Giỏ hàng

REVIEW "Không gia đình": Câu Chuyện Cảm Động Về Tuổi Thơ Lưu Lạc Của Remi Cùng Cụ Vitalis

Tôi thích hình ảnh cụ Vitalis điềm đạm, dù bất cứ hoàn cảnh nào ông cũng điềm đạm lạ thường. Tôi nhớ có đoạn Remi lỡ làm mất chú chó, cứ ngỡ ông sẽ quát mắng nhưng trái ngược lại là một giọng ôn tồn khuyên bảo rồi bỏ qua khiến Remi và thậm chí cả tôi là người đọc cũng cảm thấy bất ngờ.

“Không gia đình” là một cuốn sách đã nhận được giải thưởng của Viện Hàn Lâm Văn học Pháp. Chuyện kể về tuổi thơ cậu bé Remi được sống yêu thương trong vòng tay cha mẹ nuôi Barberin, cho đến một ngày cậu bị chính lão Barberin đem bán cho một gánh xiếc. Kể từ đó Remi sống với cuộc đời không cha không mẹ lang thang khắp mọi nơi từ nước Anh cho đến nước Pháp để kiếm sống cùng với cụ Vitalis nhận hậu và gánh xiếc. Tất cả sự khốn khổ: lang thang không chút gì trong bụng, suýt chết rét giữa cái mùa đông tuyết rơi vừa lạnh vừa đói hay bị lụt ngầm chôn trong giếng mỏ mấy ngày đêm đều được tái hiện chi tiết qua lời kể của nhà văn nổi tiếng người Pháp - Hector Malot. Thứ quý giá cậu đã học được rằng phải lao động mới có miếng ăn nhưng không vì thế mà phải bất chấp thủ đoạn.

Một cuộc hành trình tuy điều kiện khắc nghiệt nhưng tôi vẫn thấy ấm áp, một tình thương không phân biệt giữa người và người, người và vật. Tôi thích hình ảnh cụ Vitalis điềm đạm, dù bất cứ hoàn cảnh nào ông cũng điềm đạm lạ thường. Tôi nhớ có đoạn Remi lỡ làm mất chú chó, cứ ngỡ ông sẽ quát mắng nhưng trái ngược lại là một giọng ôn tồn khuyên bảo rồi bỏ qua khiến Remi và thậm chí cả tôi là người đọc cũng cảm thấy bất ngờ. Nhưng sự yêu thương của cụ dành cho cậu mấy chốc đã chấm dứt khi cụ qua đời. Cũng kể từ đó Remi phải sống tự lập, cậu dần trưởng thành hơn, dần khôn ngoan hơn, phải suy nghĩ nhiều hơn để kiếm sống, phải xoay sở để kiếm đủ tiền. Dù đôi lúc may mắn cậu có gặp được sự yêu thương hay bất hạnh phải đối mặt với khó khăn cậu vẫn nhớ lời dạy của cụ Vitali giữ phẩm chất làm người, ngay thẳng, gan dạ, tự trọng, thương người, ham lao động, không ngửa tay xin xỏ, không dối trá, gian giảo, nhớ ơn nghĩa, luôn luôn làm người có ích.

Tôi nhớ tôi đã đọc cuốn sách này từ năm tôi 11 tuổi, nhưng dấu ấn của cảm xúc vẫn còn mãi. Và tôi đã quyết định đọc lại nó để có thể trải nghiệm lại một lần nữa: cảm động, bất ngờ, hồi hộp, lắm lúc tuyệt vọng và cuối cùng vui sướng bởi một kết thúc có hậu. Mặc dù “Không gia đình” đã được chuyển thể thành phim, nhưng không hiểu sao tôi vẫn cứ thích được trải mình, muốn thỏa sức tưởng tượng mọi khung cảnh trong từng câu chữ của tác giả. Bằng lối kể dẫn dắt, tác giả khiến người đọc được hòa mình vào cốt truyện đầy cảm xúc thậm chí rơi nước mắt. Góp phần cho sự thành công đó cũng nhờ dịch giả Huỳnh Lý đã thể hiện rõ hết phong cách của Hector Malot để đưa người đọc tiếp cận được mọi cảm xúc từ phiên bản gốc.

“Không gia đình” được xem là tác phẩm kinh điển giàu tính nhân văn cũng có lý của nó bởi không chỉ khiến người đọc cảm động mà còn vô vàn triết lý nhân sinh trong đó.

Một cuốn sách hay dành cho mọi lứa tuổi, nếu bạn là thiếu nhi bạn có thể cảm nhận trọn vẹn cái hay bởi mọi sự việc đều được nhìn nhận dưới góc độ của cậu bé 9 tuổi. Nếu bạn là người trưởng thành có lẽ bạn sẽ nhận thấy sự sâu sắc của bối cảnh, thông điệp mà tác giả gửi gắm.

Nội dung: Thanh Trà - Bila Team
Facebook Instagram Youtube Twitter Google+ Top