GenZ Kể Chuyện: Nội Tôi
BÀI DỰ THI 04: NỘI TÔI
Họ tên: Thúy Hiền
/điều khiến tôi hối hận nhất trong suốt hai mươi tư năm khi ở cùng ông nội, đó là ông chỉ có thể nghe tôi nói: "Con thương ông!" qua bài vị mà thôi!/
---
Tôi ngửa cổ, nhìn lên tấm di ảnh của ông nội, nước mắt mặn chát lại một lần nữa chảy xuống, ướt đẫm đôi gò má. Bầu trời mùa thu năm ngoái, tôi vẫn còn ông nội. Thế nhưng, bầu trời mùa thu năm nay, ông đã về với đất trời, ông không còn ở bên cạnh tôi nữa!
Hai mươi tư năm tôi sống cùng ông nội, sự hiện diện của ông dường như đã trở thành một điều bắt buộc phải có trong cuộc đời tôi. Người ta thường nói, chính vì những điều đẹp đẽ luôn xảy ra xung quanh ta, ở gần bên cạnh ta nên ta mới không trân trọng, không biết thế nào là lưu luyến. Chỉ đến lúc mất đi rồi, tôi mới loay hoay tìm lại, tìm lại một chút thứ gọi là "hồn ông".
Ra trường hai năm, sau khi tự tay làm ra được vài đồng, mỗi lần thèm ăn thứ gì đó, tôi lại chạy xuống dưới hiên nhà ông, lén lút dúi vào tay ông nội chút tiền mà thủ thỉ: "Ông ơi, con muốn ăn bún. Ông đi mua hai mươi ngàn đi!"
Ông nội đang nằm đưa võng, nghe tôi nói vậy chỉ gật nhẹ đầu. Sau đó, ông lại chệnh choạng đứng dậy, dắt chiếc xe lam đã hoen gỉ theo năm tháng, đạp những guồng xe lạch cạch ra chợ.
Những lần như thế, tôi lại chỉ nằm ườn trên giường, rung chân bấm điện thoại tanh tách. Tôi quên mất ông nội đã yếu, tóc đã bạc phơ, mỗi bước đạp trên bánh xe cũng đã chậm hơn rất nhiều. Tôi... đã hoàn toàn quên mất!
- Về rồi hả con? Chiều nay có đi làm không?
Dường như ngày nào tôi cũng được nghe cái hỏi quen thuộc ấy. Nghe thấy tiếng xe ga của tôi dừng trước sân, ông đang nằm võng cũng ngồi dậy, ngó đầu ra nhìn cháu gái. Vậy mà tôi lại chỉ cười cười với ông một chút, sau đó chạy tót lên nhà, ném cặp và lại nằm dài.
Tiếng bước chân ông vang lên chậm chạp từng nhịp, ông bước lên hiên nhà, chìa cho tôi quả xoài còn xanh, nhăn mặt mà nói:
- Xoài chua lắm!
Ông biết tôi thích ăn xoài chua. Vì thế ông không để ươm chín, cứ chọn quả nào xanh nhất, to nhất đem lên cho tôi. Những lúc như thế, tôi vui vẻ hò reo, hí hửng cầm dao ra gọt, sau đó chỉ ăn được vài miếng liền nhăn mặt để đó, không ăn nữa. Ông cũng không nói gì, chỉ cười hiền lành, hàm răng móm mém khẽ động:
- Chua bỏ xừ, ăn làm sao được!
Một tháng trước khi ông mất, buổi sáng tôi vẫn còn lim dim nằm ngủ, bất chợt nghe thấy giọng ông trầm đục gọi vang nhà.
- Hiền, Hiền ơi!
Tôi vẫn còn ngái ngủ, chỉ vâng dạ vài tiếng, đã thấy ông đứng trước đầu giường, trên tay còn cầm một miếng gan lợn bé tí.
- Ăn đi con rồi mà đi làm! Nhà Hinh cắt cho ông miếng ăn thử, bảo gan con lợn này thơm lắm!
Tôi ngồi bật dậy, hí hửng cầm lấy miếng gan, ăn một cách ngon lành. Miếng gan lợn ấy chính là tình yêu thương mà ông dành dụm cho tôi. Sáng sớm ông dậy trước mọi người, mở cổng và chậm chạp bước ra đường lớn. Bác hàng xóm bán hàng giáp thương ông, bèn cắt cho ông một miếng gan lợn để ông ăn. Vậy mà nội tôi lại không ăn, cầm chắc trên tay, đi cả một quãng đường không gần lắm chỉ để đem về cho cháu gái.
Trước hôm ông mất hai ngày, ông để dành cho tôi một chiếc kẹo lạc. Tôi cầm chiếc kẹo, cắn cắn một chút, sau đó liền lắc đầu chê:
- Kẹo lạc cứng lắm, chẳng ngon. Con không ăn đâu!
Ngay cả bữa trưa cuối cùng, ông nội luộc rau cho tôi, tôi cũng không ăn, bỏ bữa.
Cho đến khi ông mất, tôi ở ngay bên cạnh ông nhưng lại không thể nắm tay ông, chứng kiến cảnh ông vĩnh viễn bỏ lại trần thế. Tôi đứng lặng trước nồi thịt kho ông kho vào tối hôm trước, cúi xuống hít lấy hít để thứ mùi thịt đã bốc mùi thiu, vậy mà nước mắt không nhịn được lại lăn dài trên má.
Tôi thèm ăn bánh ướt, thèm ăn bún, thèm ăn thịt gà, nhưng giờ tôi có nói với ông, ông cũng không thể đạp xe, lọc cọc đi mua cho cháu gái được nữa.
Bàn thờ của ông vẫn nghi ngút khói hương. Tôi nhìn tấm di ảnh, nhẹ nhàng đặt tay lên trên gương mặt gầy guộc, xanh xao đó, lòng tôi day dứt đến cuộn trào.
Ông thường nói, bố mẹ tôi nuôi thật nhiều vịt để sang năm cho tôi lấy chồng. Thế nhưng ông không thể nào đợi được nữa rồi.
Có đêm tôi nằm mơ, ông nội vẫn hiền lành như thế, mái tóc vẫn bạc trắng như thế, ông cứ đi, đi mãi, không ngoảnh đầu lại nhìn tôi. Tôi chạy theo ông, với tay khóc lớn:
- Ông ơi, ông có nhớ con không?
Giọng ông rõ ràng mà xa cách đến thế:
- Có!!!
Ông nội, ông có nhớ con không? Con thì nhớ ông biết chừng nào. Tết năm nay, ông vẫn cần mẫn ngồi gói bánh chưng, canh bánh đến nỗi quên cả ăn cơm. Vậy mà năm sau, và những năm sau nữa, nồi bánh của ông sẽ lại nguội lạnh. Kỷ niệm chỉ còn là dĩ vãng.
Có những điều nhỏ nhặt, khi đã vô tình đánh mất đi rồi, chúng ta không thể lấy lại được nữa. Chỉ là, điều khiến tôi hối hận nhất trong suốt hai mươi tư năm khi ở cùng ông nội, đó là ông chỉ có thể nghe tôi nói: "Con thương ông!" qua bài vị mà thôi!
#bila #đọc_để_trưởng_thành
---
Đọc các bài dự thi tại: https://bila.vn/blogs/nguoi-truyen-cam-hung. Các bài viết ấn tượng sẽ được Bila đăng trên fanpage Bila - Đọc để trưởng thành vào 15h và 20h hằng ngày.