Giỏ hàng

REVIEW “Làm thế nào để sống khổ sở": Cuốn Sách Về Vè Nói Ngược

Triết lí của tiến sĩ Paterson trong cuốn sách – bài vè nói ngược này rất đơn giản: Có hiểu được những nguyên nhân khiến chúng ta khổ sở thì mới có thể tránh để không khổ sở.

Hầu hết chúng ta đều đã từng được nghe bài Vè nói ngược:

… Đào ao bằng chổi, quét nhà bằng mai

Hòn đá dẻo dai, hòn xôi rắn chắc

Gan lợn thì đắng, bồ hòn thì bùi

Hương hoa thì hôi, thơm tho là cú…

Ngay từ nhỏ tôi đã rất ấn tượng với bài vè này và yêu thích nó. Tất nhiên, vì yêu thích nên nhớ lâu, nhớ đến tận bây giờ. Lí do ư? Vì nó ngược đời, đọc xong liền có thể bật cười.

Nhưng nếu người xưa nói: Đào ao bằng mai, quét nhà bằng chổi/Hòn đá rắn chắc, hòn xôi dẻo dai… thì có khi tôi đã quên lâu rồi. Ai đi nhớ mấy cái chuyện hiển nhiên, nhàm chán, xưa như Trái Đất ấy làm gì.

Con người, theo tôi, bẩm sinh là một giống loài rất khó bảo. Nếu không như thế thì tại sao trong rất nhiều nền văn hóa đều có những câu chuyện ngụ ngôn hay cổ tích nói về những đứa trẻ thích làm ngược lại lời cha mẹ nói? Khi lớn lên, người ta biết kiềm chế tâm tính mình hơn để khỏi làm ra những chuyện quá mức tai hại, nhưng không có nghĩa là đã hết tâm lí phản nghịch. Họ vẫn cảm thấy bị thu hút bởi những thứ ngược đời, khác lạ hơn những thứ hiển nhiên, bình thường.

Tiến sĩ Randy Paterson tất nhiên vô cùng hiểu thứ tâm lí ấy, vì chính ông là một nhà tâm lí đã lăn lộn hơn 20 năm trong nghề. Điều làm bạn với ông hàng ngày không phải là sự vui vẻ, thoải mái mà là sự buồn bã, u uất của những bệnh nhân trầm cảm. Nhiều người trong số đó đã trầm cảm nhiều năm và “phát điên” với những lời khuyên chân chính như: Ngừng suy nghĩ tiêu cực, ngủ nghê đầy đủ, vận động hợp lí… Họ thấy mấy cái chuyện “trẻ con cũng biết” ấy chẳng giúp gì cho họ cả, họ vẫn khổ sở như thế.

Vì vậy tiến sĩ Paterson đã viết cho họ một bài “Vè nói ngược” (tôi ngờ rằng vị tiến sĩ này đã học hỏi kinh nghiệm của các cụ nhà ta) có tên: “Làm thế nào để sống khổ sở”. Trong bài vè này, ông nêu lên 40 lời khuyên giúp con người ta sống khổ sở. Và các bệnh nhân trầm cảm – vốn đã phát chán với những lời khuyên từ các bác sĩ, tiến sĩ, nhà tâm lí và đồng thời cũng có tính “khó bảo” như tất cả những người khác – cảm thấy chẳng việc gì phải nghe lời khuyên của ông tiến sĩ này: “Ông ta không phải thánh nhân, lời ông ta chẳng phải chân lí”. Thậm chí, để trêu tức ông tiến sĩ, họ còn làm ngược lại những gì ông đã khuyên. Điều đó đã dẫn đến một kết quả rất “ngoài ý muốn” là họ dần bớt khổ sở và có một cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc hơn.

Thực ra, câu chuyện kể trên cũng chỉ là tôi nghe đồn vậy! Nhưng có một điều không thể phủ nhận là liệu pháp tâm lí học nghịch đảo đã giúp cải thiện tâm trạng cho rất nhiều người, trong đó có cả những bệnh nhân trầm cảm mãn tính. Triết lí của tiến sĩ Paterson trong cuốn sách – bài vè nói ngược này rất đơn giản: Có hiểu được những nguyên nhân khiến chúng ta khổ sở thì mới có thể tránh để không khổ sở.

Khi dịch cuốn sách này, tôi đã phải ôm bụng mà cười. Tôi tưởng tượng ra cái mặt rất thành thật và nghiêm túc của tiến sĩ Paterson khi khuyên người ta: Tránh tập luyện dưới mọi hình thức, dành nhiều nhất thời gian có thể của bạn trước các màn hình, nhắc lại quá khứ đầy tiếc nuối… Và vì tôi cũng là một người khó bảo, rất không cam tâm để ông tiến sĩ đã “đạo” lại ý tưởng của các cụ ta này được như ý, tôi quyết định làm ngược lại những gì ông khuyên.

Ảnh: Mai Phương - Bila Team

Facebook Instagram Youtube Twitter Google+ Top