Giỏ hàng

Bài Học Từ Sách "Giá Như Tôi Biết Những Điều Này Trước Khi Thi Đại Học"

Khi mùa dịch đang biến kỳ nghỉ Tết của chúng ta thành kỳ nghỉ dài nhất lịch sử, công việc, học tập dường như cũng bị trì hoãn. Có lẽ đây cũng là thời gian để mỗi người suy nghĩ nhiều hơn về bản thân, về những dự định trong tương lai. Cuốn sách "Giá như tôi biết những điều này… trước khi thi đại học" sẽ một phần giải đáp những thắc mắc về việc chọn ngành học, đại học cho bạn nếu bạn đang đứng trước ngã rẽ quan trọng của cuộc đời.

1. Đại học không phải con đường duy nhất để thành công.

"Tấm bằng đại học hoặc sẽ đưa bạn bay cao bay xa hơn, hoặc nó sẽ như một phiến đá khổng lồ đè bạn xuống."

Trong mỗi chúng ta, ai cũng có ước mơ và đam mê cho riêng mình, và vào đại học được coi như bước đệm để bạn thực hiện những điều đó. Nhưng nếu bạn trượt đại học, liệu cánh cửa thành công có đóng lại? Chúng ta đã từng thấy một Steve Jobs bỏ học đại học nhưng lại trở thành doanh nhân vĩ đại khiến cả thế giới phải mê mẩn "trái táo" của mình, hay một Bill Gates, một Mark Zuckerberg,... Họ đều chỉ cho bạn thấy rằng,  con đường dẫn đến thành công có rất nhiều ngã rẽ, và để đi hết con đường ấy, bạn có thể bỏ học đại học nhưng không được bỏ học. Học trong trường học và học ngoài trường đời. 

2. Đừng chọn trường, hãy chọn đường.

"Niềm đam mê sẽ giúp bạn vượt qua những lúc khó khăn nhất, sẽ giúp bạn trở thành con người phi thường khi bạn có thể làm việc cả ngày mà không biết đến mệt mỏi và thời gian."

Đứng trước hai ngã rẽ của con đường đại học, bạn lo lắng nên chọn ngành đang hot, dễ kiếm việc khi ra trường, lương cao, hay nên theo đuổi đam mê, đấu tranh với gia đình và người thân để bảo vệ quyết định của mình? Trong cuộc sống và công việc, đừng lựa chọn bất kỳ điều gì vì lựa chọn đó làm hài lòng người khác, vì nó danh giá, kể cả khi nó chỉ là lựa chọn ở một thời điểm nào đó. Hãy chọn công việc khiến bạn phải đầu tư cả tinh thần lẫn trí óc. Hãy lựa chọn bởi bạn yêu thích công việc đó, và vì nó là đam mê của bạn.

Đam mê chính là cơ hội để bạn đào những "mỏ vàng" của thành công. Nếu bạn vẫn chưa biết bản thân thực sự thích điều gì, hãy dành nhiều thời gian hơn suy nghĩ về nó, hãy lắng nghe, cảm nhận cơ thể và trái tim mình.

3. Đừng bỏ qua sức mạnh của trí tưởng tượng.

 

Không phải ngẫu nhiên khi nhà bác học vĩ đại Albert Einstein phát biểu rằng: "Trí tưởng tượng quan trọng hơn kiến thức. Kiến thức bị giới hạn bởi những gì ta biết và hiểu được, trong khi đó trí tưởng tượng ôm ấp cả thế giới, và cả những thứ chưa ai biết, chưa ai hiểu được." Cũng giống như một cây bút, trí tưởng tượng sẽ giúp bạn vẽ nên tương lai của riêng mình. Bởi chỉ khi hình dung một cách rõ ràng con đường và đích đến, bạn mới có thể dũng cảm bước đi, mới có thể bỏ ngoài tai những ồn ào xung quanh, dám đương đầu với khó khăn. Mọi ước mơ đều từng là viển vông cho đến khi có người làm được nó, vì thế hãy hoàn thiện thêm bức tranh của mình mỗi ngày, để rồi nó sẽ hút bạn theo, duy trì ngọn lửa đam mê đang cháy trong bạn. Tuy nhiên, đừng để trí tưởng tượng biến bạn thành kẻ ảo tưởng, mộng mơ, bởi mọi cánh diều dù bay cao đến đâu cũng cần một sợi dây nối xuống mặt đất, mọi ý tưởng dù hoàn hảo thế nào cũng không thể đạt được nếu thiếu hành động. 

4. Ngay cả thiên tài cũng là một kẻ đần độn.

Tưởng tượng chút nhé. Một cuộc thi đánh gôn hoặc lập trình phần mềm giữa Tiger Wood - "ông hoàng sân golf" và Bill Gates - "ông trùm phần mềm máy tính". Tất nhiên, bạn cũng biết kết quả rồi đấy. Chúng ta không thể đặt ra một thước đo chung để đánh giá sự thông minh của ai đó. Mỗi người đều có thể là thiên tài trong lĩnh vực mà mình giỏi nhất, nhưng trong lĩnh vực khác thì không. Điều bạn cần làm là tìm ra "thiên tài" trong mình và biến nó thành chỉ số thông minh của bản thân. 

5. Ngừng nói "Giá như… "

Mỗi chọn lựa ngày hôm nay đều gieo một hạt giống cho kết quả ngày sau. Bởi vậy, hãy chắc chắn và tìm hiểu kĩ về lựa chọn của mình, đừng để đến khi bạn chính thức trở thành sinh viên, hoặc có thể đến khi bạn tốt nghiệp đại học, hay bạn đang ở nơi chín suối vì tự tử sau khi thi trượt đại học,... rồi mới thốt lên rằng "Giá như tôi biết những điều này trước khi thi đại học". Hai từ "Giá như… " ấy thật vô nghĩa khi chúng ta chẳng thể quay lại thời gian và sửa chữa những sai lầm trong quá khứ. Mọi người đều đang cố gắng tiến về phía trước, bạn còn định loay hoay với những tiếc nuối ngày hôm qua, còn định nói "giá như" đến bao giờ nữa?

Nội dung: Phạm Thị Lê - Bila Team
Ảnh: Trang - Bila Team 

Facebook Instagram Youtube Twitter Google+ Top