Giỏ hàng

REVIEW “Cây chuối non đi giày xanh”: Kỷ Niệm Bao Giờ Cũng Đẹp Và Đặc Biệt Là Không Biết Phản Bội

Khi người ta lớn, niềm vui và nỗi buồn cũng lớn theo. Trong giấc mơ của tôi, không chỉ có châu chấu, chuồn chuồn như những ngày thơ bé. Đã có bão giông theo về trong những đêm gió luồn qua mái lá. Ờ, ngay cả giấc mơ cũng lớn lên đó thôi.

"Kỷ Niệm Bao Giờ Cũng Đẹp Và Đặc Biệt Là Không Biết Phản Bội"

Có lẽ, đó là thông điệp về những kỉ niệm tuổi thơ được rút ra trong tập truyện “Cây chuối non đi giày xanh” của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.

Men theo kỉ niệm ấy là những câu chuyện của tuổi thơ, một tuổi thơ được mở ra từ hiện thực. 

Một cách thật tự nhiên để bắt đầu cuốn sách, là bức thư của hai ông bạn già sau nhiều năm xa cách. Và cũng là cái cớ cho sự ra đời của tập truyện này. Email ấy có nội dung như thế này:

“Đăng thân,
Chẳng biết mày rõ chưa, thằng Biểu bây giờ đã là chủ tịch Hà Lam. Nó nhờ tao đứng ra làm tập kỉ yếu 35 năm thành lập thị trấn và bảo tao nói mày viết cho nó một bài về những kỉ niệm lúc mày còn ở đây dù lúc đó về mặt hành chính Hà Lam chưa được nâng cấp thành thị trấn. Nó bảo mày viết bất cứ cái gì cũng được, dài ngắn không thành vấn đề, có bao nhiêu, nó in tất. Mày cứ viết thật mộng mơ vào, như viết tiểu thuyết càng tốt.”

Vẫn là Nguyễn Nhật Ánh, giọng văn đã quen thuộc với biết bao thế hệ độc giả nhỏ tuổi (và cả lớn tuổi) nữa chăng? Hóm hỉnh, tình cảm, nhẹ nhàng. Những câu chữ chẳng hề xa lạ, mà gần gũi, như thể nó được dứt ra từ tuổi thơ ăm ắp kỉ niệm chẳng của một riêng ai vậy. 

Truyện có 4 chương. Và đúng như yêu cầu của ông bạn mình gửi trong bức thư điện tử, Đăng đã viết, hay Nguyễn Nhật Ánh đã viết, về tất cả những kỉ niệm tuổi thơ ở Hà Lam, bên Hà Lam, bên những con người tưởng như hôm nay đã thuộc về dĩ vãng. Thế nhưng, từ sâu trong tiềm thức, vẫn còn có nhau, vẫn ở trong nhau. Đó là cô San, là Phan, là Biểu, là ông Cứ, là chị Hòe,... là cả tuổi thơ.

Thế thì rút cuộc, viết về tuổi thơ, sao tác phẩm lại có một tựa đề kì lạ như vậy “Cây chuối non mang giày xanh”? Ừ thì, cây chuối non, là một kỉ niệm. Kỉ niệm về những chớm rung động đầu đời của Đăng với Thắm. Thắm, chính là “cây chuối non mang chiếc giày xanh” trong vùng trời kí ức của Đăng, trong những hoài niệm để Đăng nhớ về. Đăng còn nhớ về ai? Kỉ niệm tuổi thơ ở Hà Lam có gì? Niềm vui, nỗi sợ, những lo lắng vu vơ, những giận hờn chớm nở,... Điều đó, có lẽ bạn phải tự đọc để cảm nhận. Tôi chỉ có thể đem câu chữ của mình mà đưa bạn đến xứ sở của cuốn sách với những điều tuyệt vời của thời thơ ấu này.

Những kỉ niệm tuổi thơ thì bao giờ cũng đẹp. Những giấc mơ tuổi thơ thì lại càng đẹp hơn. Đáng để nhớ lắm. 

“Khi người ta lớn, niềm vui và nỗi buồn cũng lớn theo. Trong giấc mơ của tôi, không chỉ có châu chấu, chuồn chuồn như những ngày thơ bé. Đã có bão giông theo về trong những đêm gió luồn qua mái lá. Ờ, ngay cả giấc mơ cũng lớn lên đó thôi.”

Nhưng, dù có lớn lên, thì tuổi thơ vẫn còn ở lại, để mỗi khi muốn nhớ, muốn tìm về,lòng lại rung lên những nhịp đập nghẹn ngào. 

Khép lại cuốn sách, lại là những điều bỏ lửng. Vạt cỏ vẫn xanh. Đăng, Thắm, và tất cả những đứa trẻ của mảnh đất Hà Lam khi ấy phải lớn lên. 

Chỉ có kỉ niệm là ở lại. 

Xanh dịu. 
Và trong veo.

Nội dung: Nguyễn Thanh Hà - Bila Team


Facebook Instagram Youtube Twitter Google+ Top