Giỏ hàng

REVIEW “Những ngày thơ ấu”: Một Tuổi Thơ Cơ Cực

Tuổi thơ! Hai tiếng vang lên ...chao ôi... sao mà thân thương quá, chỉ nghĩ đến thôi mà bao nhiêu kỉ niệm ùa về. Nào là những lúc những lúc vui đùa cùng lũ bạn, những lúc được cắp sách tới trường, những lúc được bà cho tiền mua quà,... đặc biệt là được nhận tất cả sự yêu thương, đùm bọc từ cha mẹ và người thân. Thế nhưng không phải ai - đứa trẻ nào cũng được như thế. Trái lại, họ phải sống trong sự thiếu thốn, cô đơn đến rợn người. Và để hiểu rõ hơn mời bạn hãy cùng tôi du hành xuyên thời gian qua tác phẩm “Những ngày thơ ấu”.

“Những ngày thơ ấu” là một trong những truyện ngắn hồi ký thành công nhất của nhà văn Nguyên Hồng. Nói về Nguyên Hồng, ông cũng có một tuổi thơ cơ cực cùng mẹ còn cha thì mất sớm. Chính tuổi thơ ấy đã được ông truyền tải một cách chân thực nhất trong cuốn hồi ký “Những ngày thơ ấu”. Tuổi thơ của tác giả không êm đềm, nhẹ nhàng như dòng nước trôi đầu mùa xuân cũng không ấm áp như những tia nắng ấm đầu hạ, những câu chuyện được kể thật đau xót, đắng cay dưới ánh mắt của một tâm hồn trẻ dại. Hồi ký gồm 9 câu chuyện: Tiếng kèn, Chúa thương xót chúng con, Truỵ lạc, Trong lòng mẹ, Đêm nô-en, Trong đêm Đông, Đồng xu cái, Sa ngã, Một bước ngắn. Nhân vật chính xưng “tôi” và tên là Hồng. Mỗi câu chuyện được sắp xếp theo trình tự thời gian và sự thăng cấp bậc khó khăn, đau buồn, tủi cực trong cuộc sống của tác giả. Nhưng đằng sau bức màn đau buồn về tuổi thơ cơ cực của cậu bé Hồng chính là những lời văn miêu tả chân thật như những lời tố cáo sâu sắc đến xã hội phong kiến lúc đó.

Không phải ngẫu nhiên mà tôi tìm đến truyện này. Hôm ấy tôi mới lớp 8, vừa lúc tôi mới học xong văn bản “Trong lòng mẹ” - chính là một mẩu chuyện được trích từ truyện. Tôi khá là thích văn bản này nhưng tôi muốn hiểu thật sâu hơn, đầy đủ hơn về truyện cộng thêm lúc đó “máu thèm đọc” nổi lên cồn cào thế là về nhà tôi đòi ngay mẹ mua cuốn “Những ngày thơ ấu” của NXB Kim Đồng. Có sách là tôi lao ngay vào đọc. Cuốn sách cũng không dày lắm chưa đến 100 trang nhưng tôi cũng mất khá lâu để đọc hết cuốn sách - gần 1 ngày luôn bởi tôi sợ rằng đọc vội quá sẽ lờ đi, sẽ không thấu hiểu được những tủi cực, những rung cảm tinh tế chân thành nhất của một tâm hồn trẻ dại để rồi khinh mạt cậu bởi những bước đi lầm lỡ của cậu.

Một lưu ý nhỏ khi đọc và hiểu truyện là phải hòa mình vào dòng cảm xúc nhân vật mới có thể hiểu hết được, bởi ngôn ngữ mà tác dùng khá là xưa rồi. Đặc biệt, câu chuyện cuối “Một bước ngắn” thật sự đã làm tôi ám ảnh bởi sự đối đãi vô tình của người thầy giáo đối với Hồng, người thầy ấy thật cay nghiệt “Một cái tát trái đập mạnh vào mặt tôi bằng tất cả sức mạnh của con thú dữ điên cuồng lên. Lại một cái tát khác...”, “Đầu tôi đã quay tròn, máu mũi chảy ròng ròng”, ... Cậu bị đánh đập, hành hạ tàn nhẫn trong oan khuất bởi người thầy giáo kiêu ngạo và ích kỷ. Chính những điều đó đã nhóm lên trong lòng cậu những phẫn uất, căm hờn. Người đọc chắc hẳn sẽ chẳng thể nào kiểm nổi được nước mắt bởi lẽ tôi cũng đã từng như thế "…cái bàn tay của thầy giáo tôi đã dúi tôi vào cái góc tường hình phạt và không bao giờ nhấc tôi lên nữa. Tôi vùng đứng dậy, mê man, chạy như biến ra đường”. Chi tiết Hồng vùng đứng dậy, mê man, chạy như biến ra đường ở cuối cuốn hồi ký khiến tôi liên tưởng đến hình ảnh của chị Dậu vùng dậy, mở cửa chạy trốn khỏi tên quan trong tác phẩm “Tắt Đèn” của Ngô Tất Tố. Cả hai đều có điểm chung đều tối đen, u ám và dường như không lối thoát nào cho họ.

Thực sự đọc tác phẩm tôi như đang được du hành thực sự, khoảnh khắc giữa hiện thực và trang sách nó cách nhau chẳng còn là bao nữa. Tôi mê man nhớ lại về thời ấu thơ của mình mà lòng man mác bao nỗi buồn. Đọc tác phẩm mà sâu sâu trong ấy là bao nhiêu hàm ý sâu xa về những lời tố cáo đanh thép về xã hội cũ, về sự cơ cực của một kiếp người, về tình thương yêu mẹ mãnh liệt đáng quý.

Nội dung: Đạt Trần - Bila Team









Facebook Instagram Youtube Twitter Google+ Top