Giỏ hàng

REVIEW Tuổi nước độc

Chiến tranh, sự sống, cái chết, tuổi trẻ và những thanh âm lặng im. Những điều tưởng chừng không liên quan đến nhau lại quyện vào nhau, vừa hài hòa đến kì dị vừa như muốn chối bỏ sự tồn tại của điều còn lại. Tất cả hiện lên chân thực và sinh động dưới ngòi bút của Dương Nghiễm Mậu trong “Tuổi nước độc”.

“Tuổi nước độc” viết về chiến tranh, nhưng không phải là chiến tranh lửa đạn khốc liệt mà là cái chiến trong trong lòng người. Đất nước ngập trong khói lửa, còn lòng những thanh niên như Ngạc, như bạn bè Ngạc lại băn khoăn “có phải chúng ta bất cứ ai cũng phải gạt bỏ những ràng buộc nhỏ bé để trở thành kẻ phi thường chăng? Hay là chúng ta đang sống trong một cơn mê sảng bị chài ngải bởi những tên phù thủy...”. Những người trẻ muốn cất lên một thanh âm tuổi trẻ để chứng tỏ mình không phải hư vô nhưng thều thào chẳng được, tất thảy đều lặng im đến vô vọng.

Câu chuyện xoay quanh cuộc sống của Ngạc – nhân vật “tôi” trong tác phẩm. Ngạc có hoàn cảnh đặc biệt, và có lẽ là bất hạnh. Mẹ Ngạc mất từ khi anh hai tuổi, cha anh đau buồn hóa điên rồi đi lang bạt. Anh còn có hai người em cũng cha khác mẹ, những kẻ mà anh bao giờ cũng ghét và muốn chối bỏ. Và rồi cũng chính một người em cùng cha khác mẹ ấy đã gây nên vết sẹo khiến khuôn mặt Ngạc biến dạng đến dị dạng, khiến người ta kinh hãi. Lớn lên với người ông tằn tiện làm nghề cho vay lãi, anh bực bội, anh ghê tởm và sợ hãi. Anh sống ở nơi người ta gọi là “gia đình” nhưng luôn cảm thấy mình là khách.

Song có phải Ngạc đã lầm? Anh đổ lỗi cho gia đình mình, anh ghê sợ người ông đã nuôi nấng mình và chẳng màng tới chú thím hay cháu mình. Anh nghĩ anh có thể tốt hơn nếu được sống lên trong một hoàn cảnh thanh lành hơn. Song có phải vậy không? Chính anh vẫn không trả lời được, vẫn trăn trở để rồi lúc anh rời bỏ nó, lúc anh chào tạm biệt người ông của mình, lúc anh giết thím để giải thoát cho thím khỏi cuộc sống “không bằng chết”... anh vẫn băn khoăn.

Xuyên suốt tác phẩm, Dương Nghiễm Mậu duy trì giọng văn lạnh lùng, tỉnh táo và đầy lí trí. Bằng điểm nhìn của nhân vật “tôi”, nhà văn đã suy tưởng về gia đình, về mối quan hệ giữa người với người, về chiến tranh. Thế giới được nhìn từ một gia đình nhỏ, một vùng đất nhỏ mà mở ra bao lơn. Câu chuyện của một thanh niên trong thời khắc chiến tranh lại là câu chuyện của biết bao thanh niên trong thời đại bấy giờ. “Tuổi nước độc” có thể chưa phải là tác phẩm xuất sắc nhất của Dương Nghiễm Mậu song cũng phần nào ghi dấu ấn của nhà văn trong lòng độc giả.

Đọc tác phẩm, ta nhận ra có lúc chết đi lại tốt hơn là sống, lang bạt lại tốt hơn có một gia đình, người ta phải chịu đựng nhau nhưng vẫn ở cùng nhau vì cần nhau để sống ở đời này... Sự sống là gì? Cái chết là thế nào? Điều gì sẽ cứu chuộc những tâm hồn lạc lối, những kẻ ở tuổi nước độc? Làm thế nào người ta có thể sống có ý nghĩa, người ta có thể thương yêu kẻ khác? Làm thế nào, làm thế nào đây?

Review bởi Thu Thảo - Bila Team

Chiến tranh, sự sống, cái chết, tuổi trẻ và những thanh âm lặng im. Những điều tưởng chừng không liên quan đến nhau lại quyện vào nhau, vừa hài hòa đến kì dị vừa như muốn chối bỏ sự tồn tại của điều còn lại. Tất cả hiện lên chân thực và sinh động dưới ngòi bút của Dương Nghiễm Mậu trong “Tuổi nước độc”.

Facebook Instagram Youtube Twitter Google+ Top