Giỏ hàng

REVIEW Tottochan – Cô bé ngồi bên cửa sổ

“Tottochan – Cô bé ngồi bên cửa sổ” là một cuốn sách quen thuộc với độc giả Việt Nam. Không chỉ hấp dẫn với thiếu nhi như một câu chuyện về cô bé Tottochan giàu trí tưởng tượng và tinh nghịch, cuốn sách còn đưa ra những quan điểm về một nền giáo dục toàn diện và đáng mong ước.

Có thể coi “Tottochan – Cô bé ngồi bên cửa sổ” như một cuốn tự truyện của nữ tác giả Tetsuko Kuroyanagi về thời thơ ấu và trường tiểu học của bà – trường Tomoe.

Câu chuyện mở ra với nhân vật chính, cô bé Tottochan, vừa mới đi học lớp một đã bị đuổi học. Tottochan là một cô bé đặc biệt, luôn tràn đầy năng lượng và những trò tinh nghịch như mở ra đóng vào nắp bàn không ngừng, gọi những người hát rong đến cửa sổ lớp học, nói chuyện với những con chim nhạn trong giờ học… Vì vậy mà giáo viên không thể quản lý nổi em và yêu cầu em chuyển trường khác. Mẹ của Tottochan rất lo lắng khi đưa em đến trường Tomoe, nhưng thầy hiệu trưởng đã quyết định nhận Tottochan.

Trường Tomoe là một ngôi trường trong mơ, nó không giống với bất cứ một trường học nào khác. Cổng trường chỉ là hai gốc cây vẫn còn rễ, còn các phòng học là những toa tàu cũ. Trường chỉ có khoảng năm chục học sinh, từ lớp một đến lớp sáu. Trong lớp học, các học sinh có thể ngồi ở chỗ nào tùy thích và bắt đầu học bất cứ môn nào các em muốn. Trong giờ ăn trưa, thay vì nói lời mời, các em hát một bài hát do thầy hiệu trưởng sáng tác ra và mỗi ngày, một học sinh sẽ đứng lên kể một câu chuyện cho cả trường. Vào buổi chiều, thay vì ngồi học, các em được đi dạo đến những cánh đồng và ngôi đền gần trường, trong chuyến đi cô giáo kết hợp dạy cho các em những kiến thức về thiên nhiên. Thay vì đặt ra những quy định hà khắc, trường khuyến khích các em tự do phát triển và khám phá. Các em bị khuyết tật cũng được trường cố gắng tạo môi trường để các em có thể hòa đồng và tự tin về bản thân mình.

Tất cả những điều tuyệt vời ở trường Tomoe đều do thầy hiệu trưởng Kobayashi nghiên cứu và đưa vào áp dụng. Thầy hiệu trưởng là người nhân hậu, tâm huyết và rất yêu trẻ nhỏ. Quan điểm giáo dục của thầy là cho các em môi trường để phát triển tự do, được bình đẳng và tôn trọng. Thầy là người lớn duy nhất có thể chăm chú lắng nghe Tottochan kể chuyện trong bốn giờ, là người nhìn thấy Tottochan xúc thùng phân trong giờ học để tìm cái ví đánh rơi nhưng không ngăn cản mà chỉ yêu cầu em phải dọn lại sau khi đã tìm xong. Vì vậy, các em học sinh trong trường đều yêu quý thầy như một người cha thứ hai.

Thầy Kobayashi và trường Tomoe đã tạo ra một khoảng trời nhỏ bé, trong lành che chở cho các em được khám phá và phát triển khi ở ngoài kia, tình hình chính trị trở nên căng thẳng và Chiến tranh thế giới thứ hai sắp nổ ra. Ngay cả khi chiến tranh đã đến, lương thực và những niềm vui ngày càng ít dần đi, thì ở trường Tomoe sự hồn nhiên vẫn tiếp tục tồn tại. Cho đến khi những quả bom rơi xuống, đốt cháy trường, Tottochan phải tạm biệt Tomoe để đi sơ tán.

Trường Tomoe, mặc dù chỉ tồn tại ngắn ngủi nhưng đã để lại dấu ấn khó phai trong kí ức các học sinh. Thành công của quan điểm giáo dục Tomoe được minh chứng bằng cuộc sống sau này của các học sinh. Một số rất thành đạt như tác giả Tetsuko – một nhân vật nổi tiếng trên truyền hình, hay Taichan – một nhà vật lý học định cư ở Mỹ. Một số khác trở thành giáo viên, bác sĩ , kĩ sư, nhà thơ và người nội trợ. Thậm chí có người còn không học theo học gì sau khi học ở Tomoe. Nhưng họ đều có cuộc sống viên mãn và hạnh phúc, và có lẽ đó là mục tiêu lớn nhất của của thầy Kobayashi khi lập ra trường tiểu học Tomoe.

Review bởi Bùi Hân - Bila Team

“Tottochan – Cô bé ngồi bên cửa sổ” là một cuốn sách quen thuộc với độc giả Việt Nam. Không chỉ hấp dẫn với thiếu nhi như một câu chuyện về cô bé Tottochan giàu trí tưởng tượng và tinh nghịch, cuốn sách còn đưa ra những quan điểm về một nền giáo dục toàn diện và đáng mong ước.

Facebook Instagram Youtube Twitter Google+ Top