7 Cuốn Sách Được Yêu Thích Nhất Của Nhà Văn Haruki Murakami
Nếu là một người yêu sách hoặc đơn giản là thích những yếu tố huyền ảo, kỳ bí hòa quyện giữa thực và mơ nhưng vẫn là những góc nhìn rất thực tế thì bạn không nên bỏ qua những cuốn sách của một tiểu thuyết gia Nhật Bản, người có tầm ảnh hưởng lớn trên thế giới Haruki Murakami.
1. Rừng Na Uy
Được xuất bản lần đầu tiên tại Nhật Bản năm 1987 cuốn sách “Rừng Na Uy” được xem như là một hiện tượng với 4 triệu bản được bán ra chỉ trong một khoảng thời gian rất ngắn. Và tới tận bây giờ, con số này đã được nhân lên thêm rất nhiều lần.
Cuốn sách là một cái nhìn về quá khứ, xoay quanh mối quan hệ bi thảm của một người con trai với một cô gái trẻ, xinh đẹp nhưng tâm thần lại không ổn định. Cô luôn nghe thấy tiếng gọi của người yêu quá cố của mình. Người con trai ấy đã luôn cố gắng ngăn chặn việc việc người yêu của mình cứ đi theo tiếng gọi do cô ấy tự tưởng tượng.
Tình yêu, trầm cảm và s*x là những điều xuyên suốt trong tác phẩm này. Rừng Na Uy thể hiện hết sức chân thực về cuộc sống của những người thanh niên thời bấy giờ, từ những trăn trở, suy nghĩ, tình cảm, đến tâm sinh lý của những nhhững người trẻ được miêu tả trên cái nền của xã hội Nhật Bản. Những nhận vật ở đây rất thực tế, họ đối mặt với tình yêu, cô đơn, mất mát và những bi kịch của cuộc đời mình. Toru Wannabe sống trong nỗi cô đơn của chình mình, của tình yêu và sự mất mát, phải khó khăn lắm anh mới vượt qua nỗi đau đó khi đối mặt với cái chết của người bạn thân và căn bệnh trầm cảm của người yêu. Những suy nghĩ và cảm xúc của Toru chảy theo toàn bộ câu chuyện, để ta thấy được những thăng trầm của tuổi trẻ, những bốc đồng và những lựa chọn của con người khi đứng trước khó khăn. Tình dục đan xen vào trong câu chuyện, nó là một phần của cuộc sống, một phần của xã hội, một phần của tình yêu mà con người dành cho nhau, nó tồn tại và Haruki Murakami đã viết một cách chân thật nhất.
2. Kafka Bên Bờ Biển
Kafka Tamura, mười lăm tuổi, bỏ trốn khỏi nhà ở Tokyo để thoát khỏi lời nguyền khủng khiếp mà người cha đã giáng xuống đầu mình.Ở phía bên kia quần đảo, Nakata, một ông già lẩm cẩm cùng quyết định dấn thân. Hai số phận đan xen vào nhau để trở thành một tấm gương phản chiếu lẫn nhau. Trong khi đó, trên đường đi, thực tại xào xạc lời thì thầm quyến rũ. Khu rừng đầy những người linh vừa thoát khỏi cuộc chiến tranh vừa qua, cá mưa từ trên trời xuống và gái điếm trích dẫn Hegel. Kafka bên bờ biển, câu chuyện hoang đường mở đầu thế kỷ XXI, cho chúng ta đắm chìm trong một chuyến du hành đầy sóng gió đầy chất hiện đại và mơ mộng trong lòng Nhật Bản đương đại.
“Cuốn sách là một hỗn hợp chừng mực giữa giật gân, kỳ ảo và văn chương, và nó thuyết phục một cách đặc biệt. Lại một lần nữa ông đã tạo ra một câu chuyện khiến bạn lật qua nhanh chóng đến lạ, để rồi ghi nhớ và băn khoăn về nó lâu dài.” (John Updike, The New Yorker)
“Một cuốn sách để-ngấu-nghiến thật sự, cũng thật là một ám ảnh siêu hình dai dẳng […] Đằng sau những cuộc phiêu lưu điên rồ và bất ổn theo lối biểu tượng của nhân vật chính, còn có một lực đẩy trong tìm thức gần ngang bằng với lực đẩy của sex và tuổi trưởng thành: lực đầy về phía hư vô, về khoảng trống, về sự rỗng không đầy hoan lạc. Murakami là hoạ sĩ nhẹ nhàng của những khoảng-chân-không.” (John Updike, The New Yorker)
3. Tôi Nói Gì Khi Nói Về Chạy Bộ
Liệu có gì chung giữa viết văn và chạy bộ? Có, Haruki Murakami trả lời, giản dị, tự tin, bằng hành động viết và bằng cuộc sống của chính mình. Nhà văn Nhật Bản nổi tiếng, tác giả Rừng Na Uy, Biên niên ký chim vặn dây cót, Kafka bên bờ biển… bên cạnh khả năng viết xuất chúng còn là một người chạy bộ cừ khôi. Trong Tôi Nói Gì Khi Nói Về Chạy Bộ, bằng giọng văn lôi cuốn, thoải mái nhưng đầy sức mạnh, Murakami kể về quá trình tham gia môn chạy bộ cùng những suy tưởng của ông về ý nghĩa của chạy bộ, và rộng hơn nữa, của vận động cơ thể – sự tuân theo một kỷ luật khắt khe về phương diện thể xác – đối với hoạt động chuyên môn của ông trong tư cách nhà văn. Những nghiền ngẫm của Murakami về sự tương đồng giữa chạy – hành vi thể chất – và viết văn – hành vi tinh thần – thực sự quý báu với những người đọc quan tâm đến văn chương và bản chất của văn chương, đặc biệt người viết trẻ.
Cuốn sách về chạy bộ này không đặt cứu cánh truyền đạt bí quyết làm sao để khỏe mạnh (dù nó hoàn toàn làm được điều đó), mà giúp những bạn đọc yêu mến Haruki Murakami giải đáp câu hỏi: vì sao tiểu thuyết gia này có một sức sáng tạo dồi dào như thế.
4. Phía Nam Biên Giới, Phía Tây Mặt Trời
“Phía Tây mặt trời” nghe thật lạ, ban đầu tôi tự hỏi tác giả đang muốn ẩn dụ cái gì, hay là hư cấu câu chuyện của một hành tinh khác, rồi sau đó câu chuyện của Shimamoto-san đã giải thích cho tôi. Nó đơn giản hơn tôi nghĩ rất nhiều, nhưng cũng ý nghĩa hơn những gì tôi tưởng tượng. Mặt trời ở phía tây ấy, nó vừa là biểu tượng của sự sống, biểu tượng của cái chết. Bạn muốn tìm lí tưởng của cuộc sống và theo đuổi nó, nhưng cứ theo nó tới tận cùng, bạn mới nhận ra là vô ích và bỏ lỡ biết bao điều, đến khi kiệt quệ thì đã muộn. Nhân vật chính có một cuộc sống đầy đủ, hạnh phúc, nhưng Shimamoto, người bạn thưở nhỏ xuất hiện, làm xáo trộn cuộc sống của anh. Với anh, cô chính lí tưởng. Nhưng rồi tất cả biến mất một cách chóng vánh, tất cả chỉ như một giấc mơ, thứ cuối cùng còn lại bên anh là người vợ. Gia đình mãi là chỗ dựa vững chắc cho chúng ta. Câu chuyện này của Haruki Murakami đơn giản, êm ái và thấm dần vào tâm hồn chúng ta một cách tự nhiên nhất.
Phía Nam biên giới, phía Tây mặt trời là cuốn tiểu thuyết chứa đựng nhiều nhất con người thật của Haruki Murakami, và là câu chuyện đơn giản nhất mà Murakami từng kể. Tuy vậy, đơn giản không có nghĩa là dễ hiểu, và một lối kể chuyện giản dị không loại bỏ những nỗ lực kín đáo trong việc thoát ra khỏi những lối đi văn chương đã cũ mòn. “Sự kết nối” dễ thấy giữa Phía Nam biên giới, phía Tây mặt trời và những tác phẩm khác của Murakami có lẽ là năng lực đặc biệt của nhà văn Nhật Bản đối với cách tạo ra và xử lý cái bí ẩn. Không có mật độ dày đặc như trong Biên niên ký chim vặn dây cót hay Kafka bên bờ biển, cái bí ẩn ở đây giống như những đoạn nhạc jazz biến tấu ngẫu hứng trên nền của những bản nhạc cũ, và chính là cái để lại dư vị lâu nhất cho người đọc.
5. Những Người Đàn Ông Không Có Đàn Bà
Bình tĩnh đến kỳ lạ. Những người đàn ông không có đàn bà gồm 7 câu chuyện: Drive my car, Yesterday, Cơ quan độc lập, Scheherazade, Kino, Samsa đang yêu và Những người đàn ông không có đàn bà. Cả bảy truyện đều bình tĩnh đến kỳ lạ. Dù trong sách này có người biếng ăn, bị không khí rút đi từng calo và cơ thịt hằng ngày cho đến khi chết một cách xương xẩu; dù có người đi công tác về sớm xô cửa và nhìn thẳng ngay vào mặt vợ mình đang trên một người đàn ông, dù có người đã dành suốt những ngày hè đi học chỉ để đột nhập vào nhà người ta và hít ngửi nách áo của họ…thì bầu không khí chung của cả cuốn sách vẫn bình tĩnh đến kỳ lạ.
Nó phù hợp để đọc cả với những người vốn vẫn tránh Murakami vì không quen với thế giới siêu thực của ông. HOàn toàn không có bóng dáng một cơn mưa cá, mưa đỉa, những giấc mơ nguyên tội hay thậm chí một cái giếng. Đây là những câu chuyện đời thành đô, với những suy tư thị dân mà ai cũng có nhưng ít khi tìm được cách diễn đạt thành lời. Cả bảy truyện đều như thế, rất bình tĩnh, dù rằng không mấy bình yên. Những người đàn ông không có đàn bà là tập truyện ngắn mới nhất ra đời sau chín năm kể từ tập truyện ngắn Những câu chuyện kỳ lạ ở Tokyo, xuất bản năm 2005.
Những người đàn ông không có đàn bà không phải là những câu chuyện được viết lẻ tẻ rồi nhét đại thành một tập sách. Thay vào đó, các truyện ngắn được thiết lập theo một mô-típ, một chủ đề riêng, sắp xếp các truyện theo khái niệm. Mô-típ của tập truyện Tất cả con của Chúa đều nhảy là trận động đất Kobe năm 1995, còn của Những câu chuyện kỳ lạ ở Tokyo là những câu chuyện bí ẩn xung quanh những người sống ở đô thị. Mô-típ của tập truyện này là những người đàn ông không có đàn bà.
6. 1Q84
Có một câu chuyện huyền bí về giáo phái Sakikage, về Người Tí Hon dệt nên Nhộng Không Khí, về thế giới có hai mặt trăng cùng tồn tại, nơi khiến người ta nghi ngờ về logic trong chính đầu óc của mình – đến mức Aomame không còn tin rằng mình đang sống ở năm 1984, rằng cô đang tồn tại ở một không gian gọi là năm 1Q84 (Q nghĩa là Question).
Rồi lại có những tội lỗi đan xen. Một Bà chủ muốn đưa những gã đàn ông đốn mạt sang thế giới khác trong yên lặng, và Aomame là cánh tay đắc lực của bà với ngón nghề điêu luyện. Một Lãnh tụ tà giáo cưỡng bức trẻ em mà không ai hay biết. Một quyển tiểu thuyết được chỉnh sửa để thắng giải Tác giả mới và trở thành Best-sellers đình đám. Vẫn chưa hết…
Còn có cả một câu chuyện nhân văn về cuộc đời. Tengo, Aomame, và cả những nhân vật ngỡ-là-phụ khác đều cảm nhận cuộc sống theo cách riêng của họ, với những trải nghiệm và suy tư rất “người,” đầy trăn trở, đầy day dứt về lẽ sống, cách sống của bản thân. Họ khao khát một đối tượng để yêu thương, dù đó là người khác giới – như Aomame, Tengo; một con vật – như Tamaru yêu quý con chó giữ nhà; hay một đứa con – như Bà chủ. Cuộc sống của họ ngỡ vô cùng phức tạp, phóng túng, nhưng xét đến cùng, đều được xây dựng trên những triết lý đơn giản về cuộc sống.
Với rất nhiều nguyên liệu chọn lọc, Murakami đã kể một câu chuyện hấp dẫn, pha trộn giữa huyền bí, siêu thực với cuộc sống nội tâm của con người và những biến cố kì lạ trong cuộc sống.
Nếu bạn chưa từng đọc tác phẩm nào của Murakami, đây sẽ là thiên truyện khiến bạn phải ngưỡng mộ và lùng sục để được đọc thêm nhiều tác phẩm khác. Còn nếu bạn đã biết đến ông, thì càng dứt khoát nên sở hữu đủ bộ 1Q84, vì phải nói, cho đến nay, đây thực sự là tiểu thuyết thể hiện tài năng kể chuyện của Murakami tới mức cao nhất, tinh tuý nhất.
7. Biên Niên Ký Chim Vặn Dây Cót
Tiếng hót của con chim vặn giây cót chỉ vang lên vào những thời khắc quyết định, khi con người tỉnh thức những tiếng lòng thầm kín, hay khoảnh khắc thấu suốt cảm giác về Định mệnh; tiếng chim tiên báo những thảm hoạ khốc liệt khơi nguồn từ chính con người, cũng là tiếng thúc giục âm thầm của khát vọng đi tìm chân lý. Tiếng hót của chim vặn giây cót trở thành biểu tượng sự thức tỉnh những xúc cảm mãnh liệt và sự trưởng thành về bản ngã của con người trong đời sống hiện đại. Đó chính là ý nghĩa của hình tượng chim giây cót xuyên suốt cuốn tiểu thuyết lớn của Haruki Murakami
Biên Niên Ký Chim Vặn Dây Cót đưa ta đến nước Nhật thời hiện đại, với những thân phận con người bé nhỏ, lạ lùng. Những cô bé 15 tuổi, như Kasahara May, ngồi sau xe môtô phóng với tốc độ kinh hoàng, vươn tay bịt mắt bạn trai phía trước. Sau tai nạn, bạn trai qua đời, chỉ còn lại mình cô với nỗi day dứt khôn nguôi: “Chính vì có cái chết, người ta mới phải băn khoăn nhiều đến thế về sự sống.”
Tác phẩm dẫn người đọc khám phá những tầng lớp tối tăm nhất của hiện thực. Những mưu đồ, những toan tính xoắn quện vào nhau và rồi người ta đánh mất bản ngã của mình trong vòng xoáy đó. Cuốn sách vô cùng khó đọc, xứng danh là tác phẩm “đồ sộ nhất từ trước tới nay của Haruki Murakami”, đừng mua nó về nếu bạn không phải là người thích nghiền sách ra nước hay khoái cảm giác tìm tòi đến tận bản chất.
Nguồn: Vnwriter
Ảnh: Hương Thơm - Bila Team