Giỏ hàng

Ranh Giới Mong Manh Giữa Phán Xét Và Nhận Xét

Một giây nhìn lại, chắc chắn chúng ta đã không ít lần phán xét kẻ khác, dù cố ý hay vô tình, trong suy nghĩ hay lời nói. Thế nên đến đức Khổng Tử còn thú nhận "thiếu chút nữa ta thành kẻ hồ đồ mất rồi" thì không có lí gì ta không ngẫm mà nhìn nhận lại mình. Đừng vội phán xét người khác "cái mà ta nhìn thấy đây chỉ là cái vỏ. Cái quan trọng nhất thì không nhìn thấy được. Mắt vốn mù lòa phải dùng trái tim mà tìm kiếm" (Hoàng tử bé). Và cũng không tránh được cái nhìn phán xét của người ta về mình.

Có một giai thoại khá hay, tôi đã đọc từ rất lâu rồi, gần đây được gợi lại. Câu chuyện về Khổng Tử, Nhan Hồi và miếng cơm bẩn. Đức Khổng Tử chính mắt nhìn thấy học trò thân tín là Nhan Hồi ăn vụng cơm thầy, cơm bạn mà đâm ra suy nghĩ, cho rằng Nhan Hồi đốn mạt. Chỉ đến khi hỏi rõ, biết trò vì tiếc ngọc thực mà vô phép ăn trước phần cơm dính tro muội, nhường thầy và huynh đệ phần cơm ngon, Khổng Tử mới hối hận về sự phán xét vội vàng của mình. Tôi sẽ tạm bỏ qua tính xác thực của câu chuyện mà chỉ hướng vào thông điệp truyền tải: Đến bậc chính nhân quân tử như Ngài còn có lúc hồ đồ thì kẻ phàm phu tục tử như chúng ta tránh làm sao khỏi những lúc vội vàng hấp tấp, tự trao cho mình quyền phán xét.

Hiểu một cách đơn giản, "phán xét" là hành vi mỗi người tự cho phép mình đánh giá, xét đoán, bình phẩm về đối tượng khác dựa vào quan điểm cá nhân. Thẳng thắn mà nói, chẳng cần cơ quan bộ ngành nào cấp bằng, ai cũng có (đúng ra là tự cho mình) quyền phán xét. Người hay đi phán xét thường cho rằng bản thân là nhất, là đúng đắn, mang nặng định kiến cá nhân áp đặt lên kẻ khác. Và đối tượng của lời phán xét ấy thì vô kể: từ những kẻ mạt hạng nhất đến những bậc lãnh tụ, siêu sao, thần tượng cũng có "vinh dự" được mang lên bàn cân mà bình phẩm. 

Mặc cho ai ủng hộ, cá nhân tôi hoàn toàn không có hứng thú với thứ "quyền phán xét" có tên gọi mĩ miều, tưởng chừng là dân chủ, văn minh này. Không ai có thể ngăn cản ai đánh giá, bình phẩm bởi ai cũng có mắt nhìn, tai nghe, suy nghĩ riêng. Nhưng mỗi người có một quan điểm riêng, thứ được coi là đẹp với người này lại có thể là xấu, phản cảm đối với người khác. "Nhân vô thập toàn" mà "lưỡi không xương nhiều đường lắt léo", chiều làm sao hết được miệng lưỡi thế gian. Không những thế, những lời phán xét còn vô tình làm tổn thương người nghe. Để rồi từ phán xét sẽ chuyển sang lăng nhục lúc nào chẳng hay. Đừng mãi lẩm bẩm lời các cụ dạy: "Trăm nghe không bằng một thấy". Như đức Khổng Tử, đã tận mắt thấy mà còn có sự hiểu lầm thì có lẽ câu tục ngữ kia phải sửa thành "Trăm nghe không bằng một thấu". Không ở trong vị trí của người ta, không hiểu chuyện thì chi bằng đừng vội phán xét. Ở thời đại 4.0 mà người người luôn ca ngợi, quyền phán xét còn có trợ thủ đắc lực là internet. Con người thật cứ việc núp sau những avatar ảo để đánh giá, bình phẩm và thậm chí đứng ra nhân danh chính nghĩa mạt sát cái mà "đức tin" của họ cho là xấu, sẽ có một đám đông khác hùa vào. Quyền tự do ngôn luận, dân chủ trên mạng là cái cớ để cho ta phán xét thêm dễ dàng.

Không biết ai còn nhớ câu chuyện vào dịp tết năm ngoái, người ta xôn xao vì chuyện bà bầu tàn nhẫn cán nát mẹt hoa quả của người bán hàng rong. "Bác bán hàng ngồi cũng gọn gàng, chẳng vướng víu gì lối đi vào nhà của chị ta. Nếu không cho thì thôi nhẹ nhàng nhắc người ta một câu. Đằng này, bà lái xe vọt lên cán nát bét mẹt hoa quả. Mà có nhiều nhặn gì đâu, cái mẹt bé tí đựng vài quả táo, quả xoài tết nhất người ta gắng bán nốt. Nó đã cán xong còn mắng chửi thậm tệ trong khi bác đó đáng tuổi cha mẹ mình. Đúng là giống đàn bà chửa dữ như chó cái (!) Loại này CHẮC ăn ở cũng không ra gì (!)".

Sau khi thông tin được lan truyền trên mạng, trang facebook của người phụ nữ nhanh chóng bị tìm ra và khủng bố, tất nhiên là cùng hàng tá lời chửi rủa.

Nhưng hãy khoan, còn câu chuyện này nữa... "Đúng 27 tết, trong lúc tết trong lúc nhà ai cũng bận rộn chuẩn bị lễ lạt, sắm sửa năm mới, còn bao việc để lo thì ghét nhất mấy bà bán hàng rong ngồi trước nhà chắn hết lối đi. Người phụ nữ còn đang mang bầu, tâm sinh lí thay đổi, CHẮC đã nhắc nhở nhiều lần mà bà kia lì mặt không chịu đi, cực chẳng đã nên mới phải làm thế. CHẮC bà hàng rong này cũng chẳng vừa, gan lì, ngồi vướng víu người ta bực mới cán cho"

Bạn sẽ nhận ra đó cùng là một câu chuyện nhưng được nhìn bằng đôi mắt phán xét và ở hai chiều hướng khác nhau. Nếu chỉ nghe tôi kể một trong hai cách trên, bạn sẽ dễ dàng tin và hùa theo, dùng cảm tính mà chỉ trích, lên án hoặc bà hàng rong, hoặc người phụ nữ. Một loạt những từ "chắc là", "có lẽ" và những suy diễn đã đủ cho ta phán xét một người trong khi ta chỉ là người ngoài cuộc, không biết ai đúng ai sai. Thử hỏi có nên mãi dùng cảm tính mà phán xét hay không?

Viết đến đây, ắt sẽ có người vặn lại: Tôi có chính kiến của mình, tôi đánh giá vấn đề cũng chỉ nhằm bày tỏ quan điểm để góp ý cho người ta tốt lên, có gì không phải? Câu trả lời là: phải, rất phải. Nhưng làm ơn hãy tách biệt giữa cái gọi là PHÁN XÉT và NHẬN XÉT. Đều là đánh giá chủ quan nhưng lời nhận xét xuất phát từ những chứng cứ, luận điểm rõ ràng, thuyết phục "nói có sách, mách có chứng" với mục đích góp ý bày tỏ quan điểm đầy thiện chí. Không ai cấm bạn nhận xét nhưng đừng để nó biến thành phán xét. Ngược lại, đừng nhạy cảm quá mà coi nhận xét góp ý chân thành của người khác là phán xét, vội gạt bỏ đi.

Một giây nhìn lại, chắc chắn chúng ta đã không ít lần phán xét kẻ khác, dù cố ý hay vô tình, trong suy nghĩ hay lời nói. Thế nên đến đức Khổng Tử còn thú nhận "thiếu chút nữa ta thành kẻ hồ đồ mất rồi" thì không có lí gì ta không ngẫm mà nhìn nhận lại mình. Đừng vội phán xét người khác "cái mà ta nhìn thấy đây chỉ là cái vỏ. Cái quan trọng nhất thì không nhìn thấy được. Mắt vốn mù lòa phải dùng trái tim mà tìm kiếm" (Hoàng tử bé). Và cũng không tránh được cái nhìn phán xét của người ta về mình. "Cứ phớt lờ thôi" ư? - nói thì dễ nhưng làm thì khó. Nên hãy cứ tin rằng: người ta không quan tâm đến bạn lắm đâu. Đồng ý mỗi người là một tiểu vũ trụ nhưng vũ trụ ấy còn bận quay quanh chính nó 365 lần/1 năm cơ mà. Người ta phán xét cũng chẳng có thời gian để phán xét bạn cả ngày. Vậy bận tâm làm chi, cứ làm thật tốt việc của mình. Thế là đủ.

Nội dung: Bảo Ngọc - Bila Team
Ảnh: Mai Phương - Bila Team
Facebook Instagram Youtube Twitter Google+ Top