Giỏ hàng

REVIEW "Không nơi nương tựa"

Có một nơi như thế, nơi mà gia đình bỗng chốc trở thành địa ngục, người mẹ trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng của một đứa trẻ, nơi mà đứa trẻ trở nên đơn độc hơn bao giờ hết – không nơi nương tựa

Có một đứa trẻ phải chịu đựng những đau khổ, đơn độc gặm nhấm những trò bệnh hoạn... Tôi đã từng như phát điên lên, căm tức cái kẻ đã gây ra những vết thương cả thể xác lẫn tinh thần cho một đứa trẻ, một đứa trẻ chỉ đang ở ngưỡng đáng được tận hưởng sự ấm áp từ mẹ. Người mẹ đó nhẫn tâm bắt con mình hằng giờ đứng trước gương lẩm bẩm câu: tôi là một đứa hư hỏng. Tôi là một đứa hư hỏng. Tôi là một đứa hư hỏng. Có thật đứa trẻ đó hư hỏng hay không, tôi không cần biết, thứ tôi biết được ngay lúc ấy, chính người mẹ đã gieo rắc vào tâm trí của con mình những ý nghĩ tồi tệ về chính mình. Đó là một sự hạ gục tinh thần những đứa trẻ nhanh nhất, khi mà chúng đặt hết niềm tin vào người thân.

Từ chỗ gieo rắc sự thống khổ tinh thần, người mẹ đã làm ra những trò hành hạ đến cái hình hài mình từng mang nặng đẻ đau. Cái thân hình nhỏ bé kia đã chịu bao nhiêu cú đánh, bao nhiêu vết cắt, thậm tệ hơn là chịu sự nhục mạ khi bị mẹ dùng tã dính đầy chất thải giày xéo trên khuôn mặt. Có lẽ tôi sẽ không bao giờ quên được cái cảm giác cổ họng bắt đầu khô khan, rát và như bị xé rách, kéo căng đến nứt toác từng thớ thịt trong cổ họng khi bị mẹ nhốt trong phòng tắm và xả khí độc của đứa trẻ. Tôi của lúc ấy chính là đã khô rát trong cổ họng, cái nỗi uất phẫn khiến cổ họng tôi nghẹn ứ lại. Tôi nín thở. Tại sao đứa trẻ ấy có thể sống sót?

Nhưng nỗi đau lớn nhất mà đứa trẻ phải trải qua, tôi cho rằng đấy là sự đơn độc, một sự đơn độc đến đáng thương. Đứa trẻ bị biến thành đứa trẻ hư hỏng qua lời ngụy tạo của người mẹ. Nó đau đớn nghẹn nuốt sự quên lãng của tình yêu thương của người bố, niềm tin dần dà bị bóp chết khi không một ai tin nó. Nó quằn quại trong sự cô độc chính nó bị số phận buộc chặt. Nỗi đau thể xác không là gì so với nỗi đau bị xa lánh, bị bóng tối bủa vây. Không đời nào...

Có một đứa trẻ ngập ngụa trong nỗi đau nhưng vẫn cố đưa tay với lấy những kí ức về thuở còn hạnh phúc bên mẹ. Những kí ức hạnh phúc vẫn rõ mồn một trong tâm trí của đứa trẻ đáng thương đó. Trong kí ức của nó, mẹ từng là một người vui vẻ, từng là người chăm chút từng mẩu nhỏ trong cuộc sống, từng là người âu yếm, từng là người ôm ấp,... Những kí ức đấy thực đẹp, nó như là sợi tơ duy nhất còn sót lại để đứa trẻ không rơi vào vũng bùn tuyệt vọng. Nhưng cũng chính kí ức ấy khiến nó nghĩ rằng chắc nó sai, nó phải chịu đựng. Và rồi... những thứ đẹp đẽ như thế cũng mờ nhòe dần đi...

Những thứ đã trải qua có khiến đứa trẻ căm thù mẹ không? Câu trả lời là không. Không hề. Đây là tự truyện của tác giả, chính ông đã trải qua những bi thương trên nhưng mục đích ông viết chẳng phải và chưa bao giờ là để thù hận mẹ. Suốt cả những kí ức kinh hoàng, ông vẫn luôn gọi mẹ, mẹ, mẹ. Một tiếng gọi bi ai. Những đau đớn kia có thể xé rách con tim, để lại những vết thương nhầy nhụa máu mà dù có cầm cũng không thể hết cảm giác nhói buốt, nhưng tôi biết, người viết không mảy may có uất hận, chỉ có một khát vọng. Khát vọng tự do. Có chăng tất cả chỉ là những nỗi ám ảnh, có chăng viết là để xóa nhòa đi, vơi bớt đi những hơi thở nặng nề, những tâm tư hoảng loạn một thời. Thời gian không thể xóa đi nỗi đau nhưng thời gian có thể tiếp thêm mạnh mẽ để dũng cảm đối diện nỗi ám ảnh.

Tự do của đứa trẻ kia chính là được phép quên đi nỗi đau. Nhưng câu hỏi thổn thức: Mình đã được tự do ư? Liệu có phải đã thực sự tự do. Nỗi ám ảnh vẫn tồn tại ở đó cho đến khi người ta làm nó mờ nhòe đi thì tự do mới bắt đầu hiển hiện.

Review bởi Hải Yến - Bila Team

Có một nơi như thế, nơi mà gia đình bỗng chốc trở thành địa ngục, người mẹ trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng của một đứa trẻ, nơi mà đứa trẻ trở nên đơn độc hơn bao giờ hết – không nơi nương tựa

Facebook Instagram Youtube Twitter Google+ Top