Giỏ hàng

REVIEW “Nghệ Thuật Xử Thế”: Cùng Dale Carnegie Tiến Tới Thành Công

“Không buồn phiền vì những chuyện nhỏ nhặt – có thể khi nghe nói câu này, chúng ta nghĩ, việc này chẳng có gì là khó. Nhưng đến khi thực sự gặp phải vô số những chuyện nhỏ bực mình, chúng ta bỗng dưng trở nên lo lắng, phiền muộn.”

Có lẽ chúng ta đều biết đến cái tên Dale Carnegie -  một người có ý chí kiên cường và là tác giả của nhiều cuốn sách được độc giả yêu mến. Mỗi cuốn sách, mỗi câu chuyện của ông đều bao hàm trong đó triết lý nhân sinh, không những có thể cho bạn nhiều gợi ý, giúp bạn nhận ra được chân lý của cuộc sống, mà còn dắt mọi người tìm kiếm và theo đuổi thành công. Và bạn sẽ nhìn thấy rõ hơn kinh nghiệm đi tới thành công của Dale Carnegie qua cuốn sách: “Nghệ thuật xử thế”.

Chúng ta sẽ học được rất nhiều bài học bổ ích thông qua 12 chương của cuốn sách. Từ kỹ năng giao tiếp, đến cách giải tỏa lo âu, và cả phương pháp sống bình an, vui vẻ,…

Biết giao tiếp và thuyết phục được người khác là cả một nghệ thuật

Bạn có thật sự tự tin khi giao tiếp với mọi người? Thực tế, có rất nhiều người không biết cách để giao tiếp với mọi người. Đó là một bất lợi lớn. Bởi chúng ta đều biết được rằng, giao tiếp là một trong những kỹ năng quan trọng làm nên thành công. Với những bạn còn ngại trong việc giao tiếp, kỹ năng giao tiếp chưa được tốt. Vậy chương 1 chắc chắn sẽ không làm bạn thất vọng, với tựa đề vô cùng thu hút “Làm sao để giao tiếp với người khác”. Khi đọc xong chương 1, chúng ta sẽ biết được 3 bí quyết khi giao tiếp với người khác. Với 3 bí kíp này bạn sẽ tự tin và tiến bộ hơn trên con đường cải thiện kỹ năng giao tiếp của mình.

Bạn có cho rằng nhớ tên người khác là một việc cần thiết? Thực ra, nhớ tên người khác cũng là một phương pháp giúp bạn dễ dàng hơn trong việc giao tiếp với mọi người. “Mỗi khi nhớ được một cái tên thì con đường dẫn đến thành công của bạn sẽ được lát thêm một viên đá. Tên của mỗi người không chỉ đơn thuần là tên gọi mà còn thể hiện thân phận của, địa vị và danh dự của cá nhân đó nữa”.

Thuyết phục người khác như thế nào – đây hẳn là câu hỏi của rất nhiều bạn. Và đó cũng là tựa đề của chương 4. Bạn sẽ học được cách để phê bình người khác. Và cũng sẽ hiểu rõ hơn về việc “Trước khi phê bình người khác, hãy phê bình bản thân”. “Nói về sai lầm của mình không phải là việc gì đáng xấu hổ, ngược lại, nó còn đem lại nhiều lợi ích”.

Đừng để sự lo lắng hủy hoại bạn

Đây là nội dung chủ đạo xuyên suốt chương 6 của “Nghệ thuật xử thế”. Andre Maurice trong tạp chí The Week đã nói: “Chúng ta thường vì những chuyện nhỏ nhặt mà khiến tâm trạng trở nên tồi tệ…Chúng ta sống trên đời này chỉ trong khoảng thời gian vài chục năm ngắn ngủi, nhưng lại lãng phí quá nhiều thời gian để tìm kiếm những khoảng thời gian không bao giờ quay trở về, buồn phiền vì những chuyện nhỏ mà lẽ ra nên quên đi từ lâu”.

“Không buồn phiền vì những chuyện nhỏ nhặt – có thể khi nghe nói câu này, chúng ta nghĩ, việc này chẳng có gì là khó. Nhưng đến khi thực sự gặp phải vô số những chuyện nhỏ bực mình, chúng ta bỗng dưng trở nên lo lắng, phiền muộn.” Nhưng đến khi sự việc đã đi qua, chúng ta sẽ nhận thấy rằng những lo lắng này đều không đáng. Vậy làm thế nào để thoát khỏi những phiền muộn nhỏ nhặt trong cuộc sống. Tất cả sẽ được giải đáp ở chương 6 của “Nghệ thuật xử thế”.

Phê bình chứng tỏ người khác coi trọng bạn

Nghe thì có vẻ không ổn, nhưng thực tế điều đó hoàn toàn xảy ra. “Trong giao tiếp, đôi lúc chúng ta sẽ phải nghe một vài câu “không thuận tai”, có lúc thậm chí còn là những lời phê bình hà khắc. Có thể rất nhiều người sẽ hỏi “Bình thường tôi luôn cư xử tốt với mọi người, lúc nào cũng nhường nhịn, nhưng vì sao vẫn còn rất nhiều người bất mãn với tôi?” Thực ra, nhiều khi lời phê bình chưa chắc đã là chỉ trích khuyết điểm của bạn, mà là đang chỉ trích sự “xuất sắc” của bạn”.

Với những lời phê bình chân thành, mang tính chất nhắc nhở, góp ý thì chúng ta phải nên lắng nghe, tham khảo, rút kinh nghiệm. Nhưng đối với những lời phê bình mang tính công kích, chế nhạo, vậy thì tại sao chúng ta phải buồn rầu về chúng. Nếu chúng ta quá coi trọng suy nghĩ của người khác về mình, thì người mệt mỏi nhất chẳng phải là chính chúng ta hay sao. Vậy khi đứng trước những lời phê bình mang tính công kích, chúng ta nên xử lý như thế nào? Điều đó đã được lý giải trong chương 9.

Bí quyết để tình yêu luôn ngọt ngào và một cuộc hôn nhân hạnh phúc

Đó chính là phần nội dung xuyên suốt 2 chương cuối của cuốn sách. 2 chương cùng với 16 bài học nhỏ bạn sẽ học được rất nhiều bí quyết để tình luôn ngọt ngào và có một cuộc hôn nhân hạnh phúc. Bạn sẽ hiểu được rằng, trong hôn nhân, im lặng không phải là vàng. Im lặng sẽ khiến mâu thuẫn ban đầu càng trở nên sâu sắc hơn. Không nói với nhau lời nào sẽ khiến đôi bên trở nên xa cách. Không nói những lời khen ngợi sẽ khiến người ta hiểu lầm rằng “mình đã không còn sức hút”. Không được nghe lời khen ngợi, người bạn đời sẽ nghĩ rằng người kia không quan tâm tới mình.

Từ đó cũng có thể thấy, nếu bạn hi vọng cuộc hôn nhân của mình được trọn vẹn và bền vững thì đừng hà tiện lời khen. Khi thấy trang phục của bạn đời đẹp, khi được nếm món ăn ngon, khi nhận thấy bạn đời quan quan tâm,…thì đừng ngần ngại nói ra cảm giác trong lòng mình.

Lời kết

Với rất nhiều những ví dụ cụ thể, sinh động, cùng với lối viết đơn giản dễ hiểu. Những thông điệp mà tác giả muốn truyền đạt đều hiện lên một cách rõ ràng. Một trong những cách rút ngắn con đường đến với thành công là lấy kinh nghiệm của người khác làm bài học cho chính mình. Và bạn chắc chắn sẽ rút ra được rất nhiều bài học quý giá từ cuốn “Nghệ thuật xử thế”.

Nội dung: Xuân Sang - Bila Team

Ảnh: Bảo Lân

Mua sách giá tốt tại: https://bitly.com.vn/jC4TI


Facebook Instagram Youtube Twitter Google+ Top