Giỏ hàng

REVIEW “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ”: Viết Cho Những Ai Từng Là Trẻ Em

Dù trí tưởng tượng của bạn phong phú như thế nào, có lẽ bạn sẽ không thể nào hình dung ra được, khi đám trẻ con ấy gọi cuốn tập là cái chân, gọi chó là bàn ủi, cái miệng là cánh tay,.. Chúng muốn đặt tên cho cả thế giới xung quanh chúng. Chúng muốn thay đổi cách gọi chỉ với một mục đích hết sức tốt đẹp là làm cho thế giới mới mẻ, tinh khôi như được sinh ra một lần nữa.

Bạn có nhớ những ngày còn bé, chúng ta ai cũng mong ước được lớn lên cho thật nhanh không?

Khi ấy, chúng ta thường mường tượng ra rằng, chí ít khi lớn lên chúng ta sẽ được quyết định mọi thứ, làm mọi điều mình muốn.

“– Tụi mình sẽ đi tìm kho báu.

– Kho báu ở đâu mà tìm?

– Tụi mình sẽ vượt biển khơi. Kho báu thường được chôn giấu ngoài đảo hoang.

– Eo ơi, còn bé như tụi mình làm sao vượt biển khơi được?

– Mày nhát gan quá! Tôi nheo mắt nhìn con Tí sún. Tao xem phim, thấy cả khối người đóng bè vượt biển.

– Nhưng họ là người lớn.

Tôi nhún vai:

– Người lớn hay con nít gì cũng thế thôi! Quan trọng là có gan hay không!

– Nhưng người lớn thì không cần xin phép ba mẹ.”

Đó là một cuộc hội thoại ngắn giữa nhân vật Cu Mùi và nhân vật Tí sún khi chúng mới lên 8 tuổi. Và cũng chỉ vì mới lên 8 nên chúng vẫn còn là trẻ con, chúng không phải người lớn mà có thể tự mình quyết định việc vượt biển để tìm kho báu. Thật là buồn đúng không? Làm trẻ con chẳng thú vị chút nào.

Cu Mùi là ai? Tí sún là ai? À! Mình quên mất không giới thiệu tới các bạn. Cu Mùi chính là nhân vật chính trong câu chuyện, Tí sún là bạn của Cu Mùi, và còn có cả hai người bạn Hải Cò và bé Tủn nữa. Tất cả những đứa trẻ này cùng được xuất hiện trong tác phẩm “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” của Bác Nguyễn Nhật Ánh.

Chỉ với những tình tiết câu chuyện hết sức gần gũi, tự nhiên nhưng tác giả lại gửi gắm cho chúng ta nhiều bài học sâu sắc. Ở mỗi độ tuổi bạn lựa chọn đọc cuốn sách này: 8 tuổi, 20 tuổi hay 40 tuổi, bạn sẽ có những góc nhìn khác nhau ở từng câu chuyện mà tác giả xây dựng lên. Bạn sẽ bắt gặp câu chuyện về đặt tên cho thế giới, câu chuyện về phiên tòa kể tội các bậc cha mẹ, câu chuyện về trang trại chó hoang và rất nhiều câu chuyện khác nữa.

Dù trí tưởng tượng của bạn phong phú như thế nào, có lẽ bạn sẽ không thể nào hình dung ra được, khi đám trẻ con ấy gọi cuốn tập là cái chân, gọi chó là bàn ủi, cái miệng là cánh tay,.. Chúng muốn đặt tên cho cả thế giới xung quanh chúng. Chúng muốn thay đổi cách gọi chỉ với một mục đích hết sức tốt đẹp là làm cho thế giới mới mẻ, tinh khôi như được sinh ra một lần nữa.

Dẫu tưởng chỉ có trẻ em mới thích điều này. Nhưng không!

“Nhưng khi tôi đã trở thành người lớn thì tôi phát hiện ra người lớn cũng rất thích chơi trò này, tất nhiên với một mục đích hoàn toàn khác. Người ta gọi hối lộ là tặng quà trên mức tình cảm, gọi những hành vi sai trái là thiếu tinh thần trách nhiệm, gọi tham ô là thất thoát gây hậu quả nghiêm trọng, và nhiều những lời biện hộ hơn nữa”.

Hẳn là rất sâu sắc phải không nào!

Ai cũng có một thời để nhớ về, đó là tuổi thơ. Khi tôi đọc cuốn sách này, tôi không còn là một đứa trẻ lên 8 tuổi nữa, mà đang bước vào cuộc hành trình trở thành người lớn. Đúng là đang, và vì cũng chưa lớn cho lắm. Bạn biết đấy, khi bạn đang bước vào cuộc hành trình này, mới đầu bạn có thể rất thích thú nhưng rồi lại chợt nhận ra nó khó khăn nhường nào, vất vả nhường nào. Có những lúc tôi lại muốn quay về hồi mình lên năm, lên tám. Cái hồi mà bố vẫn đèo tôi trên chiếc xe đạp cũ kĩ và tôi luôn giục bố đạp nhanh lên vì muốn xem ông trăng có thể đuổi kịp mình không. Cái hồi mà khi tôi lỡ nuốt phải hạt quả rồi sợ chết khiếp lên vì nghĩ rằng mấy hôm nữa nó sẽ lớn dần và nở hoa qua mũi tôi. Hay nuốt nhầm kẹo cao su và ruột tôi sẽ bị dính chặt lấy nhau. Chắc hẳn không chỉ riêng tôi mà các bạn cũng đã từng có những suy nghĩ và hành động kì quặc như thế khi còn bé.

Những suy nghĩ ấy, kỉ niệm ấy dường như sống dậy trong tôi khi tôi ngồi đọc cuốn sách này. Nó thật đẹp biết bao.

Và bây giờ, liệu bạn có muốn cầm trong tay mình một chiếc vé trở về tuổi thơ trên chuyến tàu đặc biệt này không? Bạn yên tâm đi, cuốn sách này không phải viết để dành cho trẻ em mà là viết để dành cho những ai từng là trẻ em.

Nội dung: Thanh Thanh - Bila Team

Facebook Instagram Youtube Twitter Google+ Top