Giỏ hàng

REVIEW "Đi tìm bản sắc Việt": Bản Sắc Tiếng Việt Nằm Sau Vỏ Bọc Ngôn Ngữ

“Đi tìm bản sắc của một ngôn ngữ, chúng ta không chỉ dừng lại ở hệ thống tĩnh tại, dù như đã nói hệ thống đó là hình bóng của người bản ngữ, mà phải tìm đến các cách ứng xử ngôn ngữ”

Đã bao giờ bạn tự hỏi tại sao người Việt ta chưa bao giờ bị đồng hóa bởi các quốc gia xâm lược chưa? Văn hóa là một trong những yếu tố quan trọng quyết định đến sự thành bại của một quốc gia. Văn hóa là gốc rễ, cội nguồn của dân tộc. Đặc biệt là ngôn ngữ, là tiếng nói. Biết bao năm chịu nhiều khổ cực, bao lần chiến tranh tàn phá nhưng Việt Nam ta vẫn luôn một lòng, luôn gắng gồng qua mọi gian khổ mà sánh vai cùng các cường quốc năm châu. Đó chính là nhờ vào điểm tựa “tiếng nói”.

Ngôn ngữ là lớp vỏ bọc chắc chắn của văn hóa. Có ngôn ngữ, con người dễ dàng thấu hiểu nhau hơn, dễ dàng truyền đạt suy nghĩ của mình hơn. Trong thời đại hội nhập ngày nay, việc giao lưu và tiếp xúc với nhiều luồng văn hóa khác nhau trên thế giới là không thể tránh khỏi. Đó là tính tất yếu của thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tuy nhiên, đừng vì sự toàn cầu hóa mà đánh mất đi nét đẹp bản sắc vốn có. Cụ thể là việc sử dụng ngôn ngữ.

“Đi tìm bản sắc tiếng Việt” là một chặng đường đầy ý nghĩa của tác giả Trịnh Sâm. Đây là một quyển sách kết tinh nhiều bài báo, tạp chí đặc sắc về tiếng Việt. Đây là kì vọng về tương lai phát triển của tiếng Việt mà tác giả đang hướng tới.

Vì đâu mà tiếng Việt lại “đẹp” đến như vậy? Chắc có lẽ nhờ hệ thống từ ngữ giàu hình ảnh, ngữ điệu tạo nên từ hệ thống thanh điệu. Đó là những yếu tố quan trọng làm cho tiếng Việt giàu và đẹp. Chúng ta nên cảm thấy tự hào bởi những nét đặc sắc hiếm thấy ở bất kì ngôn ngữ nào khác trên thế giới. Chúng ta nên cảm thấy tự hào bởi chúng ta có tiếng nói riêng. Chúng ta nên cảm thấy tự hào bởi toàn bộ dân tộc anh em Việt Nam đang chảy chung dòng máu lạc hồng.

“Đi tìm bản sắc của một ngôn ngữ, chúng ta không chỉ dừng lại ở hệ thống tĩnh tại, dù như đã nói hệ thống đó là hình bóng của người bản ngữ, mà phải tìm đến các cách ứng xử ngôn ngữ”. Ngôn ngữ muôn màu muôn vẻ, không thể nào dựa trên những hệ thống lí luận cơ bản mà đánh giá được. Một từ chỉ thể hiện được hết ý nghĩa của riêng nó khi đặt vào trường hợp sử dụng cụ thể. Do đó, cách ứng xử của ngôn ngữ là sản phẩm của sự quyết định có ý thức về sự lựa chọn trong hoạt động giao tiếp. Có thể hiểu cơ bản là từ này chỉ mang đúng sắc thái nghĩa của nó trong một trường hợp duy nhất, phù hợp nhất. Bản sắc ngôn ngữ nằm ở đâu luôn là câu hỏi đặt nặng cho ngành nghiên cứu ngôn ngữ. Tuy nhiên với lòng nhiệt thành và niềm yêu thích tiếng Việt mê đắm thì những nhà nghiên cứu luôn liên tục lục tìm “bản sắc”. Vô vàn câu hỏi đặt ra chưa có lời giải đáp.

Quyển sách gồm ba phần chính: Tiếng Việt, ngôn ngữ báo chí và ngôn ngữ tác giả. Bạn có thể tìm thấy những thông tin cực kì bổ ích được chia phần cụ thể: thành ngữ - tục ngữ ở Việt Nam, ẩn dụ hình ảnh, cấu trúc của tiêu đề văn bản báo chí, nghệ thuật trong thơ của một số tác giả, tác phẩm nổi tiếng,...

Đối với một sinh viên ngành ngôn ngữ như tôi, quyển sách thực sự bổ ích không chỉ cho chuyên ngành của mình mà còn bù đắp những thiếu sót về mặt kiến thức của tôi. Tiếng Việt không chỉ đơn thuần là một ngôn ngữ, nó là một bầu trời văn hóa kì diệu của dân tộc Việt Nam. Trong tác phẩm đa số là các từ ngữ chuyên ngành nên có thể sẽ gây khó hiểu cho người đọc. Tuy nhiên, đây vẫn là một trong những đầu sách đáng để tâm nếu bạn “cuồng” tiếng Việt giống mình nhé!

Nội dung: Hoàng Vy - Bila team
Facebook Instagram Youtube Twitter Google+ Top