Giỏ hàng

REVIEW “Khu vườn mùa hạ”: Tình Bạn Và Cái Chết

Mùa hạ, một mùa rực rỡ những màu sắc tươi đẹp trong cuộc sống và tâm trạng con người cũng rất tươi trẻ và năng động.

Nhưng cũng không thể không kể đến những khoảng lặng của tiết hạ, nếu có thể, một lần trong đời bạn hãy đọc cuốn sách “Khu vườn mùa hạ” của tác giả Kazumi Yumoto. Văn phong của Kazumi Yumoto lần này viết về trẻ con nhưng khiến cho cả người lớn cũng thấy cuốn hút.

Câu chuyện xoay quanh tình bạn kì lạ giữa bộ ba học trò và cụ già cuối phố. Wakabe, sống chung với mẹ trong chung cư và luôn khao khát một người bố, là một cậu bé khá kích động và hơi kì dị .Ba cậu nhóc lớp 6, Kyama – nhân vật kể lại chuyện, Yamashita và Wakabe. Tụi nó là bạn cùng lớp với nhau, Yamashita thì mập ú, Wakabe bố mất sớm nhưng lúc nào cũng kể về bố, mặc dù cậu ta không biết bố cậu ta như thế nào. Kyama, nhân vật chính nhưng không có gì đáng nói ngoài phần điềm tĩnh trong mọi chuyện hơn hai đứa bạn của cậu ta. Từ những tò mò của tuổi nghịch ngợm đã dẫn dắt 3 đứa tới một câu hỏi: “Người chết đi sẽ trông như thế nào?”. Và chúng nghe đồn gần đó có một ông cụ già yếu sống một mình trong một ngôi nhà cũ nát bèn theo dõi ông để chờ khi nào ông chết. Rồi để xem ông chết sẽ như thế nào?

Điều đó đã tạo nên một tình bạn đẹp, có lẽ cũng là do duyên số đưa đẩy...Tình bạn đó với những kỉ niệm son sắt đầy nhung nhớ. Tình bạn của họ vượt qua rào cản về tuổi tác. Họ đến với nhau từ những điều bình dị. Hằng ngày, hàng tuần khi đi học về lũ trẻ đều đến thăm người bạn của mình... Từ những suy nghĩ nghịch ngợm ban đầu mà giờ đây chúng lại bỗng được nhận một thứ tình cảm vô cùng quý giá. Nhưng có ai ngờ...

Sau một thời gian lui tới chơi với ông cụ, chúng nó đành tạm biệt ông cụ một thời gian để tham gia trại hè một tuần cuối tháng 5. Một tuần ấy trôi qua, chúng nó trở về. Ông cụ đã mất... Ông ra đi đột ngột, không nhắn gửi, không báo trước, lặng lẽ, nhẹ nhàng, thanh thản như chỉ là trải nghiệm một giấc ngủ vĩnh hằng.

“Chết có lẽ không phải việc quá kì lạ đâu. Vì ai rồi cũng sẽ chết mà”

Chúng nó là những đứa trẻ phát hiện ra ông chết đầu tiên. Giờ thì tò mò về người chết đi ra sao của chúng nó đã được giải đáp. Giờ đây nơi lui tới của chúng nó sau giờ mỗi học đã không còn. Chúng không còn được trò chuyện cùng ông, không còn đổ rác giúp ông, không còn giặt giũ, phơi đồ giúp ông,… Tất cả những gì chúng nó cảm thấy là sự trống rỗng. Mùa hạ. Vườn hoa cúc cánh bướm mà chúng cùng ông cụ gieo trồng đang độ đơm bông. Những bông màu sắc tươi rói vươn lên hứng lấy nắng sớm càng thêm rực rỡ. Nhưng ông cụ không còn để ngắm chúng?
Mọi thứ giờ đây bỗng chốc trống rỗng, hóa hư vô... Lại một cái kết buồn lấy đi bao cảm xúc người đọc.

“Thế nào thì…Nếu chết cô độc thì…
Sẽ như thế nào nhỉ. Không bạn bè, cũng không gia đình, nếu muốn nói lời trăng trối cũng chẳng có ai nghe. Có lẽ những lời đó sẽ hòa vào trong không khí căn phòng và nhanh chóng tan biến. Giống như chẳng nói gì. Cả những lời như “Tôi không muốn chết”, “Khó chịu quá”, “Đau quá”, “Khổ quá” hay “Tôi đã rất hạnh phúc” cũng không được chia sẻ”.

Quan niệm cái chết ở mỗi người là khác nhau, có người cho rằng: chết là biến mất hoàn toàn khỏi nhân gian nhưng người khác lại nghĩ: chết không phải là kết thúc, chết để ta viết thêm một cuộc đời tươi đẹp khác. Nhiều khi sự tiếc nuối, sự hoài niệm mới chính là cái mà người ta sợ hơn là những thứ như ma quỷ địa ngục. Nếu mà chúng ta không muốn nuối tiếc nhiều điều thì hãy cố sống hết mình sống thật trọn vẹn để bớt đi những điều trăn trở khi mà ta ra đi mãi mãi...

Nội dung: Đức Minh - Bila Team


Facebook Instagram Youtube Twitter Google+ Top