Giỏ hàng

Xuất Phát Điểm Của Một Người Quan Trọng Đến Mức Nào

Đừng quá chủ quan khi mình được xuất phát từ vạch đích hoặc chẳng có vạch đích nào cả. Đã là xuất phát thì ai cũng như nhau mà thôi. Nó chỉ khác đôi chút ở chỗ bạn xuất phát.

Vô tình lướt qua một Fanpage về tâm lý học, tôi đọc được một câu như vậy: “Con vịt xấu xí biến thành thiên nga không phải vì nó cố gắng mà bởi vì vốn dĩ bố mẹ nó đã là thiên nga rồi."

Lần khác, tôi tình cờ xem được một video nói về một cô nàng mới 20 tuổi nhưng đã biết kinh doanh, sở hữu nhiều món đồ giá trị, một cuộc sống xa hoa vì “vốn sinh ra đã ở vạch đích khi cha mẹ là những doanh nhân thành đạt.”

Tôi tự hỏi, việc xuất phát ở đâu có quyết định con người không?

Có phải bạn sinh ra đã giàu có thì bạn cứ theo đà đó mà phát triển. Mọi người nhìn vào và đánh giá: nó có bố mẹ làm thế này thế kia, nó được thế là dễ hiểu. Mấy người công nhận năng lực thực sự của bạn?
Bạn sinh ra trong một gia đình nghèo khó, bạn có một công việc nhàng nhàng, một cuộc đời an phận. Mọi người nhìn vào và bảo nó vậy tốt rồi, không ăn chơi đua đòi là ngoan ngoãn rồi.

Xuất phát điểm chỉ là thứ yếu.

Tôi không thể phủ nhận những lợi ích của việc bạn có một xuất phát điểm tốt.

Bao giờ việc bắt đầu một điều gì đó mà bạn được trang bị và có bên mình những điều kiện tốt như gia đình, vốn, kinh nghiệm… sẽ luôn giúp bạn có những khởi đầu và thậm chí là cả quá trình suôn sẻ.

Nhưng, với những người không may mắn có được những điều kiện tốt ấy thì họ không thể thành công hay sao?

Không! họ vẫn có thể chứ. Với một lòng quyết tâm và kiên định.

Xuất phát điểm không quyết định con người bạn mà chính bạn mới là người quyết định bạn sẽ như thế nào!

Có bao cậu quý tử gia đình giàu có mà ham chơi đua đòi đến táng gia bại sản. Họ xuất phát ở “vạch đích” như mọi người vẫn nói. Tại sao kết cục lại là một kẻ thất bại?

Có bao nhiêu tấm gương vượt khó. Họ thậm chí xuất thân từ những khu ổ chuột, là trẻ ở trại tế bần, là người bán diêm, kể giao báo. Như Howard Schultz - ông chủ Starbucks, Ingvar Kamprad - tỷ phú Thụy Điển, Leonardo Del Vecchio - ông hoàng kính mắt Italia. Họ đứng ở vạch xuất phát với đầy những khó khăn, không một sự giúp đỡ. Vậy mà họ vẫn thành công, bất chấp khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng. Họ không bắt đầu ở vạch đích nhưng họ thậm chí còn thành công hơn những người bắt đầu ở vạch đích.

Những minh chứng ấy có lẽ đã quá rõ ràng và thuyết phục cho những ai vẫn nghĩ xuất phát điểm sẽ quyết định con người và tương lai. Người ta giàu và tiếp tục thành công không phải vì người ta vốn giàu. Để tiếp tục duy trì điều ấy, người ta cũng cần có tài năng và trí tuệ.

Người ta nghèo và chấp nhận sống an ổn mãi như vậy không phải người ta vốn nghèo mà vì họ không có chí tiến thủ, không biết nắm bắt cơ hội và không dám thử.

Đừng quá chủ quan khi mình được xuất phát từ vạch đích hoặc chẳng có vạch đích nào cả. Đã là xuất phát thì ai cũng như nhau mà thôi. Nó chỉ khác đôi chút ở chỗ bạn xuất phát. Có người xuất phát từ một con đường đẹp, bằng phẳng. Có người xuất phát từ một con đường xấu, lồi lõm ổ gà, ổ vịt. Điều ấy không quá quan trọng. Quan trọng là bạn cố gắng để chạy tới đích, không lùi bước, không bỏ cuộc.

Vậy nên, cũng đừng quá lo lắng hay buồn bã vì mình có một xuất phát điểm không được tốt như người khác nhé. “Chỉ tay nói lên cuộc đời. Nhưng nó lại nằm trong tay bạn.”

Vậy bạn tôi, hãy bớt quan tâm tới điểm xuất phát, hướng về đích và chạy thôi!

Nội dung: Zin - Bila team

Facebook Instagram Youtube Twitter Google+ Top