Giỏ hàng

REVIEW "Cha mẹ độc hại": Xin Đừng Nuôi Trẻ Trong Môi Trường Độc Hại

“Đứa con trở thành ống xả những bực dọc, thành người phải chịu trách nhiệm cho tất cả những gì không may xảy đến với cha mẹ chúng.”

“Cha mẹ độc hại” là một cuốn sách thể loại tâm lý học được dịch ra từ phiên bản gốc “Toxic parents” được tạp chí New York Times xếp loại bestseller và phiên bản tiếng việt được ra mắt vào tháng 5/2019. Tác giả cuốn sách là Tiến sĩ Susan Forward và Craig Buck, cả hai đều là một nhà tâm lý học . Nội dung chỉ ra một số sai lầm mà người làm bậc cha mẹ cố tình hay vô ý gieo vào tâm hồn, cuộc sống của một đứa trẻ. Cũng từ đó tác giả nêu ra cách giải quyết các vấn đề giúp những ai đã và đang bị bạo hành về tinh thần hay thể xác, có thể vượt qua di chứng tổn thương đó để sống một cuộc sống vui vẻ.

Ai trong chúng ta cũng đều phải dấn thân vào thử thách mang tên gia đình. Hệ thống gia đình là một trong những yếu tố thiết lập nên thực tại của mỗi chúng ta khi còn bé. Thật may mắn nếu như chúng ta được sống trong gia đình hạnh phúc nhưng cũng thật buồn rằng đôi lúc ta cứ ngỡ là như vậy nhưng sự thật lại là một lớp ẩn hình bất hạnh dưới bề mặt ấy. Không phải lúc nào chúng ta cũng nhận diện được chúng ta có đang lớn lên trong một gia đình “độc hại” hay không? Những đứa con phải sống trong môi trường độc hại thường không thể thay đổi niềm tin của bản thân đối với cha mẹ, đối với cuộc sống. Chúng ta đã có từng làm mọi việc mà không phải vì ước mơ, sở thích của bản thân mà đang làm chúng tất cả với ba chữ “vì cha mẹ”. Trong cuộc đời bạn đã có lần tự nhủ “tôi phải cố gắng vì bố mẹ” chứ. Khá quen thuộc đúng không, đôi khi bạn nghĩ rằng những điều đó bạn đang làm là đúng và tôi cũng vậy, nhưng mọi thứ hoàn toàn chưa đúng khi tôi đọc được cuốn sách này. Bạn cũng không chắc rằng bạn có đang bị “ám thị” vô hình bởi cha mẹ hay không. Cha mẹ chưa trọn vẹn; Cha mẹ kiểm soát; Cha mẹ nghiện rượu; Cha mẹ bạo hành lời nói; Cha mẹ bạo hành thể xác; Cha mẹ lạm dụng tình dục là 6 kiểu cha mẹ độc hại tất cả đều được đề cập trong sách.

Tôi rất thích đọc sách tâm lý, nhưng có lẽ đây là cuốn sách mang lại cảm xúc đồng cảm khi đọc nhất.

Tôi đã khóc khi đọc cuốn sách này, lần đầu tiên một cuốn sách tâm lý khiến tôi khóc. Tôi không hề yếu đuối, bởi lẽ tôi thấy hình ảnh mình trong cuốn sách ấy hay cụ thể hơn tôi thấy buồn vì mình từng bị kiểm soát và có một “ cha mẹ chưa trọn vẹn” như tác giả đề cập đến.

“Mỗi lựa chọn của bạn dường như đều dính mắc vào mối tơ vò rối rắm của gia đình. Bạn dần hy sinh đi cảm xúc, lựa chọn và hành vi cá nhân. Bạn không còn là bạn nữa, bạn trở thành một vật ký sinh vào hệ thống gia đình vào lúc nào không hay.”

“Đứa con trở thành ống xả những bực dọc, thành người phải chịu trách nhiệm cho tất cả những gì không may xảy đến với cha mẹ chúng.”

Mặc dù bây giờ tôi đã có trách nhiệm cuộc đời mình, biết suy nghĩ, đâu đó con rắn trong tim có lẽ vẫn còn, nhưng nỗi buồn của tôi như được sống dậy nên từng câu chữ đã chạm đến đáy cảm xúc của tôi.

Tóm lại đây là một cuốn sách đáng đọc. Cuốn sách này dành cho những ai yêu thích tâm lý học, muốn hiểu về gia đình, cách giáo dục con cái và bên cạnh đó chắc sẽ là liều thuốc tâm hồn cho những ai đã và đang sống trong một gia đình độc hại, từng bị bạo hành về mặt tinh thần, thể xác. Tôi nghĩ vết thương chưa lành hay đang trong quá trình hồi phục cũng đều nên đọc qua một lần. Những người đang hay sắp làm cha mẹ cũng nên đọc cuốn sách này để biết bản thân có “độc hại” hay không để thay đổi và giúp con mình được lớn lên với một tâm hồn lành lặn. Có thể bạn sẽ lại một lần nữa đau đớn vì những gì bạn trải qua được tái hiện lại, cũng có thể bạn sẽ phần nào nghị lực hơn để thoát khỏi môi trường độc hại mà bạn đang sống ấy.

Nội dung: Thanh Trà - Bila Team
Ảnh: Mai Phương - Bila Team
Facebook Instagram Youtube Twitter Google+ Top