Giỏ hàng

REVIEW “Nếu biết trăm năm là hữu hạn”: Sống Không Uổng Phí

“Đừng để khi tia nắng ngoài kia đã lên, mà con tim vẫn còn băng lạnh. Đừng để khi cơn mưa kia đã tạnh, mà những giọt lệ trên mi mắt vẫn còn tuôn rơi. Thời gian làm tuổi trẻ đi qua nhanh lắm, không gì là mãi mãi, nên hãy sống hết mình để không nuối tiếc những gì chỉ còn lại trong quá khứ mà thôi”.

Đã bao giờ bạn tự hỏi mình sẽ sống đến bao nhiêu tuổi hay chưa? 70; 80; 90 hay 100 tuổi? Trong ngần ấy thời gian đủ để bạn làm những gì và những gì bạn chưa làm được? Lo lắng cho việc học, hối hả kiếm tiền, những giấc ngủ chập chờn thế thôi cũng đủ khiến ta đau đầu. Lúc đó phải làm gì? Ta vẫn cứ tiếp tục nghĩ nhưng thời gian chẳng đợi ta đâu. Nó cứ thế nhẹ nhàng lướt qua, nhanh như cắt, chẳng đợi ai chờ ai khiến nhiều lúc bạn phải thốt lên “Chao ôi giá như!”.

Thật may mắn“ Nếu biết trăm năm là hữu hạn” chính là chìa khóa cho thắc mắc bấy lâu. Bản thân tôi thực sự rất yêu thích cuốn sách này và nó đã thay đổi suy nghĩ của bản thân tôi rất nhiều. Tác giả của cuốn sách có bút danh là Phạm Lữ Ân. Và đó cũng là bút danh chung của cặp vợ chồng Đặng Nguyễn Đông Vy và Phạm Hữu Luận và đồng thời cũng chính là tác giả những bài viết nhẹ nhàng nhưng sâu sắc trên Chuyên mục Cảm thức của Bán nguyệt san 2! (số Chuyên đề của báo Sinh Viên Việt Nam) ngày xưa. Nhẹ nhàng mà sâu lắng đó cũng chính là yếu tố chính xuyên suốt tác phẩm “Nếu biết trăm năm là hữu hạn”. Những bài viết được kết tinh từ những trải nghiệm trong cuộc sống của cả vợ chồng tác giả nên nó rất giàu tính triết lý lại vừa giàu tình cảm. Nội dung từ cuốn sách chân thành đến nỗi khiến nhiều lúc ta tưởng chừng như đang đọc một cuốn tự truyện và nhân vật chính là tác giả vậy.

“Nếu biết trăm năm là hữu hạn” là tuyển tập 40 bài tản văn nho nhỏ về rất nhiều khía cạnh của cuộc sống. Một cuốn sách chưa tới 300 trang nhưng mỗi mẩu chuyện đều để lại trong mỗi chúng ta bao suy ngẫm đáng nhớ. Các chủ đề chính trong cuốn sách đều bắt nguồn từ cuộc sống nên khá là quen thuộc nhưng mang đậm tính triết lý. Dẫu là vậy nhưng các mẩu chuyện lại không hề khô khan, mang tính giáo điều và dường như ta cảm nhận được sự dung dị, dạt dào cảm xúc, nó thấm sâu trong ta đến lạ. Được như vậy là nhờ sự cảm nhận tinh tế của tác giả qua một lăng kính khác hoàn toàn mới mẻ.

Đó là 1 cuốn sách tuyệt vời cho bất cứ ai. Quyển sách dường như không dành cho riêng một lứa tuổi nào cả. Dành cho những chàng trai, cô gái tuổi thiếu niên chưa nhiều trải nghiệm: Học cách chia sẻ và yêu thương; Dành cho những chàng trai, cô gái khi đã trưởng thành: Làm sao để tìm ra mục đích đời mình và sống hết mình với nó; Dành cho cả những chàng trai, cô gái năm nào đã trở thành cha mẹ: Biết cách giữ cho con mình một mái “Nhà” bình yên và ai bất cứ ai thấy tâm hồn đang tổn thương, đau đớn có thể xem đây là một liều thuốc giảm đau và làm dịu đi những vết thương ấy, làm cho lý trí trở nên thoải mái và đưa ta đi đúng hướng, hướng mà ta luôn mong đến từ khi còn ấu thơ. Mới cầm cuốn sách thôi mà tiêu đề đã gợi lên trong ta bao suy nghĩ. Mỗi câu chuyện, mỗi câu văn tác giả dường như tái hiện lại trước mắt ta một triết lý, một quan niệm nhân sinh mặc dù cơ bản ai cũng biết nhưng đôi khi chính mỗi người vì một lý do nào đó mà quên mất hoặc đổ lỗi cho hoàn cảnh mà làm ngơ. Cách dẫn dắt rất bình dị vô cùng, nhưng cũng lôi cuốn không kém. Lấy sách ra đọc từng mẩu chuyện , đọc một lần rồi hai lần rồi đến ba lần rồi nhiều lần nữa, từng câu chữ như thấm sâu vào trong trí óc của chúng ta.Gấp cuốn sách lại ngẫm nghĩ, sau một thời gian lại lấy ra đọc một mẩu chuyện khác, cứ thế mà đã đọc hết quyển sách rồi nhưng những dư âm vẫn còn mãi còn mãi và chúng ta cứ muốn đọc đi đọc lại nhiều lần và thêm nhiều lần nữa.

Đó là 1 cuốn sách có sức lan tỏa mạnh mẽ. Quyển sách như đã chạm trực tiếp vào trái tim người đọc vì mọi câu chuyện, mọi sự kiện ta cảm thấy như đã từng diễn ra trong cuộc sống của chính mỗi độc giả. Tình bạn, tình yêu hay những suy luận vô cùng sâu sắc về định nghĩa “nhà là gì?”, tất cả len lỏi vào trái tim bạn đọc thật tự nhiên bằng lối viết nhẹ nhàng, dung dị mà thâm ý sâu xa. Thực sự mỗi chương là một bài học về nhận thức cho bất kì ai những người từng cầm cuốn sách lên và thưởng thức nó. Trong cuộc sống với bộn bề lo toan và vô vàn cạm bẫy này tưởng như xô đến và nuốt lấy chúng ta, con người ta cần sống với những suy nghĩ đẹp hơn, văn mình hơn.

Và cuốn sách “Nếu biết trăm năm là hữu hạn” đã đi giúp chúng ta gỡ từng nút thắt, từng câu chuyện, từng bài học lắng đọng dần lại trong tâm trí người đọc. Khi đọc “Nếu biết trăm năm là hữu hạn” tôi vẫn còn ấn tượng mãi với câu nói: “Đừng để khi tia nắng ngoài kia đã lên, mà con tim vẫn còn băng lạnh. Đừng để khi cơn mưa kia đã tạnh, mà những giọt lệ trên mi mắt vẫn còn tuôn rơi. Thời gian làm tuổi trẻ đi qua nhanh lắm, không gì là mãi mãi, nên hãy sống hết mình để không nuối tiếc những gì chỉ còn lại trong quá khứ mà thôi”. Liệu khi biết rằng “trăm năm là hữu hạn” liệu bạn vẫn cứ buồn bã và chấp nhận với thực tại để rồi lệ tuôn và tim băng lạnh? Với tôi câu trả lời chắc chắn là không. Tại sao ư? Bất kì vấp ngã nào trong cuộc sống cũng đều cho ta một bài học đáng giá. Bạn ạ! Vấp ngã dạy cho ta bắt đầu nhìn cuộc sống bằng một ánh mắt khác. Đôi mắt ấy có thể trở nên tinh tường hoặc mù quáng, điều đó phụ thuộc vào chính bản thân ta. Bạn đóng lại rất nhiều cánh cửa chỉ vì sự nhu nhược của bản thân. Bạn không nên lãng phí thanh xuân của bản thân như vậy. Thời gian vội vã lao đi; Cơ hội nảy sinh rồi tan biến… Vậy mà bạn vẫn chờ đợi và không dám thử cũng như những con chim non có đôi cánh mà đang sợ không dám bay lên. Cảm ơn tác giả Phạm Lữ Ân đã tốn không biết bao nhiêu ngày, bao nhiêu đêm để nhào nặn nên khối ngôn từ khiến cho ra tác phẩm hết sức cuốn hút và sâu sắc như vậy.

“Nếu biết trăm năm là hữu hạn” như dòng nước, còn ta sẽ là những chiếc thuyền. Nó cuốn ta đi nhẹ nhàng và sâu lắng như thế đấy, giúp bản thân mỗi chúng ta có lạc quan hơn về cuộc sống để ta biết phấn đấu hết mình vì những điều phía trước. Nó giúp ta có thêm lòng dũng cảm đương đầu và đón nhận vô vàn gian lao trắc trở phía trước của cuộc đời.

Nội dung: Đạt Trần - Bila Team


Facebook Instagram Youtube Twitter Google+ Top