi thấy nhà có cỗ lớn, các mẹ các chị (và bây giờ là mình) hùng hục lăn ra nấu nướng, rửa bát trong khi đàn ông chỉ uống rượu, đánh chén, say bí tỉ. Nhưng lớn hơn một chút, đọc nhiều hơn một chút, nghe nhiều hơn một chút, sống nhiều hơn một chút, tôi mới vỡ dần ra...
Học "Đời thừa", phân tích nhân vật Hộ, tôi chẳng nghĩ gì nhiều, chỉ nhìn Hộ như một nhà văn đau đớn. Còn bây giờ, tôi hiểu y với tư cách một con người đau đớn. Tôi rất mặc cảm với giọt nước mắt của bản thân. Không phải theo chủ nghĩa khắc kỷ gì đâu, nhưng khi thấy người khác khóc, tôi thông cảm, bởi đó là điều hoàn toàn bình thường, chẳng có gì đáng xấu hổ. Còn ngược lại, nếu để bản thân rơi nước mắt trước mặt người khác, tôi cảm thấy mình như một kẻ hèn kém, ủy mị, yếu đuối và sẽ tự dằn vặt rất nhiều vì mình đã khóc. Vậy còn đàn ông, họ bị mặc định như một sinh thể mạnh mẽ, kiên định, không bao giờ rơi nước mắt. Tôi cũng từng nghĩ như vậy khi thấy ông ngoại không khóc tức tưởi như mẹ trong ngày bà tôi mất, khi thấy bố không khóc nức nở khi ông nội qua đời. "Con trai thì không được khóc" - mẹ bảo em tôi như vậy khi nó bị thương. Nhưng Hộ khóc, anh khóc "như một quả chanh bị bóp mạnh", lại còn là khóc trước mặt người vợ khốn khổ của mình. Đó là giọt nước mắt bất lực, ân hận, thất vọng về chính mình mà bất cứ con người yếu lòng nào cũng sẽ có và phải có. Nhưng với Hộ, còn gì ê chề hơn khi người đàn ông gục vào vai vợ mà khóc, lại còn là người vợ bất hạnh mà mình đã chịu trách nhiệm cưu mang. Anh khóc để giải tỏa những dồn nén, ẩn ức trong lòng, những tưởng mình là trụ cột gánh vác gia đình nhưng cuối cùng, chính anh lại làm cho Từ khổ. Không gánh nổi trách nhiệm của một nhà văn, bây giờ đến trách nhiệm cơ bản của một người chồng, người cha anh cũng không làm nổi. Nếu ngay từ đầu anh ta không ý thức được nghĩa vụ của mình với gia đình thì bất kỳ ai đặt vào hoàn cảnh của Hộ cũng không thấy khổ. Nhưng chính vì ý thức được trách nhiệm bản thân mà Hộ bất hạnh. Nói như Nguyễn Huy Thiệp: "Đàn ông thằng-nào-có-tâm thì nhục. Tâm càng lớn càng nhục".
Một cách công tâm, kể cả ở những lĩnh vực tưởng như thuộc về lãnh địa (gắn với bản năng, thiên tính nữ) của người phụ nữ như viết lách, đầu bếp, thiết kế thời trang,... thì dễ thấy, những người gặt hái được tên tuổi phần lớn là nam giới. Ta đặt trên vai người đàn ông đích thực rất nhiều trách nhiệm, nghĩa vụ kể cả trong gia đình, dòng tộc hay ngoài xã hội. Cũng giống như trong một bầy thú, con đực lúc nào cũng phải đứng ra nhận trách nhiệm dẫn dắt, bảo vệ bầy đàn của mình. Người đàn ông cũng thế. Vậy nên ngay khi họ nhận ra chính mình là kẻ thất bại, vô dụng thì đó chính là nỗi bất hạnh khôn cùng của đàn ông. Khoảnh khắc một người con trai chấp nhận, cho phép mình yếu đuối trước mặt người con gái mà họ yêu, với tôi, đó là khoảnh khắc mang tính Người nhất. Dù sao thì người trụ cột cũng là con người, cũng có lúc yếu lòng, cũng cần bờ vai để dựa vào mà. 
#bila #đọc_để_trưởng_thành
---
Đọc các bài dự thi tại: https://bila.vn/blogs/nguoi-truyen-cam-hung. Các bài viết ấn tượng sẽ được Bila đăng trên fanpage Bila - Đọc để trưởng thành vào 15h và 20h hằng ngày.
 
 
Facebook Instagram Youtube Twitter Google+ Top