Giỏ hàng

REVIEW "Những tấm lòng cao cả": Cuốn Sách Không Dành Cho Riêng Ai Cả

Trong gia đình Enricô, tháng nào bố hay mẹ cũng viết cho con một lá thư, không phải vì đi đâu gửi về mà ngay trong nhà viết đưa cho con đọc và suy nghĩ; thư thì khuyên răn, thư thì cảnh cáo, có khi là trách mắng. Đó là những trường hợp phải “nói chuyện” với con một cách trang nghiêm.

Những tấm lòng cao cả là cuốn sách thiếu nhi. Nhưng bạn biết không, cuốn sách đó không chỉ dành riêng cho thiếu nhi mà nó còn là cuốn sách cho thầy giáo, cô giáo, cho bố mẹ học sinh và cả những người lớn trong xã hội nữa. Tác giả Edmondo De Amicis đã mượn bút của trẻ để nói chuyện với người lớn. Và qua đó ta sẽ thấy được biết bao bài học quý giá. Bên cạnh đó thì đọc sách cũng là một cách để người lớn cảm nhận về những suy nghĩ của con trẻ.

Cuốn sách được viết dưới dạng nhật ký của Enrico Bottini - một cậu bé 10 tuổi, học tiểu học ở Ý. Và những nhân vật trong cuốn nhật ký đó là các thầy giáo, cô giáo, là các bạn học, là bố mẹ của Enricô cùng với bố mẹ các bạn. Xen kẽ vào cuốn nhật ký của Enrico là “các truyện đọc hàng tháng” (thầy giáo yêu cầu học sinh chép để đọc cho cả lớp), đây là những câu chuyện kể về tấm gương những thiếu niên dũng cảm của nước Ý và cả những người có nghĩa cử cao đẹp. Cuốn Nhật ký được ghi trong vòng 10 tháng với hơn 80 câu chuyện khác nhau. Với mỗi câu chuyện hàm chứa biết bao cảm xúc của cậu bé 10 tuổi này, bởi vậy nó không hề khô khan hay tẻ nhạt. Mà trái lại, những cảm xúc chân thành ấy khiến cho người đọc phải suy ngẫm, lưu tâm.

Khi đọc cuốn sách này tôi cảm thấy ấm lòng hơn bao giờ hết, và tôi tin chắc rằng bạn cũng sẽ cảm thấy như vậy. Bạn sẽ thấy được những người cha, người mẹ vất vả mưu sinh nhưng họ chưa bao giờ thôi yêu thương, bao bọc và che chở cho những đứa con của mình. Bạn sẽ thấy được những người thầy giáo, cô giáo hết lòng vì thế hệ tương lai: “Cụ giáo Crôxetti sau 60 năm dạy học vẫn chưa muốn nghỉ - ở nước Ý thuở ấy, cô giáo, thầy giáo không có lệ phải về hưu. Nhưng vì run tay trót đánh rơi một giọt mực lên trang vở của học sinh, cụ đành phải xin về. Và cụ tâm sự: “Thật là cay đắng, cay đắng hết sức… tôi hiểu rằng cuộc đời của tôi như vậy là hết rồi, không có trường học nữa, không còn có sức trẻ nữa, tôi cũng không còn sống được bao lâu nữa”. Nhiều thầy cô giáo đã xem nghề của mình là lẽ sống, là cuộc đời”. Bên cạnh đó,những tình bạn tươi đẹp và hồn nhiên đã cho Enricô có những năm tháng đến trường đầy ý nghĩa. Cùng với đó, bạn cũng sẽ thấy được những đứa trẻ mang trái tim của dũng sĩ, quả cảm thực hiện những điều nghĩa hiệp.

Tôi rất ấn tượng với những bức thư mà bố mẹ của Enricô gửi cho cậu bé. “Trong gia đình Enricô, tháng nào bố hay mẹ cũng viết cho con một lá thư, không phải vì đi đâu gửi về mà ngay trong nhà viết đưa cho con đọc và suy nghĩ; thư thì khuyên răn, thư thì cảnh cáo, có khi là trách mắng. Đó là những trường hợp phải “nói chuyện” với con một cách trang nghiêm”. Dù biết những lá thư đó không dành cho tôi nhưng tôi vẫn luôn cảm thấy nó rất gần gũi. Gần gũi đến mức mà tôi cảm thấy những lá thư đó không chỉ dành riêng cho Enricô mà nó còn dành cho cả tôi nữa.

Mỗi cuốn sách đều ẩn chứa những thông điệp mà tác giả muốn gửi tới các bạn độc giả. Với cuốn “Những tấm lòng cao cả” Amicis muốn gửi gắm những bài học đạo đức sâu sắc cũng như vai trò quan trọng của nhà trường , cha mẹ trong việc dạy dỗ trẻ em. Hãy đọc và cảm nhận những thông điệp ý nghĩa đó nhé!

Nội dung: Xuân Sang - Bila Team

Facebook Instagram Youtube Twitter Google+ Top