Giỏ hàng

REVIEW “Coraline”: Cùng Coraline Phiêu Lưu Vào Thế Giới Song Song

Một cô bé khôn ngoan, giàu tình cảm biết mấy. Em muốn một gia đình nồng ấm, và khi đứng ở thế giới “trong ao ước”, em bỗng nhận ra điều mình thật sự cần. Em chỉ cần bố mẹ của em, bố mẹ đích thực. Chúng ta cũng mong mỏi nhiều điều, nhưng bạn đã từng nghĩ mình thật sự cần điều gì chưa?

Nếu bạn là một người yêu thích sự hồi hộp và mạo hiểm, thích những thông điệp giản dị mà sâu sắc, Coraline là một câu chuyện dành cho bạn. Mình biết đến Coraline qua bộ phim hoạt hình cùng tên, nhưng khi cầm trên tay cuốn truyện, mình mới phát hiện nhiều thông điệp quý giá về cuộc sống mà nhà văn đã truyền tải qua mỗi hình ảnh.

Nói đến sách, một điều thu hút sự chú ý của bạn chính là bìa sách. Lần đầu nhìn thấy bìa của “Coraline” trên các web sách online, mình đã thất vọng vì nó không đẹp như mình hi vọng, thậm chí có thể đánh giá là “xấu”. Tuy vậy vì thích cốt truyện của nó, mình vẫn quyết định đặt mua, và khi cầm sách trên tay, mình thực sự rất hài lòng. Bìa sách có những nét bóng in nổi theo hình bàn tay ma cầm sợi chỉ, chỉ một bản vẽ đơn giản như vậy đã truyền tải được rất nhiều nội dung của cuốn truyện.

Câu chuyện không dài, nhưng đủ sức lôi cuốn người đọc từ trang đầu tiên cho tới dòng chữ cuối cùng, đó có lẽ là lời nhận xét chính xác nhất về “Coraline” của nhà văn Richard Neil Gaiman. Trước hết, câu chuyện lôi cuốn người đọc bằng cốt truyện quen thuộc mà mới mẻ - một chuyến phiêu lưu vào thế giới song song. Với bản tính tò mò của một đứa trẻ, Coraline đã đưa người đọc theo bước chân em vào cuộc hành trình đầy hồi hộp, lo sợ xen lẫn những suy tư.

Với đúng mục tiêu hướng tới những độc giả nhí, hình tượng kinh dị trong cuốn truyện được xây dựng một cách nhẹ nhàng, gần gũi với trẻ em, song lại đem tới những ám ảnh nhất định. Đó là gương mặt gầy quắt với đôi mắt cúc áo vô cảm, bóng loáng; là những ngón tay trắng bệch, gầy gò, móng tay sơn đỏ thẫm; là âm thanh gõ móng tay đều đều của mụ phù thủy như tiếng nước nhỏ giọt; là hình ảnh duy nhất một bàn tay chạy đi chạy lại như những con cua có quá nhiều chân. Cuộc phiêu lưu cũng được dần dần từ ánh sáng rực rỡ ấm áp của lò nướng tới ánh sáng mờ đục rợn người của sương mù, từ không gian ấm áp đến sự u tối lạnh lẽo của những căn hầm. Một nét ám ảnh độc giả đặc trưng chính là âm thanh – xen với những tiếng nói quen thuộc của những người yêu thương là tiếng hát ma mị của chuột, của gián, khắc sâu vào tâm khảm Coraline cũng như người đọc sự ghê rợn của thế giới tưởng quen mà quá đỗi lạ lùng. Trên bước đường ấy, Coraline đã gặp những điều mà em không thể tin, nhưng với lòng yêu thương tin tưởng, với sự góp sức của mọi người, em đã tìm thấy điều mà em muốn.

Coraline là một cô bé ngoan ngoãn với tính mạo hiểm tràn trong huyết quản. Sống với những người lớn suốt ngày chỉ chìm đắm trong công việc máy tính khô khan, con bé thực sự là một cô bé ngoan với ý thức tự lập, tự học hỏi rất sớm. Đáng quý hơn, ở độ tuổi mà những đứa trẻ khác đang nhõng nhẽo đòi hỏi, Coraline để lại trong lòng mình ấn tượng về một em bé giàu tình cảm và sự thấu hiểu. Con bé yêu thương cha mẹ thật lòng, không hề trách móc nửa lời trước sự quan tâm tối thiểu của cha mẹ, không phàn nàn về sự cứng nhắc của mẹ cũng như những thói quen lập dị của cha. Nhưng trong sâu thẳm tâm hồn, Coraline vẫn mong mỏi được yêu bằng tình cảm nồng nhiệt và ấm áp. Chính xã hội đúc khuôn cha mẹ em và khát khao bình dị của đứa trẻ chính là cơ sở để những thế giới, những con người như “mẹ khác” lao vào tước đi tâm hồn của con trẻ. “Mẹ khác” – là những dã tâm lợi dụng ước muốn của trẻ thơ, hay là những cám dỗ xã hội khiến những mầm non mất đi tâm hồn, trái tim và cả sự sống? Bằng việc dựng lên một thế giới giả tạo, méo mó và nguy hiểm dựa vào khao khát cháy bỏng của trẻ thơ, Gaiman đã khiến những người lớn phải rùng mình: liệu ta có đang góp phần tạo ra những “mẹ khác” ấy không?

Chuyến phiêu lưu của Coraline cũng là tấm gương sáng phản chiếu nhiều thứ trong đời sống xã hội. “Hoàn toàn cô độc giữa đêm thâu, Coraline òa khóc (...) Con bé trèo lên giường cha mẹ và sau một lúc, nó ngủ thiếp đi”; con bé nhớ kỉ niệm “Tớ chỉ bị một vết ong đốt nhưng cha có tận ba mươi chín vết liền”, nhớ cha nói “Đó không phải là hành động dũng cảm vì cha không hề sợ”. Một cô bé khôn ngoan, giàu tình cảm biết mấy. Em muốn một gia đình nồng ấm, và khi đứng ở thế giới “trong ao ước”, em bỗng nhận ra điều mình thật sự cần. Em chỉ cần bố mẹ của em, bố mẹ đích thực. Chúng ta cũng mong mỏi nhiều điều, nhưng bạn đã từng nghĩ mình thật sự cần điều gì chưa? Coraline may mắn trở lại được cuộc sống, nhưng qua câu chuyện của ba linh hồn, người ta nhận ra rằng không có trái tim, “chúng tôi thuộc về bóng tối và những nơi trống trải”. Không chỉ vậy, trong thế giới khác ấy, không chỉ có mình Coraline. Trong thế giới ấy có “ông già khùng” Bobo đã thực hiện được ước nguyện, có hai bà diễn viên già trở về thời huy hoàng mơ ước. Có lẽ, không chỉ có trẻ con mới có thế giới ước mơ của riêng mình.

Hãy mở “Coraline” bằng cả tấm lòng như khi Coraline mở cánh cửa bằng “chiếc chìa khóa đen lạnh” để bước qua đó và tới một thế giới hồi hộp, kì ảo của mỗi người. Hãy đọc lại, một lần, hai lần, cảm nhận từng câu chữ bằng cả tâm hồn, và tìm câu trả lời cho câu hỏi “Tại sao ở thế giới khác, người ta mang những chiếc mắt cúc áo lạ kì?”

Nội dung: Ngọc Hoa - Bila Team

Facebook Instagram Youtube Twitter Google+ Top