Giỏ hàng

REVIEW "Búp Sen Xanh": Từ Thơ Ấu Cho Đến Thuở Thiếu Thời Của Một Con Người Vĩ Đại

“Búp sen xanh” không đem lại cho người đọc cảm giác khô cứng khi kể lại một giai đoạn cuộc đời, nó êm ái, sâu lắng và nhiều xúc cảm. Nhà văn như làm hiện lên trong tâm trí độc giả từng cảnh vật, con người, từng nhành cây, ngọn cỏ sinh động có hồn.

Từ xưa đến nay đã có không ít các nhà văn, nhà thơ viết về Bác, về thơ Bác, về cuộc đời của Bác. Tuy nhiên, khi đến với “Búp sen xanh” của nhà văn Sơn Tùng, người đọc như được đưa vào một thế giới ngập tràn xúc cảm. Ông viết về cuộc đời Bác như một áng văn trữ tình, dẫn độc giả đến với tác phẩm một cách êm dịu như hương sen thoang thoảng đầu tháng 6. Tác giả níu chân người đọc ở lại mãi qua từng câu chữ, khiến người ta lưu luyến mà tiếp tục lật giở từng trang sách, để hiểu thêm về con người, về tư tưởng của người lãnh tụ vĩ đại nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.

Câu chuyện mở ra với hình ảnh ông Xẩm mù ngồi ở gốc đa cùng với tốp người đi làm đồng về trong một buổi chiều khi cơn giông mùa hạ đang dần kéo đến. Tiếng hát của ông Xẩm hòa cùng với hương sen, với nỗi lo mất nước của người dân nước Việt. Chính ngày ấy cũng là lúc mà một con người vĩ đại được sinh ra, người dân làng Sen như tạm quên đi cái nỗi lo nước mất nhà tan mà vui chung niềm vui của nhà anh nho Sắc, của họ Nguyễn làng Sen. Nguyễn Tất Thành - Ngay chính cái tên Người được đặt cũng phần nào nói lên mong ước giải phóng Dân tộc của thầy nho Sắc khi từ phía đầm sen tiếng quốc kêu vang lên da diết, khắc khoải: “ Theo mong ước của tôi thì...thằng bé sẽ có chí vẫy vùng bốn bể,dù gặp truân chuyên, chìm nổi, nhưng ắt sẽ thành công”. Cái tên hay cũng như lời tiên đoán về cuộc đời của Bác. Như một lẽ đương nhiên cậu bé Nguyễn Sinh Côn càng lớn càng thông minh, sáng dạ, có không ít người bạn của cụ nho Sắc đã phải trầm trồ khen ngợi. Mấy năm sau, cụ Nho phải tên kinh thi Hội lần hai, mang cả gia đình trở vào kinh thành Huế. Lúc bấy giờ cũng chính là bước ngoặt đầu tiên trong cuộc đời Bác.
Ở tại vùng đất Kinh kỳ, Người được tiếp cận nhiều hơn với văn hóa phương Tây, với những cậu ấm cô chiêu nhà quan lớn. Cũng tại nơi này, Người mất đi hai người thân, khi mà mẹ Người sinh khó mà mất, em trai không lâu sau đó cũng qua đời. Bác lại được đưa về sống ở Làng Chùa cùng bà ngoại, khi cha Người đỗ Phó Bảng, được người ta cấp ruộng, cấp đất, Bác lại trở lại quê nội làng Sen. Không lâu sau, cụ Nguyễn Sinh Sắc buộc phải nhậm chức quan Thừa Biện Bộ Lễ ở kinh thành, Người lại một lần nữa trở vào Huế. Lúc này, Người được tiếp cận với chữ quốc ngữ, với những môn học của phương Tây, được theo học tại Trường Quốc Học. Và đây cũng là lúc mà dòng máu nóng nồng nàn yêu nước của Bác bùng lên khi lần đầu tham gia biểu tình cùng công nhân chống sưu thuế. Bác bắt đầu được gặp nhiều hơn những con người có chí hướng giải phóng Dân Tộc. Dần dần, Bác nhận thấy con đường cứu nước của những người đi trước chưa hợp lý, sức trẻ và lòng yêu nước thôi thúc Bác đi tìm đường cứu nước. Đi qua nhiều nơi, làm nhiều nghề, gần gũi với những người dân lao động, Người quyết tâm phải ra nước ngoài, xem người ta làm thế nào để về dạy cho dân mình. Nghĩ là làm, 5/6/1911, Người lên xin chân phụ bếp lên tàu qua nước Pháp.

“Búp sen xanh” không đem lại cho người đọc cảm giác khô cứng khi kể lại một giai đoạn cuộc đời, nó êm ái, sâu lắng và nhiều xúc cảm. Nhà văn như làm hiện lên trong tâm trí độc giả từng cảnh vật, con người, từng nhành cây, ngọn cỏ sinh động có hồn. Cả câu chuyện như một thước phim in dấu trong lòng người, dù bao lâu cũng nhớ mãi. Đó không chỉ là kể về cuộc đời mà còn là bài học, là tư tưởng, là con người vĩ đại mà ai cũng đều phải học hỏi. Từng nhân vật, sự kiện đều là những gì có thật, nhà văn cũng chẳng quá thi vị hay thần thánh hóa, để người đọc nhìn thấy được những gì gần gũi thân thương nhất của con người suốt đời vì dân vì nước.

Nội dung: Thanh Huyền - Bila Team

Facebook Instagram Youtube Twitter Google+ Top