Giỏ hàng

REVIEW "Ông già và biển cả": Hành Trình Vĩ Đại Của Một Con Người Thất Bại

Không chối bỏ sự tồn tại của yếu tố may mắn nhưng Santiago cũng chẳng dựa dẫm và coi nó như lí do cho sự lười biếng. Ông luôn chuẩn bị chu đáo "để khi may mắn đến, mình đã sẵn sàng".

Nhắc đến tiểu thuyết, ta thường mặc định đó là những bộ sách đồ sộ hàng trăm, hàng nghìn trang nhưng "Ông già và biển cả" của Ernest Hemingway không như vậy. Cuốn sách mỏng, nhưng nội dung ẩn chứa của nó mới thực sự "dày".

Có lẽ bạn từng nghe qua Nguyên Lí Tảng Băng Trôi (Iceberg Theory) 3 phần nổi 7 phần chìm: đằng sau sự súc tích, kiệm lời của câu văn là tầng tầng lớp lớp ý nghĩa sâu sắc mà tác giả ẩn giấu. "Ông già và biển cả" cũng không ngoại lệ. Nếu chờ đợi một bản tóm tắt, chắc hẳn bạn sẽ thất vọng. Câu chuyện chẳng có gì đáng kể, chỉ là lão đánh cá già Santiago và chuyến ra khơi đánh cá thất bại, lão để lũ cá mập Galanos chén sạch con cá kiếm khổng lồ của mình và vào bờ với bộ xương cá đồ sộ không còn chút thịt. Vậy tại sao cuốn sách mỏng cùng câu chuyện giản đơn lại có thể đạt giải Pulitzer và Nobel Văn Học, trở thành đỉnh cao trong sự nghiệp của Hemingway? Tất nhiên là nhờ "7 phần chìm" của tác phẩm rồi!

Tại sao ở tiêu đề, tôi lại viết đây là viết về "Hành trình vĩ đại của một con người thất bại"? Thất bại có gì đáng để tự hào? Ông lão đánh cá Santiago trong một đời ôm giấc mộng chinh phục biển cả nhưng chưa vẹn. Ông muốn lần ra khơi này sẽ may mắn có được con cá ra trò. Chuyến đi biển gần như cuối cùng trong đời thực sự là một cuộc vật lộn. Santiago cũng như mọi nhân vật khác trong hệ tác phẩm của Hemingway - những người mang đặc trưng của chủ nghĩa khắc kỷ (stoicism – chủ nghĩa chấp nhận nghịch cảnh). Tuổi già, kiệt sức, vết thừng cứa sâu nơi lòng bàn tay, sự tấn công dồn dập của lũ cá mập Galanos và trở lực lớn nhất: Dường như giấc mơ này quá tầm với rồi. Đó là hành trình của một con người thất bại nhưng luôn là hành trình vĩ đại bởi ông lão Santiago dám theo đuổi và không từ bỏ khát vọng ban đầu. Nếu theo motif thông thường, ông sẽ chiến thắng, mang về con cá kiếm khổng lồ khiến bao người kinh ngạc, trở thành hình mẫu tiêu biểu. Nhưng đây là văn, cũng là đời. Santiago vượt qua mọi khó khăn mà chỉ nhận lại bộ xương cá kiếm đã bị lũ cá mập rỉa hết thịt, nhận lại cả cay đắng, thảm hại và sự tự nhạo báng. Trong con mắt người khác, có những người như Santiago suốt đời chỉ ôm bộ xương cá kiếm. Nhưng dù ước mộng bất thành, con người vẫn tham vọng theo đuổi hành trình nhọc nhằn, mệt mỏi để chứng minh mình:

"Con người có thể bị huỷ diệt nhưng không thể bị đánh bại".

Không mang được con cá về nguyên vẹn, nhưng ông Santiago thanh thản vì mình đã nỗ lực hết sức, bộ xương chính là minh chứng. Trong tác phẩm, hình ảnh giấc mơ về những con sư tử châu Phi trở đi trở lại trong tâm trí lão, trước khi ra khơi, khi lão kiệt sức trên biển vì vật lộn với lũ cá mập và ở kết thúc truyện, Santiago nằm vật trên chiếc giường cũ mèm lót báo, hai bàn tay ngửa ra, lão mơ về những con sư tử. Sư tử - chúa sơn lâm: là biểu tượng của sức mạnh, uy quyền. Từ khi chưa có gì trong tay ngoài hi vọng cháy bỏng, khi bắt được cá kiếm khổng lồ, đánh trả lũ cá mập tấn công và cả khi chỉ còn bộ xương cá quay trở về, lão luôn mơ tới sư tử. Có lẽ, chính Santiago cũng như chúa sơn lâm kia, ông là chúa tể biển khơi.

Không chối bỏ sự tồn tại của yếu tố may mắn nhưng Santiago cũng chẳng dựa dẫm và coi nó như lí do cho sự lười biếng. Ông luôn chuẩn bị chu đáo "để khi may mắn đến, mình đã sẵn sàng".

Đó chỉ là một tầng trong tầng tầng lớp lớp ẩn ý trong tác phẩm mà nhà văn gửi gắm. Đọc và cảm nhận chính là quá trình độc giả tự mình lí giải những tầng sâu ấy. Còn bạn, bạn đã tìm được tầng sâu nào?

Nội dung: Bảo Ngọc - Bila Team
Ảnh: Thanh Thư - Bila Team
Facebook Instagram Youtube Twitter Google+ Top