Giỏ hàng

XIN CHÚC MỪNG! NGƯỜI TA CHẲNG QUAN TÂM ĐẾN BẠN NHIỀU THẾ ĐÂU!

Cô giáo dạy triết của chúng tôi đặt ra một câu hỏi thế này: “Cái túi mua ở chợ 50k cũng để đựng đồ, cái túi hàng hiệu 500 triệu cũng để đựng đồ, thế thì vì sao người ta phải bỏ ra 500 triệu mua cái túi hàng hiệu?” Sau rất nhiều phỏng đoán của chúng tôi như: vì túi hàng hiệu đẹp hơn, bền hơn,… thì câu trả lời của cô là: “Vì nó thể hiện giá trị bản thân chúng ta. Khi người ngoài nhìn vào, họ sẽ nhận ra chúng ta có đủ khả năng tạo ra thu nhập để mua cái túi đắt tiền đó. Thế nên, các ông chủ bao giờ cũng đi xe đẹp, đeo đồng hồ xịn và mặc những bộ vest đắt tiền.”

Trong mớ kiến thức về duy vật lịch sử, cách mạng xã hội… của môn triết vốn vẫn ám ảnh sinh viên chúng tôi, đây lại chính là điều làm tôi thấy khó hiểu nhất. Nếu chúng ta có khả năng tạo ra nhiều tiền đến vậy, bản thân ta chắc chắn biết điều đó, những người thực sự quan tâm tới ta tất nhiên cũng biết điều đó. Vậy tất cả những thứ hàng hiệu xa xỉ chúng ta phô ra là để chứng tỏ giá trị với ai? Với những người chẳng quan tâm tới chúng ta lắm, những người lạ, với những khuôn mặt lạnh lùng hòa lại thành một thứ gọi là “xã hội”? Nhiều công sức và tiền bạc bỏ ra đến thế chỉ vì những gì người lạ nghĩ?

 

Việc con người quan tâm đến ý kiến của xã hội là một bản năng tự nhiên. Nếu chúng ta không làm xã hội hài lòng, chúng ta sẽ bị đào thải. Với bản năng rơi rớt lại từ đời sống bầy đàn xa xưa, chúng ta hiểu rằng bị đẩy ra khỏi đàn là một án tử. Hãy tưởng tượng nếu bạn là một con cừu, và một ngày đàn của bạn quyết định bạn không phù hợp với chúng, bạn bị bỏ lại một mình. Bạn là loài sống theo đàn và khi không có đàn, bạn không đủ sức chống lại những nguy hiểm, bạn sẽ trở thành miếng mồi ngon cho sói. Con người cũng vậy, như triết học vẫn hay nói “Con người là tổng hòa của những mối quan hệ xã hội”. Con người sinh ra độc lập nhưng để tồn tại, chúng ta cần ràng buộc mình với đồng loại, vừa nương tựa vừa cạnh tranh để phát triển.

Nỗi lo về sự chấp nhận của xã hội này đang ngày càng trở nên lớn hơn mức cần thiết, trở thành một nỗi ám ảnh kiểm soát cuộc sống của đa phần chúng ta. Trong thế giới hôm nay, quan hệ là một yếu tố quan trọng của thành công, và từ những câu chuyện kể đầy rẫy, chúng ta tin rằng mọi cử chỉ nhỏ nhất của mình có thể tạo nên hoặc phá vỡ quan hệ. Một động thái của ta với xã hội có thể sẽ giúp ta đặt thêm một viên gạch nhưng cũng có thể là cú hích đập đổ cái tháp thành công của chính chúng ta. Nếu tất cả mọi người đều soi xét nhất cử nhất động của chúng ta như vậy, nếu mọi động thái nhỏ nhất cũng mang tính quyết định như vậy, thì chẳng đáng ngạc nhiên nếu hàng đêm chúng ta trằn trọc với suy nghĩ  “Chết, hôm nay mình làm ABCD, không biết có ai nghĩ là mình XYZ không?”

Nhưng hãy đặt lên bàn cân mớ lo lắng của bạn về bản thân mình và những suy nghĩ của bạn về người khác. Bạn sẽ nhận ra phần lớn thời gian bạn dành cho việc lo nghĩ về vấn đề của mình, và hi hữu lắm mới dành thời gian để suy nghĩ về vấn đề của người khác. Điều tương tự cũng xảy ra trong hơn 7 tỷ cái đầu trên hành tinh này. Trong hơn 7 tỷ câu chuyện đó, mỗi người đều là nhân vật chính trong câu chuyện của họ, còn bạn, nếu may mắn thì cũng chỉ là nhân vật phụ trong vài vô vàn câu chuyện họ biết đến hàng ngày. Vì thế, nếu bạn làm gì đó ngớ ngẩn, thất bại, vấp ngã, lỡ lời… thì người ta cũng chỉ dành cho bạn một chút phán xét trước khi quay đi và trôi theo nỗi lo của bản thân họ.

 

Bạn có thể vấp ngã, đứng dậy, rồi lại vấp ngã, đứng dậy và xã hội gần như vẫn lẳng lặng bước qua. Sẽ tốt hơn rất nhiều nếu chúng ta tìm hiểu xem bản thân mình thực sự muốn gì và mình có thể thực hiện được bao nhiêu phần mong muốn đó thay vì lo lắng trước những phán xét vừa vô tâm vừa vô tình của người đời.

 

Và vì vậy, xin chúc mừng, không ai quan tâm bạn nhiều như bạn vẫn nghĩ đâu. Hãy cứ là chính mình thôi!

Cô giáo dạy triết của chúng tôi đặt ra một câu hỏi thế này: “Cái túi mua ở chợ 50k cũng để đựng đồ, cái túi hàng hiệu 500 triệu cũng để đựng đồ, thế thì vì sao người ta phải bỏ ra 500 triệu mua cái túi hàng hiệu?” Sau rất nhiều phỏng đoán của chúng tôi như: vì túi hàng hiệu đẹp hơn, bền hơn,… thì câu trả lời của cô là: “Vì nó thể hiện giá trị bản thân chúng ta. Khi người ngoài nhìn vào, họ sẽ nhận ra chúng ta có đủ khả năng tạo ra thu nhập để mua cái túi đắt tiền đó. Thế nên, các ông chủ bao giờ cũng đi xe đẹp, đeo đồng hồ xịn và mặc những bộ vest đắt tiền.”

Facebook Instagram Youtube Twitter Google+ Top