Giỏ hàng

REVIEW "Ông già và biển cả": Con Người Và Thiên Nhiên - Ai Mới Là Kẻ Chịu Khuất Phục

Con người chúng ta luôn luôn phải tham gia những cuộc đấu tranh gay gắt với thiên nhiên, những cuộc đấu tranh tưởng chừng không có hồi kết, những cuộc đấu tranh không hề cân xứng, nhưng nếu chúng ta quyết tâm, nếu chúng ta có niềm tin thì chúng ta có thể thắng, thắng cái khốc liệt của thiên nhiên và thắng cả cái khó khăn của cuộc đời.

Tác phẩm “Ông già và biển cả” của tác giả người Mỹ Ernest Hemingway có tên tiếng Anh là The Old Man and The Sea. Nó được đánh giá là một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của ông khi sử dụng nguyên lý “tảng băng trôi”.

Đọc truyện, mình như bị cuốn cùng vào dòng chảy nhịp điệu của tác giả, khi thì nhẹ nhàng, dung dị bởi những thói quen hằng ngày của ngư dân làng chài, khi thì lại mạnh mẽ, dữ dội như mặt biển những ngày có bão, đôi lúc lại khô khan, cục cằn đến đỗi khó nhọc bởi hình ảnh già nua và luôn độc thoại một mình của ông lão đánh cá.

Ông lão đánh cá có tên là Santiago. Tác giả đã miêu tả ông một cách chân thực đến trần trụi: “Ông lão gầy gò, giơ cả xương, gáy hằn sâu nhiều nếp nhăn. Những vệt nám vô hại trên làn da má của lão do bị ung thư bơi ánh mặt trời phản hồi trên mặt biển nhiệt đới... Mọi thứ trên cơ thể lão đều toát lên vẻ già nua, trừ đôi mắt, chúng có cùng màu với nước biển, vui vẻ và không hề thất bại.”

Tiếp sau đó, là hành trình chinh phục con cá kiếm khổng lồ của ông lão, bắt đầu từ việc ông lão ra khơi – nơi vùng biển mang tên Giếng lớn, rồi ông lão phải vật lộn để chiến đấu ba ngày đêm với con cá ấy. Nó là quà tặng của bà mẹ thiên nhiên, nó to lớn, nó hùng vĩ, và nó cũng vô cùng đẹp “Ông lão có thể nhìn thấy thân hình đồ sộ và những sọc tím sẫm trên mình nó. Cánh vi trên lưng xếp lại, còn bộ vây to lớn bên sườn đang xòe rộng.” Lão luôn nhắc nhở mình phải tỉnh táo, lão không thể thua, lão phải chứng minh cho người dân làng chài thấy được rằng lão không phải là lão già vô dụng, lão vẫn là một tay săn cá cừ khôi. Mặc dù giờ lão cảm thấy thật tệ, cơn đau chuột rút hành hạ lão, nhưng lão luôn nhắc nhở mình “hãy tỉnh táo, mày khỏe, mày sẽ luôn khỏe”. Bằng niềm tin, bằng khát vọng, lão đã thắng, lão đã dùng lao và đâm chết con cá, rồi buộc nó vào mạn thuyền và lôi về. Tưởng chừng như vậy đã là kết thúc, nhưng không, cuộc sống vẫn chứa đựng đầy rẫy những khó khăn, những hiểm nguy. Con cá kiếm của lão trên đường trở về đã bị lũ cá mập xấu xa ăn thịt gần hết, để lại thành quả cho lão là bộ xương bạc trắng khổng lồ.

Và giờ lão thấy buồn, lão thấy mình không được may mắn nữa. Sau tất cả những nỗ lực, những cố gắng, thậm chí lão đã luôn chiến đấu đến cùng, lão đã đuổi và giết được vô số con cá mập hung dữ, nhưng bù lại lão chỉ nhận được bộ xương của kẻ mà cùng lão ngày đêm lênh đênh trên biển. Phải chăng lão mới là kẻ thua cuộc.

Không! Lão không thua! Lão không hề thua!

Kẻ thua là chính là con cá kiếm khổng lồ ấy, là lũ cá mập xấu xa kia. Chúng mới những kẻ chịu khuất phục. Chúng khuất phục bởi sự kiên cường, bền bỉ của lão. Chúng không thể so bì được với kho tàng kinh nghiệm và lòng yêu nghề của lão. Và chúng cũng không thể đấu lại được với khát vọng cháy bỏng muốn chinh phục thiên nhiên của lão. Lão hoàn toàn chiến thắng. Ở lão, ta thấy sáng lên một chân lý “Con người sinh ra không phải để thất bại. Con người có thể bị hủy diệt chứ không thể bị khuất phục.”

Con người chúng ta luôn luôn phải tham gia những cuộc đấu tranh gay gắt với thiên nhiên, những cuộc đấu tranh tưởng chừng không có hồi kết, những cuộc đấu tranh không hề cân xứng, nhưng nếu chúng ta quyết tâm, nếu chúng ta có niềm tin thì chúng ta có thể thắng, thắng cái khốc liệt của thiên nhiên và thắng cả cái khó khăn của cuộc đời.

Hãy cùng đọc và cảm nhận chân lý ấy từ tác phẩm truyện này nhé!

Nội dung: Thanh Thanh - Bila Team

Facebook Instagram Youtube Twitter Google+ Top