Giỏ hàng

Người bình thường: Đặc Ân hay Hình Phạt ?

Suy cho cùng, làm người bình thường hay đặc biệt cũng đều do ta hành động mà nên; "đặc ân" hay "hình phạt" cũng đều là do bản thân mỗi người đánh giá mà thành. Làm thế nào để là Người Đặc Biệt với một tâm thế bình thường và làm Người Bình Thường với một tâm hồn đặc biệt mới chính là bí quyết tạo nên sự cân bằng và hạnh phúc!


"Thế giới này được chia thành hai loại người: Những người được hưởng đặc ân có thể sống một cuộc đời bình thường, và những người bị cưỡng ép phải trở nên phi thường". Nếu chỉ nhìn từ bên ngoài, có mấy ai muốn làm người bình thường. Nhưng có bao giờ, bạn tự hỏi, khi sinh ra phải "đi lùi mới tới được vạch đích" là "đặc ân" như bao người vẫn ca tụng hay lại chính là "hình phạt" trong âm thầm ? 

Gần đây, người ta nhắc mãi đến chuyện một bạn KOL, diễn viên trẻ mới nổi - luôn hiện lên trong mắt khán giả với tư cách "con nhà người ta", xinh đẹp, giỏi giang, hoàn hảo - lại bị một bộ phận fans quay lưng vì phát ngôn trong quá khứ. Tạm gác sang một bên chuyện ai đúng ai sai, ta sẽ chỉ công tâm xét xem bạn diễn viên ấy đang được hưởng "đặc ân" hay "hình phạt". Năm năm trước, bạn là một cô bé bình thường, phát ngôn của bạn trên facebook có thể đúng đắn, có thể sai lệch, có thể tiêu cực,... nhưng chẳng ai quan tâm vì họ không ai biết bạn là ai và bạn có quyền tự do trình bày quan điểm, ý kiến cá nhân của mình. Nhưng năm năm sau, trở thành một người tạm coi là nổi tiếng, xinh đẹp, tài năng, giỏi ngoại ngữ, người ta lại đào quá khứ của bạn lên để mổ xẻ, trách cứ. Họ cướp đi của bạn quyền được bày tỏ, quyền được bộc lộ, quyền ĐƯỢC LÀ CHÍNH MÌNH. Đồng ý rằng, đã là người của công chúng thì bạn phải có trách nhiệm với phát ngôn của mình. Nhưng tại sao năm năm trước không ai đứng lên chỉ trích bình luận của cô bé 14, 15 tuổi kia mà phải để đến tận ngày hôm nay? Đơn giản là vì, cô gái 20 tuổi năm nay là MỘT NGƯỜI NỔI TIẾNG.

Quả thực, khi xảy ra một vấn đề, sự cố như nhau, chúng ta vẫn thường có xu hướng công kích người nổi tiếng và mặc kệ (chứ không phải là bỏ qua) cho người bình thường. Đó là bởi chính ta đang đặt lên vai những người đặc biệt một tiêu chuẩn quá khắt khe. "Đã là KOL thì phải như thế này, không được như thế kia…" Chiếc vòng định kiến ấy quá chặt, đôi khi nó bóp nghẹt cả quyền tự do và bản tính bất toàn vốn có của một con người. Đặt ra tiêu chuẩn "trên trời" cho người khác nhưng ta mấy khi áp dụng nó cho chính mình? Cứ thế, công chúng tự trao cho mình quyền phán xét, đánh giá kẻ khác bằng thước đo giá trị của bản thân. Để rồi chỉ cần người khác sơ suất phạm lỗi, ta sẽ hăng hái, hào hứng xông lên chỉ trích, chửi rủa mà không hay rằng: có thể chỉ mới hôm qua, hôm kia thôi, ta cũng phạm sai lầm tương tự. Từ bao giờ mà định nghĩa "người nổi tiếng" lại trở thành "người hoàn hảo", "người không được phép mắc lỗi lầm"?

Sâu xa hơn, việc chỉ trích, mạt sát một người nổi tiếng sẽ thú vị và gây kích thích hơn nhiều so với một đối tượng là người bình thường. Nó xoa dịu ẩn ức sâu kín, thỏa mãn cái tôi cá nhân còn đầy những tạp niệm, tham-sân-si của chính ta. "Mình không bằng nó, không với được như nó thì chí ít cũng phải đè nó xuống cho bằng mình".  Dần dần, suy nghĩ ấy tiêm nhiễm trong tâm trí ta cảm giác ảo tưởng hão về quyền lực, nhất là trong thời đại Internet làm bá chủ toàn cầu, thì những "anh hùng bàn phím" càng như cá gặp nước, lấy quyền tự do ngôn luận ra làm cái cớ để lộng ngôn, bao biện. Chính vì vậy, đằng sau ánh hào quang, nhất cử nhất động của những người nổi tiếng đều bị săm soi, dòm ngó và phán xét. Họ không dám tự do bày tỏ ý kiến, quan điểm một cách cá nhân; không dám thoải mái sống là chính mình với những khiếm khuyết, "vô thập toàn". Là một người bình thường, ta cũng đã luôn cảm thấy sợ hãi sự soi mói, đánh giá của người khác về khiếm khuyết của bản thân. Huống hồ là một người nổi tiếng, cuộc sống cá nhân của họ bị phơi bày, săm soi trước cả ngàn ống kính, thậm chí bản thân và gia đình còn bị vu oan, bôi nhọ nhân phẩm, liệu họ có thấy hạnh phúc, yên bình nổi hay không?

Xét ở khía cạnh nào đó, làm một người bình thường, không nổi tiếng, không phô phang hóa ra lại là một cái hay. Ta được làm điều ta muốn (miễn là không vi phạm pháp luật) mà không bị người khác phán xét, soi mói. Tự do chọn cho mình một lối đi riêng trong đời mà không sợ bị coi là lập dị, được sống bằng chính hệ giá trị, quy chuẩn của chính mình chứ không phải o ép theo khuôn khổ của ai khác.

Suy cho cùng, làm người bình thường hay đặc biệt cũng đều do ta hành động mà nên; "đặc ân" hay "hình phạt" cũng đều là do bản thân mỗi người đánh giá mà thành. Làm thế nào để là Người Đặc Biệt với một tâm thế bình thường và làm Người Bình Thường với một tâm hồn đặc biệt mới chính là bí quyết tạo nên sự cân bằng và hạnh phúc!

Nội dung: Bảo Ngọc - Bila Team

Ảnh: Thanh Mai - NBT Team

Facebook Instagram Youtube Twitter Google+ Top