Giỏ hàng

REVIEW “Buổi tối? Đừng bật đèn”: Đấu Tranh Để Trưởng Thành

“Ai trả lại cho em tuổi hồn nhiên trong trẻo? Hoa hồng không bao giờ là của em. Những vết bầm dập trong tim, những vết thương trong lòng em sẽ chẳng bao giờ lành được. Hoa hồng này dành cho ai?”

Những cô bé, cậu bé bị đánh cướp tuổi thơ trong sáng, phải trưởng thành một cách sợ hãi, gò bó và ép buộc. Tôi vừa muốn trách móc sự ngu ngốc của những đứa trẻ mới lớn, lại vừa muốn yêu thương những đứa nhỏ khi thiếu thốn tình thương của gia đình.

“Giới tính” vốn là một vấn đề nhạy cảm mà các bậc cha mẹ thường bỏ qua khi giáo dục con cái, các bài học được bỏ qua nơi giảng đường. Chính vì không ai hướng dẫn nên các em nhỏ khi bước vào tuổi dậy thì thiếu đi kiến thức, thiếu kĩ năng phòng tránh và xử lí tình huống nên rất dễ có những lần “trót dại”. Tôi thấy từng vấp ngã của những cô bé, cậu bé khi đối mặt với vấn đề ngày qua cuốn sách “Buổi tối? Đừng bật đèn”_Đào Hải Sự.

Đỏ, đen là hai màu của bìa sách tượng trưng cho máu huyết và bóng tối. Cũng chẳng phải tự nhiên mà cuốn sách có tiêu đề “Buổi tối? Đừng bật đèn”. Đằng sau đó, hẳn phải là câu chuyện đầy nước mắt, nên mới có thể khiến một đứa trẻ sợ ánh đèn buổi tối đến thế. “Hôm nay, mẹ chỉ cần biết con còn sống…” Tất cả, tất thảy, sự tuyệt vọng đều đến tột cùng.

Võ Thị nói không sai: "Giới thiệu cuốn sách này, chúng tôi chỉ đơn thuần phô bày ra ánh sáng một số ẩn ức, những ám ảnh khôn nguôi của nhiều em trai, bé gái vừa mới chập chững bước vào đời đã bị những cạm bẫy, bị cuộc đời thô bạo phũ phàng, bầm dập.”

Mỗi một câu chuyện đều là một dòng ký ức, lời chia sẻ với phóng viên, hay những trang nhật ký đầy nước mắt của những bạn trẻ khi tuổi dậy thì, lứa tuổi trong sáng và ngây dại. Thậm chí “Có những cuốn nhật ký mà từng dòng chữ chỉ còn lại bút tích-người viết đã không chịu được ám ảnh đã tìm tới chiếc dây thừng hay một dòng sông.”

Vì thiếu thốn tình thương gia đình mà phải chịu hãm hiếp để lại một nỗi sợ hãi không thể nào xóa bỏ. Có những bạn nhỏ vì tò mò mà đánh mất sự trong sáng, ngày ngày chỉ còn biết khinh bỉ bản thân. Và những đứa trẻ vô tội bị cuốn vào vòng vây không lối thoát, chỉ có thể chấp nhận số phận trong bi thảm. Một thiếu nữ mỏng manh, sau khi trải qua một chuyện khủng khiếp như thế mà phải gánh chịu nỗi lo về lời dị nghị xung quanh, sợ cái chừng mắt của cha mẹ, không một ai đủ tin tưởng để sẻ chia, và trên hết lo cho “thân thể” của mình. Có một cô gái đã vạn lần tìm đến cái chết vì thấy bản thân không còn giá trị, có một cô gái chỉ muốn đứng dưới mưa để gột rửa thân thể, có một cô gái chỉ muốn ở nơi ồn ào vì cô cần cảm giác an toàn…

Một người bạn của tôi chia sẻ câu chuyện của bản thân: “Ngay sau đó thôi, anh ta đã yêu ngay một cô bé khác-một cô bé cũng 13 tuổi như tôi lúc trước.Năm đó tôi 16 tuổi.Nghĩa là tôi đã có 3 năm chung đụng giường chiếu với anh ta, hai lần mang thai… Tôi đã bắt đầu việc dán lên khắp tường nhà dòng chữ “Nào, đứng dậy nào”

Chính vì thiếu tình yêu gia đình, kiến thức sai lệch khi nhìn nhận vấn đề và thiếu kỹ năng xử lí tình huống mà không chỉ để lại những vết sẹo không thể xóa mờ, nó còn ảnh hưởng đến tâm hồn, sự trưởng thành của một đứa nhỏ, thậm chí có những sinh mạng vô tội … Cũng chính lời chia sẻ của các bậc phụ huynh ở cuối sách càng cho thấy rào cản mặc cả giữa các thế hệ khiến con trẻ khó mở lòng hơn.

Nhưng, dù thế nào cũng phải đứng lên, dù do bản thân hay vô tội cũng không được sợ hãi. Đừng để lời đàm tiếu ngoài xã hội khiến bạn phải đau đầu. Trưởng thành lấy ở bạn những thứ quan trọng nhất thì bạn cần vực dậy, vượt qua khó khăn để giật lại những điều xứng đáng nhất.

Đừng bao giờ làm điều dại dột, sẽ chẳng có gì tốt lên cả, sẽ chẳng có ai biết đến những gì bạn phải trải qua, chỉ có bố mẹ khóc cạn nước mắt vì bạn. Nỗi đau có thể sẻ chia, chứ đừng để một ai đau khổ thêm vì bạn.
Ngay lúc vấp ngã, đừng bao giờ do dự, hãy đứng lên mạnh mẽ nhất để chiến đấu vì tương lai.

Nội dung: Kim Huế - Bila Team


Facebook Instagram Youtube Twitter Google+ Top