Giỏ hàng

REVIEW "Bố là bà giúp việc": Con Cần Một Dòng Sông Êm Đềm

(...) lời khuyên về việc sống thật, sống là chính mình để đổi lấy hạnh phúc, đừng để lớp mặt nạ dày cộm đem lại thứ bình yên giả dối. Người với người, có lẽ cần sống chậm lại, nghĩ khác đi, yêu thương nhiều hơn.

Nhắc đến bố, ai trong chúng ta cũng đều nhớ tới người cha mạnh mẽ, kiên cường, luôn là điểm tựa vững vàng cho cả gia đình. Thế mà Anne Fine lại nhắc tới một ông bố “là bà giúp việc”. Sao bố lại là giúp việc nhỉ? Mà lại còn là “bà giúp việc”? Những điều mâu thuẫn ấy khơi gợi trí tò mò của người đọc, khiến chúng ta không thể rời mắt khỏi trang sách.

Daniel - một diễn viên kịch nam đã lập gia đình, có ba đứa con ngoan ngoãn. Thế nhưng thay vì được sống một cuộc sống yên ổn, Daniel lại phải chịu một "kịch bản" quá éo le: thất nghiệp, ly dị với vợ, chỉ có thể gặp ba đứa con vào chiều thứ ba mỗi tuần. Anh không có việc làm, không có tiền lương nên mọi thứ trong cuộc sống trở nên lộn xộn và tạm bợ. Gần như trái ngược với anh, Miranda - vợ cũ của Daniel lại có một cuộc sống khá thoải mái. Ba đứa con ngoan ngoãn, một căn nhà tiện nghi, những mối quan hệ ngọt ngào và một công việc bận rộn nhưng ổn định. Miranda làm giám đốc công ty thiết bị ánh sáng, và công việc chiếm phần lớn thời gian của cô. Hầu hết những ngày trong tuần, Miranda trở về nhà trong trạng thái kiệt sức và không thể quan tâm tới ba đứa nhỏ. Miranda cũng không muốn cho con sang ở cùng với bố Daniel của chúng, chính vì vậy, Miranda quyết định thuê một người giúp việc chăm nom lũ trẻ. Qua vài cuộc điện thoại, cô tìm được một bà giúp việc trong mơ: không hút thuốc, không bừa bãi, không cho lũ trẻ ăn đồ ăn sẵn, yêu quý trẻ con.Bà Doubtfire cao lớn với khuôn mặt bự phấn trông cực kỳ kém duyên nhưng lại rất được lũ trẻ yêu thích. Bà làm món bánh kẹp ngon tuyệt và rất am hiểu chăm sóc cây cối. Bà sắp xếp nhà cửa gọn gàng (dù ba đứa nhóc biết thừa đó không phải là công sức của bà) và uốn nắn ba chị em từng xíu một, hệt như lũ trẻ là con của bà. Không chỉ vậy, càng ở lâu, Miranda càng cảm thấy bà Doubtfire là một món quà từ thiên đường. Không những khiến cho lũ trẻ ngoan ngoãn và tự lập hơn, bà Doubtfire còn giúp cô thấy thoải mái khi trò chuyện và trải lòng, lắng nghe sự giận dữ của cô về tên chồng cũ tệ bạc.

Còn về Daniel, lúc đầu anh cũng hết sức tức giận khi thấy Miranda có ý định thuê người giúp việc, xong mọi chuyện cũng lắng dần. Những cuộc gọi điện cắt ngang bữa cơm từ Daniel ít dần, anh cũng dần thôi không làm phiền mẹ con Miranda nữa. Những trò bạo lực trong tưởng tượng của Daniel đối với người vợ cũ cũng giảm hẳn. Đơn giản là vì anh đã tìm cho mình một vai diễn hoàn hảo nhất - bà Doubtfire - người giúp việc trong nhà Miranda. Trái với sự lo lắng về một cuộc "chiến tranh" có thể bùng nổ bất cứ lúc nào của ba đứa con, Daniel tận hưởng cảm giác thích thú khi "xỏ mũi" cô vợ cũ ngay trong căn nhà của chính mình. Anh tự tin có thể diễn vai bà Doubtfire thành thục nhất, nhưng khi bỏ lớp trang điểm đậm của mình xuống, anh hiểu được "đời không phải là vở kịch", bởi vậy với lời đề nghị "diễn một gia đình hạnh phúc" của đứa con trai, Daniel không khỏi cáu giận. Người ta chỉ có thể diễn hạnh phúc một lúc, không thể diễn cả đời. Và vở kịch của bà Doubtfire cũng vậy, cái kim trong bọc lâu ngày cũng phải lòi ra. Mọi việc vỡ lở. Miranda tức giận tột cùng. Daniel cương quyết đối đầu. Chỉ có lũ trẻ là tổn thương. Chúng mệt mỏi trước sự ích kỉ của bố mẹ, chúng bật khóc vì sợ hãi, chúng giận dữ vì quá đau buồn. "Ngày mưa không thích hợp để lợp nhà." Trước sự rạn vỡ hoàn toàn của bố mẹ, ba đứa trẻ đã tự đứng dậy, xốc lại tinh thần và hàn gắn vết thương gia đình. Có những cái sai không thể sửa, càng chắp vá sẽ càng hỏng hóc. Cũng có những điều trên đời mất đi sẽ đổi lại sự yên bình. Bà Doubtfire đi hẳn, không bao giờ trở lại nữa. Nhưng chính bà Doubtfire đã khiến Miranda và Daniel học được cách hiểu nhau, biết cách tạo dựng và trân trọng hạnh phúc. Kết lại câu chuyện là những câu quen thuộc trong tập truyện mà cô con gái út yêu thích: “Hàng trăm người đã đi tìm Dòng Sông Phẳng Lặng. Nước sông êm ả và phẳng lặng như gương. Ai uống nước sông cũng cảm thấy thật yên bình. Những gia đình sống bên cạnh Dòng Sông Phẳng Lặng không bao giờ cãi nhau...”. Vĩ thanh của câu chuyện không phải là một gia đình đầy đủ sum họp, nó là sự thấu hiểu, trân trọng và đem lại cuộc sống yên bình, đó mới là điều có ý nghĩa cho tất cả các nhân vật.

Gấp cuốn sách lại, người đọc mới thấy những ý nghĩa mà "Bố là bà giúp việc" đem tới thấm vào tận đáy lòng mình. Đó có lẽ là lời khuyên về việc sống thật, sống là chính mình để đổi lấy hạnh phúc, đừng để lớp mặt nạ dày cộm đem lại thứ bình yên giả dối. Người với người, có lẽ cần sống chậm lại, nghĩ khác đi, yêu thương nhiều hơn.

Nội dung: Ngọc Hoa - Bila Team

Facebook Instagram Youtube Twitter Google+ Top