Giỏ hàng

Kỹ Năng Làm Việc Thông Minh: Làm Ít Được Nhiều!

Người mỗi ngày dành mười tiếng để cặm cụi làm bài với người chỉ học hành hai, ba tiếng, ai có kết quả cao hơn? Người ở công ty làm việc từ sáng đến đêm với người chỉ làm trong một buổi sáng, ai làm được nhiều việc hơn? Bạn nghĩ câu trả lời là vế trước ư? Chưa chắc, chìa khóa để đảo ngược lại kết quả vốn có phần hiển nhiên này chính là Khả năng Chú ý của mỗi người. Trong cuốn sách “Không còn đường lùi mới có thành công”, Lý Thượng Long sẽ chỉ cho bạn cách tìm ra “chìa khóa” này.

1. Tối đa hóa sự Chú ý: tìm cho mình một động lực “vừa phải”
 


Theo nghiên cứu của nhà Tâm lí học nổi tiếng Lucy Jo Palladino, mức độ kích thích liên quan trực tiếp tới mức tập trung của một người. Nhưng mức độ này phải giữ ở vị trí cân bằng tối ưu vì nếu quá thấp hoặc ngược lại đều khiến con người xao nhãng. Bởi vậy, nếu bạn muốn tối đa hóa khả năng chú ý, tìm cho mình một động lực thú vị rất quan trọng. Song đừng biến động lực ấy trở nên kích động, áp lực quá mức, dẫn tới căng thẳng hoặc chán nản.

2. Xác định thời điểm bạn có thể tập trung
 


“Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”, bạn đã đủ hiểu về bản thân? Mỗi người lại có một khung giờ khác nhau với khả năng chú ý riêng biệt: có người thấy làm việc gì cũng trôi chảy, sảng khoái vào buổi sáng; có người lại chỉ có thể tập trung khi màn đêm buông, khi nhâm nhi tách cà phê, khi ngồi nơi yên tĩnh… Nếu bạn chưa tìm được khung thời gian thích hợp nhất để tăng khả năng chú ý, hãy lấy một cuốn sổ và ghi chép lại những thói quen cùng mức độ tập trung của mình. Bạn sẽ nhận được câu trả lời sau vài tuần bởi những con số và thói quen của bạn sẽ không nói dối.

3. Khống chế nguồn gây nhiễu ngay từ đầu
 


Được rồi, giờ bạn có cả động lực lẫn thời gian thích hợp cho bản thân, bạn lên tinh thần tập trung để hoàn thành nốt công việc một cách nhanh nhất. “Tinh”! Thông báo từ chiếc điện thoại bỗng vang lên, bạn cầm điện thoại lên, thầm nhủ mình chỉ xem qua vài giây thôi. Lát sau bạn ngẩng đầu, hai tiếng trôi qua rồi! Hãy đoạn tuyệt tất cả sự quấy nhiễu ấy từ gốc: tắt điện thoại, tắt âm báo và đặt nó thật xa. Đôi khi, cách nhanh nhất để tập trung không phải là giằng co chống cự với cám dỗ, mà là khắc chế nó ngay từ ban đầu.

4. Giảm bớt gánh nặng cho bộ não mình
 


Bộ não của bạn là một nguồn tài nguyên có hạn và sự chú ý cũng thế. Thời đại công nghệ thông tin cho phép chúng ta có nhiều lựa chọn và nhiều công cụ hỗ trợ hơn. Bởi vậy, hãy tận dụng điều đó để giảm bớt gánh nặng cho bộ nhớ mình: thay vì san sẻ sự chú ý hữu hạn cho các ngày sinh, mối quan hệ, mật mã… bạn hoàn toàn có những ứng dụng nhắc nhở, lưu trữ, lên lịch trình.

5. Hãy mất tập trung, nhưng có chiến lược
 


Thứ gì quá cũng không tốt, và tưởng tượng bạn tập trung cao độ như chiếc xe moto đua đang phóng như bay, và nếu không có thời gian nghỉ ngơi, nạp lại năng lượng, “chiếc xe” ấy rất có thể sẽ chết máy đột ngột hoặc bốc cháy giữa đường. Hãy xao nhãng, nhưng có kế hoạch. Hãy dành ra cho mình vài khoảng trống trong ngày để suy nghĩ vẩn vơ, để nghỉ ngơi để vươn vai, hít thở không khí trong lành và ra ngoài, thay đổi môi trường. Chắc chắn, khi quay lại với guồng quay của sự chú ý, bạn sẽ tiến xa hơn, nhanh hơn và sáng tạo hơn.

6. Cắt đứt, vứt đi, rời bỏ: Tối giản để tối đa
 


Cuối cùng, và cũng là điều quan trọng nhất, hãy chuyên tâm vào việc quan trọng hơn. Đây là thời đại với lượng thông tin quá tải, quá nhiều công việc, quá nhiều nhiệm vụ, lựa chọn và cám dỗ. Bạn không thể ôm tất cả mọi thứ và cũng chẳng ai có thể làm được điều này. Điều quan trọng là bạn biết xác định đâu là thứ cần chú tâm nhất để dồn toàn bộ nỗ lực mình. Một người chuyên tâm sẽ luôn tỏa sáng. Chắc chắn là vậy.

Nội dung: Hà Vy - Bila Team

Ảnh: Ngân Phạm - Bila Team

Facebook Instagram Youtube Twitter Google+ Top