Giỏ hàng

REVIEW “Alice ở xứ sở diệu kỳ”: Diệu Kỳ Hay Không Diệu Kỳ?

- Tớ nên đi con đường nào bây giờ?
- Điều đó tùy thuộc vào việc cậu muốn đến đâu.
- Tớ thật sự chẳng quan tâm lắm về cái nơi mà mình muốn đến.
- Thế thì cậu cũng không cần quan tâm là nên đi đường nào! Một khi mà cậu đã không quan tâm đến cái nơi mà mình tới thì đi đường nào mà chẳng được!

Nhắc đến “Alice ở xứ sở diệu kì”, chắc hẳn chúng ta đều quen thuộc với hình ảnh một cô bé nhỏ nhắn, mặc chiếc váy xanh tung tăng giữa ngàn vạn biến hóa của một xứ sở diệu kì. Nhưng câu chuyện đầy màu sắc ấy thực ra lại chỉ là bản tóm tắt của một tiểu thuyết dành cho trẻ em trứ danh của nước Anh - “Alice’s Adventure in the Wonderland” (Tạm dịch: Cuộc phiêu lưu của Alice vào Xứ Sở Thần Tiên). Mặc dù cuốn sách được Lewis Carrol viết ra để dành cho thiếu nhi, song khi đã trưởng thành, đọc lại câu chuyện về Alice, người đọc sẽ thấy được những thông điệp phía sau tấm màn lung linh của cổ tích.

Một ngày nọ, Alice - cô bé mới khoảng mười tuổi cảm thấy thật nhàm chán khi cứ ngồi im bên cạnh chị gái trong chuyến đi dã ngoại. Một đứa trẻ không hứng thú với sách sẽ chuyển hướng chú ý của mình sang thứ khác, và Alice cũng vậy. Cô bé cảm thấy làm một vòng hoa bằng hoa cúc có lẽ sẽ thú vị hơn, và trong khi đưa mắt tìm hoa, Alice thấy một chú thỏ trắng. Thỏ thì cũng thường thôi, nhưng bạn đã bao giờ nhìn thấy một con thỏ trong bộ tuxedo, nhìn một chiếc đồng hồ quả quýt và liên tục kêu “Ôi muộn rồi ôi muộn rồi” chưa? Chắc hẳn là chưa phải không? Và Alice cũng vậy. Tính tò mò khiến Alice không ngần ngại chạy theo chú thỏ, và đó cũng là cách chuyến phiêu lưu của Alice bắt đầu. Cô bé rơi xuống một chiếc hang sâu hun hút, tưởng như sẽ đi được vào tâm của Trái Đất. Đó mới chỉ là bắt đầu. Những phần tiếp theo của cuộc phiêu lưu mới thực sự khiến người đọc không thể rời mắt: Một chiếc phòng kì lạ, những món ăn kì lạ, một gia đình cau có, một chú mèo nhăn nhở, một con sâu bợm nhậu, một bữa tiệc say khướt, và những quân bài, và hoàng hậu, đức vua, và trò chơi cricket,... Những bước chân lang thang vô định của Alice đưa người đọc đi khắp xứ sở diệu kì bằng những bất ngờ không thể đoán trước. Đối với Alice, đây quả thực là một nơi mới mẻ. Chỉ mới mười tuổi và sống trong một gia đình gia giáo ở nước Anh, lần đầu tiên Alice được tiếp xúc với nhiều thứ kì lạ đến như vậy. Và càng kì lạ hơn khi dường như ở thế giới này, tất cả những chuyện mà Alice cho là “hư hỏng quá mức” ấy lại được coi là điều bình thường, hiển nhiên. Chuyến phiêu lưu kì lạ của Alice kết thúc đơn giản bằng việc cô bé tỉnh dậy khỏi giấc mơ. Thật là một giấc mơ kì lạ.

Đối với thiếu nhi, “Alice ở xứ sở diệu kì” luôn là một ao ước đẹp đẽ vô cùng. Có đứa trẻ nào lại từ chối một cơ hội tuyệt vời như vậy? Còn đối với người lớn, “Alice ở xứ sở diệu kì” luôn là cuốn sách mang lại nhiều tranh cãi. Khi ra đời vào khoảng giữa thế kỉ thứ mười chín, câu chuyện về Alice được đón nhận một cách đơn thuần như câu chuyện dành cho thiếu nhi. Rất nhiều năm sau, “Alice ở xứ sở diệu kì” bắt đầu gợi cho người lớn những suy nghĩ sâu xa hơn về từng chi tiết trong câu chuyện. Nếu đặt tác phẩm vào khoảng thời gian ra đời của câu chuyện, từng nhân vật, chi tiết trong “Alice ở xứ sở diệu kì” đều mang ám chỉ một cách mạnh mẽ. Liệu Alice đã đi vào “Wonderland” (xứ sở diệu kì) hay cô bé đã đi lạc vào “Underland” (xứ sở đen tối)? Đặt câu hỏi như vậy vì dường như câu chuyện chỉ ra quá rõ ràng những tiêu cực của xã hội. Người ta thư thả hưởng thụ cuộc sống êm đềm như cách Alice rơi qua chiếc hang, và đột ngột đối mặt với hiện thực như cách cô bé đột ngột rơi xuống đất. Có những cánh cửa khiến người ta phải “bé lại” hoặc “to ra” mới có thể đi qua, có những cuộc thi vô nghĩa và phi lí đến cùng cực, có những tay bợm nhậu trong dáng vẻ cao quý, có những thứ quyền thế vô lí như Nữ hoàng Cơ, có những người bị khinh rẻ như quân bài, và có những kẻ đi lạc như Alice.

“- Tớ nên đi con đường nào bây giờ?
- Điều đó tùy thuộc vào việc cậu muốn đến đâu.
- Tớ thật sự chẳng quan tâm lắm về cái nơi mà mình muốn đến.
- Thế thì cậu cũng không cần quan tâm là nên đi đường nào! Một khi mà cậu đã không quan tâm đến cái nơi mà mình tới thì đi đường nào mà chẳng được!”

Câu nói nổi tiếng của mèo Cheshire - một con mèo trông có vẻ không đáng tin chút nào thực ra lại là người luôn thầm lặng giúp đỡ Alice chạy trốn khỏi nơi mà cô bé không thuộc về. Thậm chí cho tới ngày nay, câu nói còn khiến nhiều người trong chúng ta giật mình khi nó là một câu nói đánh mạnh vào những người sống mơ hồ, sống không mục đích, không mục tiêu. “Alice ở xứ sở diệu kì” còn nhắc người ta hãy tin vào bản thân mình, đừng nghe những lời vo ve từ những kẻ không có ý định tốt lành.

Có người sẽ nói “Alice ở xứ sở diệu kì” vốn dĩ chỉ là một câu chuyện cho thiếu nhi, tại sao người ta cứ cố áp đặt một ý nghĩa vào nó để làm gì. Thực ra từ đầu tới cuối, chuyến phiêu lưu của Alice vẫn không hề thay đổi, vẫn là con đường ấy, nhưng ở mỗi thời đại, người ta lại có một góc nhìn, cảm nhận khác về ý nghĩa câu chuyện là vì sao? Vì ở thời điểm nào, câu chuyện cũng bộc lộ được ý nghĩa sâu sắc và nhân văn của nó. Đó cũng là đặc trưng của những tác phẩm bất hủ, sống qua nhiều thời đại, sống với nhiều số phận con người. Còn bạn thì sao? Bạn còn chần chừ gì mà chưa đi cùng Alice vào thế giới mới, để cảm nhận bài học cho chính mình?

Nội dung: Ngọc Hoa - Bila Team
Facebook Instagram Youtube Twitter Google+ Top