Giỏ hàng

REVIEW "Hà Nội - 36 góc nhìn": Vẻ Đẹp Phương Tây, Văn Hoá Phương Đông

“Tôi nhâm nha lá bánh cuốn dai giòn, thơm mùi hành khô phi mỡ, mùi gạo của đồng, mùi mắm mặn của biển, như cảm thấy được sự sống bình của người dân lao động hiền lành mà cụ Hồng đã truyền qua từng lá bánh cuốn mỏng manh..”

Hà Nội 36 góc nhìn - Cái tên sách gợi nhớ một thành ngữ cũng là tên của một cuốn sách khác “Hà Nội 36 phố phường”. Con số 36 không đơn thuần mang vẻ chính xác số học, có bao nhiêu Hà Nội, có bấy nhiêu góc nhìn. Khác về hoàn cảnh, khác về vị trí, khác về thế đứng thôi là một góc nhìn khác rồi.

Tác giả cuốn sách thực sự là ai? Có thể nói rằng cuốn sách như một lần hợp lại của những góc nhìn, các văn nghệ sĩ, các nhà khoa học, các nhà báo, các nghệ nhân..cùng với những con người đã gắn bó với mảnh đất Hà Thành suốt bao năm, coi nơi đây như một phần linh hồn. Cuộc tập hợp giống như dải đất phù sa ven sông Hồng đã một ngàn năm là quần cư của những con người đến từ mọi miền. Tinh hoa mọi miền đem cả về đây, hòa hợp với giá trị tự thân của Hà Nội.

Cuốn sách này chẳng khác gì một phương tiện đưa người đọc trực tiếp tham quan chốn Hà Thành, không còn mang vẻ gì đọc đơn thuần một cuốn sách nữa. Đối với những người đã sinh ra, lớn lên ở nơi đây, “Hà Nội 36 góc nhìn” giúp ta như đang hồi tưởng lại những ký ức, những khoảng thời gian xưa cũ tại Hà Nội.

Một Hà Nội hào hoa như mặt Hồ Gươm, một Hà Nội bình dân như quán trà đá vỉa hè, hay nóng hổi như tô bún ốc trong một hẻm gió heo hút, đều là đang nói lên “dải đất phù sa ven sông Hồng đã một ngàn năm là nơi quần cư của những con người đến từ mọi miền”. Sự phong phú đôi khi thành phức tạp đó có lẽ chính là cái chất riêng của Hà Nội, để khi có đi xa mấy, lòng vẫn nghe sao rung động khi ai đó nhắc tới hai tiếng “Hà Nội”.

Những con phố, con đường của Hà Nội đều đã trải qua biết bao thăng trầm, biến động của cuộc sống. Chúng mang trong mình linh hồn như những con người. Vậy những linh hồn đấy nằm ở đâu? Đối với tôi, nó nằm ở những hàng cây xanh mà không có một thành phố nào ở nước Việt này lại có thể giàu có, sum suê đến vậy, chỉ những ai đã từng đi trên những con đường dài hun hút mướt mát mồ hôi không một bóng cây, mới cảm nhận được rõ ràng cái sự quý giá của những hàng cây Hà Nội.

Đã nhắc đến Hà Nội thì không thể nhắc đến Hồ Gươm, một thắng cảnh lịch sử được làm đề tài cho biết bao nhà thơ, nhạc sĩ, nhà báo..tốn không biết bao giấy mực để viết ra một tác phẩm mà có thể miêu tả được hết vẻ đẹp đã có từ thời vua Lê Thái Tổ. Trong mắt tôi, giữa lòng một thành phố chật chội và náo nhiệt, sát gần khu phố cổ, là một mặt nước tĩnh lặng trong vòng tay cổ thụ xanh ngắt bốn mùa, khiến cho ta muốn bỏ lại sau lưng mình bụi bặm và bao nỗi lo âu để bước đến bên bờ hồ như bước thế giới của những giấc mơ. Các bạn có thể tưởng tượng nổi không? Một khi đã trải nghiệm cái cảm giác đấy rồi, bạn không thể quên được đâu.

Khi đến một thành phố thì có lẽ ẩm thực sẽ là cái mà con người ta nghĩ tới và mong muốn đầu tiên, và tại đất Hà Nội này, ẩm thực có lẽ không đơn thuần chỉ là món ăn thức uống nữa. Nó đã trở thành một cái văn hóa từ bao đời nay rồi, cái tinh hoa người Tràng An nó thấm nhuần vào máu của biết bao đời, tôi cũng không phải ngoại lệ. Họ thừa hưởng từng cái đặc sắc trong công thức chế biến món ăn, để giờ đây, khi nhắc tới Hà Nội, những ai đã đến sẽ không thể quên được phở bò – hương vị giữ hồn đất Thăng Long, cái thức quà mà khi bước chân tới đất Hà Thành, muốn cảm nhận được toàn bộ thì đầu lưỡi của bạn phải đạt đến một cái tầm cực kì nhạy để thấu được hết cái ngon cái ngọt đấy; bún ốc – đặc sản ẩm thực tinh tế, cầu kỳ, đan xen cái ngọt, cái chua, cái cay, để lại cho người ăn một cảm giác không thể quên khi thưởng thức vào mùa đông giá lạnh..Và không thể quên được món bánh cuốn Thanh Trì, món ăn đã phổ biến trong nền ẩm thực Hà Nội, đến mức trong sách còn miêu tả, khiến cho tôi không thể không nghĩ tới món ăn được kết tinh bởi sự hòa quyện giữa đồng và biển:

“Tôi nhâm nha lá bánh cuốn dai giòn, thơm mùi hành khô phi mỡ, mùi gạo của đồng, mùi mắm mặn của biển, như cảm thấy được sự sống bình của người dân lao động hiền lành mà cụ Hồng đã truyền qua từng lá bánh cuốn mỏng manh..”

Nội dung: Anh Tường - Bila Team








Facebook Instagram Youtube Twitter Google+ Top