Giỏ hàng

REVIEW “Tôi kể em nghe chuyện Trường Sa”: Khám Phá Quần Đảo Trường Sa

Không chỉ đẹp ở trời biển, mà dưới đáy biển Trường Sa cũng có muôn vàn điều hay ho. Những đàn cá muôn loài muôn sắc và hình thù. Những chú tôm kềnh càng đủ cỡ. Những loài ốc “vừa đẹp vừa ngon” không vùng biển nào có được… Rồi những “thím sò” trầm tích đáy biển, những chú vích khù khờ chậm chạp và hiền lành, tất cả tạo nên một thế giới biển đẹp tuyệt vời.

”Hình ảnh anh bộ đội cụ Hồ từ xưa đến nay luôn là hình ảnh đẹp và cao quý trong mỗi người dân Việt Nam, trong mắt bạn bè quốc tế. Đó là hình ảnh Anh bộ đội Cụ Hồ trở về từ trong chiến tranh, anh bộ đội Cụ Hồ đã yên nghỉ giữa lòng đất mẹ. Dù là ai nhưng đều gợi cho chúng ta thấy được những mất mát, đau thương và sự hy sinh đã được viết lên bao câu chuyện huyền thoại về người lính, về những ký ức hằn sâu từ trong chiến tranh đó là những hố bom của quân thù, hàng vạn thanh niên lên đường ra trận dâng hiến tuổi xuân và nhiệt huyết cho nền hoà bình. Và sự thật, mỗi chúng ta, khi nghĩ về người lính đều dạt dào cảm xúc của lòng tự hào và biết ơn các anh, những người đã từng chịu nhiều gian khổ, hy sinh nhiều nhất. Các anh đã đi vào hồn thiêng sông núi để Tổ quốc Việt Nam được hưởng trọn những Mùa xuân ! Chúng ta hãy luôn khắc ghi và biết ơn các anh và luôn kế thừa truyền thống đạo lý " Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc, chúng ta hãy noi gương các anh hùng liệt sĩ có tấm lòng hy sinh vì đất nước”

Bằng những trải nghiệm rất thực về vùng biển đảo này, tác giả Nguyễn Xuân Thủy đã bày tỏ cảm xúc của mình qua những cuốn sách: Biển xanh màu lá, Nhắm mắt nhìn trời, Trong mênh mang bầu trời, Hoa biển và đặc biệt là bút ký “Tôi kể em nghe chuyện Trường Sa”. Cuốn sách đã đạt giải Vàng sách hay năm 2012 của Hội xuất bản Việt Nam.

Ấn tượng đầu tiên của tôi về cuốn sách là cách trang trí sách. Đập vào mắt chúng ta là ngọn hải đăng khổng lồ, mây trời, những chú chim hải âu sải cánh bay lượn” để tạo cảm giác phóng khoáng hơn, tất cả tạo nên một bức tranh thiên nhiên hài hòa về màu sắc. Bên tay trái là dòng chữ “Tôi kể em nghe chuyện Trường Sa”

Cuốn sách được ví như một tour du lịch đơn giản thông qua cuốn sách. Chuyến du lịch đặc biệt ấy gồm 66 câu chuyện và được chia làm 6 chủ đề chính: Ra đảo, Mùa biển lặng, Mùa biển động, Kì thú biển trời Trường Sa, Thám hiểm đáy biển Trường Sa và Những người giữ đảo.

Mỗi phần là những mẩu chuyện nhỏ, chứa đựng đầy đủ nội dung, giới thiệu về thiên nhiên, cây cối, loài vật, con người trên Quần đảo này, được trình bày rất gọn gàng, sạch sẽ, thẳng hàng.

Những câu chuyện sinh hoạt hàng ngày sẽ được thuật lại nhưng tạo cảm giác mới mẻ, vì đây là tàu thủy ra Trường Sa mà! Ấy là chưa kể trên hải trình ra Trường Sa, ta còn được nhìn thấy những chú cá biết bay, những chú cá heo thân thiện… và đặc biệt là cảm giác “say đất” khi đặt chân lên đảo.

“Ở Trường Sa có thể chia ra làm hai mùa, mùa biển động và mùa biển lạng. Mùa biển lặng là mùa có nhiều thứ đáng nhớ với mỗi người ở đảo. Mùa mà con người và thiên nhiên Trường Sa có thể chung sống hài hoà, mùa biểu hiện rõ nhất sự cộng sinh thiên nhiên ưu ái, lòng người thư thái, cảnh vật chan hoà. Những ai lãng mạn, ưa nhẹ nhàng thì rất hợp với biển lặng, còn những người cá tính và ưa mạo hiểm thì có lẽ nên chờ đến mùa biển động. Đó chính là Trường Sa trong mùa biển động. Một hình dung khác về Trường Sa với sự hung dữ, mạnh mẽ và khắc nghiệt của thiên nhiên nơi đây. Nhưng quan trọng hơn là trước những điều kiện khó khăn ấy, còn người Trường Sa đã ứng xử với thiên nhiên như thế nào để tồn tại?”

Ở Trường Sa, Mùa biển lặng khác với Mùa biển động và Nguyễn Xuân Thủy đã có nhiều câu chuyện cụ thể với những miêu tả tỉ mỉ về hai mùa biển này. Sóng và cát, cây bàng vuông, cây bàng tròn, cây phong ba, cây bão táp đều đã tạo nên mùa biển lặng khó phai trong lòng du khách và con người nơi đây. Ngược lại như thế, mùa biển động là nơi giành cho ai thích mạo hiểm. Tất cả đều dữ dội, những đợt áp thấp nhiệt đới liên tục kéo về và cái Tết ở Trường Sa không thể đầy đủ như ở đất liền. Nơi đây thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần. Những món quà từ đất liền là nguồn cổ vũ lớn lao cả về vật chất lẫn tinh thần đối với những người lính trên đảo Trường Sa đang ngày đêm bảo vệ tổ quốc.

Không chỉ vậy, ở nơi đây còn có nhiều cảnh vật đẹp, các hiện tượng thiên nhiên kì thú mà chỉ có những người nơi đây mới được chứng kiến. Như những chiếc “vòi rồng” như quái vật, những chiếc cầu vồng lộng lẫy bắc qua biển, những sắc màu nước biển biến ảo theo thời tiết v.v..

Không chỉ đẹp ở trời biển, mà dưới đáy biển Trường Sa cũng có muôn vàn điều hay ho. Những đàn cá muôn loài muôn sắc và hình thù. Những chú tôm kềnh càng đủ cỡ. Những loài ốc “vừa đẹp vừa ngon” không vùng biển nào có được… Rồi những “thím sò” trầm tích đáy biển, những chú vích khù khờ chậm chạp và hiền lành, tất cả tạo nên một thế giới biển đẹp tuyệt vời.

Cuộc sống nơi đây, là những câu chuyện về các chú lính hải đảo ngày ngày cầm súng, canh giữ vững chắc một phần đất trời thiêng liêng của Tổ quốc, rồi những người dân hăng hái tăng gia sản xuất, xây dựng huyện đảo giàu đẹp. Ngoài các chú bộ đội, người dân thì còn có cán bộ thủy văn, khí tượng, cô giáo và những em học sinh nhỏ lí xí với những nụ cười không bao giờ ngớt trên môi. Những câu chuyện thường ngày ở đảo của họ thì nhiều vô kể và thú vị vô cùng…

Vậy là chuyến du lịch đã đưa các độc giả đến vùng đất thiêng liêng của tổ quốc, thắp thêm tình yêu Tổ quốc. Đặc biệt rằng, ở cuối cuốn nhà văn còn dặn các độc giả nhớ viết thư cho các chú bộ đội theo địa chỉ ghi sẵn: “Kính gửi các chú bộ đội Trường Sa – Tỉnh Khánh Hòa”, bởi việc nhận thư đối với các chú bộ đội là một niềm vui rất lớn.

Vâng! Ít có nhà văn nào hiểu am hiểu như Nguyễn Xuân Thủy. Chẳng phải chính anh đang viết về một phần cuộc đời mình?! Tất cả đều đơn giản, không phô trương màu mè, tóm tắt sách một cách ngắn gọn khiến những độc giả bị hút vào chúng. Đọc để hiểu được nỗi vất vả của họ.

Nếu là người có ấn tượng đặc biệt về Trường Sa, muốn đến trực tiếp nơi đây nhưng vì một số lí do cá nhân mà bạn không thể có mặt được, thì cuốn sách chính là một “tour” du lịch vừa miễn phí, vừa gián tiếp giúp bạn hiểu về Trường Sa, đồng thời có thể du lịch qua những trang sách nhỏ. Thế nào, các bạn đã sẵn sàng rồi chứ……

Nội dung: Trâm Lê - Bila Team

Facebook Instagram Youtube Twitter Google+ Top