Giỏ hàng

REVIEW “Lại thằng nhóc Emil’’: Tuổi Thơ Của Một Thằng Nhóc Hiếu Động Và Bướng Bỉnh

Trẻ em là những gì quan trọng nhất của chúng ta! Nếu chúng ta muốn tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn, chúng ta phải bắt đầu từ con em chúng ta!

Tuổi thơ của các bạn là gì? Tuổi thơ của bạn như thế nào? Dữ dội? Vui tươi? Vậy bạn có nhớ rõ tuổi thơ của bạn?

Hôm nay, tôi muốn kể cho các bạn nghe về quyển sách đã gắn liền với tuổi thơ tươi sáng, tràn đầy tiếng cười của tôi. Đó là một cuốn truyện nổi tiếng khắp thế giới từ hồi tôi còn nhỏ cho đến tận bây giờ, một cuốn truyện thuộc thể loại văn học nước ngoài dành cho thiếu nhi mà bao nhiêu người yêu thích: “Lại thằng nhóc Emil” của tác giả Astrid Lindgren.

Astrid Lindgren là nữ sĩ văn nổi tiếng của Thụy Điển, các tác phẩm của bà đã được dịch ra gần 90 tiếng khác nhau trên thế giới, kể cả tiếng Việt. Nhiều nhân vật của bà được độc giả nhiều thế hệ trẻ trên thế giới ghi nhớ. Astrid Lindgren vẫn thường nói: "Trẻ em là những gì quan trọng nhất của chúng ta! Nếu chúng ta muốn tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn, chúng ta phải bắt đầu từ con em chúng ta!".Trong suốt cuộc đời 60 năm sáng tác, các truyện của bà về "Pippi Longstocking (Pippi cô gái tất dài)", "Emil", "Mardie", "Karlsson trên mái nhà", "Ronia con gái tên cướp", "Anh em Sư Tử Tâm" và còn nhiều nữa đã ảnh hưởng và tiếp tục còn ảnh hưởng nhiều thế hệ trẻ em ở Thụy Điển và trẻ em trên toàn thế giới.

“Lại thằng nhóc Emil’’ kể về một cậu bé tên là Emil, “sống ở làng Lönneberga. Đó là một thằng nhóc hiếu động và bướng bỉnh chứ không ngoan ngoãn được như các bạn, mặc dù trông nó dễ thương.” Cuốn sách như một bản “ tường thuật” những hành động, những trò đùa nghịch ngợm mà dân làng phải thốt lên rằng nó “nghịch như quỷ sứ” của Emil. Thế nhưng , nó không như những bản tường thuật nhàm chán khác, nó thú vị , hấp dẫn và lôi cuốn người đọc ngay từ trang đầu tiên bởi sự dẫn dắt , tình tiết câu chuyện thú vị, hài hước của tác giả. Cuốn truyện được chia làm các chương nhỏ với tựa đề là các ngày, tháng và những trò quậy phá của cậu bé tạo nên sự khác biệt và gây ấn tượng với độc giả.
Đọc truyện, chúng ta sẽ phải bật cười vì sự nghịch ngợm, đáng yêu của Emil. Từng trò đùa của cậu bé khiến ta vừa buồn cười, vừa chợt nhận ra những nét quen thuộc về tuổi thơ của chính mình, phải chăng mình đã từng nghịch ngợm tương đương như vậy? “Mọi người tha hồ chén thỏa thích, chẳng mấy mà liễn súp cạn sạch. Chỉ còn một hớp nhỏ ơi là nhỏ đọng lại dưới đáy liễn. Emil muốn ăn nốt hớp súp ấy, và muốn như thế chỉ có mỗi một cách chui đầu vào liễn súp để cố húp thôi. Thế là Emil làm liền, và mọi người lắng nghe tiếng nó húp trong liễn rõ mồn một.Nhưng rồi Emil định rút đầu ra, và - không thể tin nổi - nó không rút ra được. Đầu nó mắc kẹt trong đó. Sợ quá nó nhảy phắt dậy khỏi bàn và đứng đó với liễn súp như một chậu cây úp lên đầu, sụp xuống tận dưới mặt, che hết cả mắt lẫn tai. Emil vừa cố giằng cái liễn vừa gào toáng lên.”

Tất cả những trò nghịch ngợm của Emil đều được tác giả liệt kê rõ ràng từng ngày, tháng. Nhưng, như tôi nói, nó không gây cảm giác chán cho người đọc đâu, vì tác giả kể lại nó rất sinh động: “Hai ngày liền nó mê mải cưỡi ngựa chạy loăng quăng, nhưng sang ngày thứ ba tức ngày mồng 3 tháng Mười một, nó lại bắt đầu giở trò... Hô hô hô, cứ nghĩ đến đấy là tôi không sao nhịn được cười. Là thế này, đúng vào hôm đó, Emil đã… Thôi, dừng lại! Dừng lại! Tôi đã hứa với mẹ của Emil là sẽ không bao giờ kể cái thằng bé đã gây ra chuyện gì trong ngày mồng 3 tháng Mười một đấy, vì sau trò quỷ quái đó dân làng Lönneberga đã quyên góp tiền - bạn vẫn nhớ chứ - và muốn gửi Emil sang Mỹ. Sau này mẹ của Emil chỉ ước gì quên được mọi sự. Bà cũng không hề ghi lại chuyện này vào cuốn vở xanh, vậy thì hà cớ gì tôi lại phải kể ra đây nhỉ? Không, và thay vào đó bạn sẽ được nghe chuyện Emil đã làm gì trong ngày thứ Hai của lễ Giáng sinh.”

Tác giả Astrid Lindgren đã giúp tôi được một lần nữa trở về với tuổi thơ của mình, nơi yên bình và những trò chơi thú vị tuổi trẻ thơ…Vậy, bạn thì sao?

Nội dung: Ngọc Hà - Bila Team

Facebook Instagram Youtube Twitter Google+ Top