Giỏ hàng

REVIEW "Cô Gà Mái Xổng Chuồng": Chuyện Về Một Cô Gà Công Nghiệp Dám Đi Tìm Tự Do

Không phải cứ cùng một dòng giống thì yêu thương nhau đâu. Điều quan trọng là hiểu và cảm thông cho nhau! Đó mới chính là tình yêu.

Mức độ yêu thích: 8/10

5 năm về trước, lần đầu cầm quyển sách trên tay, tôi đọc với tâm thế đang thưởng thức một truyện cổ tích đơn thuần. Đến khi đặt sách xuống, những gì còn đọng lại trong tôi chỉ là những dòng chữ in to, những bức ảnh màu sặc sỡ kể về các loài vật trong vườn. Chẳng có ấn tượng gì rõ rệt. Nhưng vào một ngày tình cờ đọc lại, tôi mới ngẫm ra nhiều điều xung quanh "Cô Gà Mái Xổng Chuồng"- tác phẩm tưởng chừng chỉ dành cho thiếu nhi này.

Câu chuyện kể về khát vọng thay đổi số phận của cô gà công nghiệp mang tên Mầm Lá- cái tên cô do tự đặt, cũng là cô gà duy nhất có tên. Vốn sống trong trại gà, công việc của những cô gà mái ấy chỉ là ăn, đẻ trứng, ngủ và... lại ăn. Cuộc sống nhàm chán cứ thế trôi qua đã rất lâu và chúng chấp nhận như vậy. Nhưng Mầm Lá thì không: "Từ khi được đưa vào trại gà sống ở đây hơn một năm, Mầm Lá chỉ có một việc duy nhất là đẻ trứng. Cô chẳng được đi lại, chẳng được vỗ cánh, không thể thoát khỏi rào sắt, và cũng chẳng được ấp trứng. Tuy vậy Mầm Lá vẫn thầm mang trong mình một ước mơ mà không ai hay biết. Ước mơ đó nhen nhóm từ sau lần Mầm Lá trông thấy cô gà mái ấp nở ra một chú gà con rất đáng yêu, và dẫn chú bé đáng yêu ấy đi loanh quanh trong vườn". Cô muốn sống cuộc sống tự do, được tự mình ấp trứng, được chăm sóc gà con, được trở thành thành viên của gia đình sân vườn chứ không phải trại gà chán ngắt này. Và bằng một sự tình cờ, cô được giải thoát. Từ đây, cuộc hành trình thực hiện khát vọng của Mầm Lá bắt đầu. Cô cố làm thân với gia đình sân vườn: Bác chó già, Gà trống, Gà mái vườn, Đàn vịt nhà,..và cả Kẻ Lang Thang nữa.

Nhưng tất nhiên, cuộc đời thực ngoài này đâu dễ dàng như những gì cô tưởng tượng. Mầm Lá không chấp nhận sự an nhàn, bình thường nơi trại gà mà sẵn sàng đương đầu với gian khổ, hiểm nguy, sự rình rập của Mụ chồn quái ác. Bù lại cô được sống và theo đuổi khát vọng của mình: ấp trứng, nuôi lớn chú vịt trời dù không cùng dòng giống nhưng vẫn yêu thương nó bằng tình mẫu tử như máu mủ, ruột rà. Đó là tình yêu của những kẻ khác loài: "Chỉ cần thế là được rồi. Chúng mình tuy sinh ra có hình dáng khác nhau nên không thể hiểu hết ruột gan nhau, nhưng mà có thể yêu thương nhau", "Không phải cứ cùng một dòng giống thì yêu thương nhau đâu. Điều quan trọng là hiểu và cảm thông cho nhau! Đó mới chính là tình yêu"... Cô nhận ra, học được nhiều điều mà trước đây mình không hề biết: "Nếu có ai đó chết đi thì lại có ai đó được sinh ra. Trải nghiệm li biệt và gặp gỡ cũng diễn ra đồng thời như vậy. Vì thế đến một lúc nào đó, nỗi buồn không thể kéo dài".

Cây hoa mimosa tưởng chừng chỉ là phông nền nhưng nó xuất hiện trở đi trở lại xuyên suốt tác phẩm. Cây mimosa đứng đó chứng kiến cuộc đời Mầm Lá, mang đến cho cô ước vọng được sống có ý nghĩa như tán lá kia. Cũng chính cây mimosa ấy theo dấu hành trình theo đuổi ước mơ tưởng chừng mù quáng, viển vông của Mầm Lá, chứng kiến khoảnh khắc cô gà mái trút hơi thở cuối cùng trong sự thanh thản, an yên cuối đời: "Đúng là mình đã có một tâm nguyện. Được ấp trứng và chứng kiến gà con ra đời! Mình đã sống thật mệt mỏi nhưng cũng rất hạnh phúc. Nhờ có tâm nguyện đó mà mình đã sống đến tận bây giờ. Giờ đây mình muốn được bay lên".

Motif mượn loài vật để nói chuyện con người không còn là điều gì quá mới mẻ, mỗi con vật lại tượng trưng cho mỗi hạng người trong xã hội. Nhưng Hwang Sun Mi lại có cách khiến ta phải soi vào tác phẩm để thấy mình trong chính câu chuyện đó. Đều là gà mái nhưng có loài gà công nghiệp chỉ suốt ngày ru rú trong trại, cứ lặp đi lặp lại thói quen sống nhàm chán, lệ thuộc. Lại có gà mái vườn được chăm chút, ăn uống no đủ và nó chỉ cần có thế là đã lấy làm thỏa mãn. Duy chỉ có Mầm Lá là khác biệt. Cô không chấp nhận sự bó buộc, kìm tỏa này, cô muốn thay đổi, muốn đạt được khát vọng đời mình. Và bạn sẽ phân vân: mình đâu có ước mơ gì cao cả? Đừng lo, ước mơ của Mầm Lá nhỏ bé lắm, bình dị lắm, cô muốn sống tự do, muốn được là mình, được sống đúng bản năng làm mẹ, được ấp trứng, chăm gà con. Không cần phải là điều gì quá vĩ đại, chỉ cần bạn có ước mơ, dù nhỏ bé đến đâu nó cũng đáng nâng niu trân trọng, cũng như cách cô dặn dò đứa con bé bỏng của mình: "Phải làm điều mình muốn chứ con. Đó là điều gì thì con hãy tự hỏi chính bản thân mình"...

Quả thực đến tận trang cuối cùng, tôi mới chợt nhận ra, "Cô Gà Mái Xổng Chuồng" không chỉ dành cho trẻ con mà nó dành tặng tới bất cứ ai đang hoang mang, chông chênh, vô định trên hành trình cuộc đời. Triết lí mà không khô khan, nhẹ nhàng mà vô cùng sâu sắc, đi hết 11 chương của quyển sách, đến khi khép lại trang cuối cùng, lúc ấy chính độc giả sẽ giật mình tự hỏi: Trong mỗi chúng ta đều có một Mầm Lá như thế. Nhưng liệu ta sẽ để cho Mầm Lá ấy bị những xô bồ, hối hả của cuộc sống hằng ngày nhấn chìm hay sẽ mạnh mẽ như cô gà kia. Tuy cô đơn đấy, lạc lõng đấy nhưng sẵn sàng đương đầu khó khăn để theo đuổi ước mơ bất chấp định kiến.

Nội dung: Bảo Ngọc - Bila Team

Facebook Instagram Youtube Twitter Google+ Top