Giỏ hàng

REVIEW "Túp lều bác Tom": Tiếng Nói Của Những Nô Lệ Da Đen

Trong cái tối tăm của số phận sáng lên vẻ đẹp con người. Trong cái lạnh lẽo của hoàn cảnh vẫn ấm áp tình yêu thương. Cho dù nước da họ có đen đúa, cho dù số phận của họ có khốn khổ thế nào thì họ vẫn mặc. Họ vẫn là những con người với vẻ đẹp tâm hồn không thể khuất phục.

“Túp lều bác Tom” - Harriet Beecher Stowe ra mắt độc giả năm 1852 đã trở thành một trong những cuốn tiểu thuyết bán chạy nhất trong thế kỷ 19, trong tuần đầu tiên phát hành, 5.000 bản đã được bán sạch, trong năm đầu tiên sau khi xuất bản, 300.000 bản được bán hết chỉ tính riêng ở Hoa Kỳ mặc dù cuốn tiểu thuyết bị cấm tại các bang miền Nam nước này. Cuốn sách quan trọng đến mức, khi Tổng thống Abraham Lincoln gặp tác giả Stowe vào năm 1862 đã chào mừng bà bằng câu nói nổi tiếng: "Hóa ra bà chính là người phụ nữ nhỏ bé đã viết cuốn sách làm bùng lên cuộc chiến tranh vĩ đại".

Điều gì đã làm nên thành công vang dội cho tác phẩm này? Hãy cùng tôi khám phá nhé!

Câu chuyện của nô lệ da đen.

“Túp lều bác Tom” kể về cuộc đời của nhân vật bác Tom vì gia đình ông chủ Senbi túng quẫn mà phải bán bác đi. Bác là một người trung thực, ngay thẳng, biết trọng danh dự. Nhưng cuộc đời bác là một chuỗi ngày đen tối và đầy tủi nhục. Bác phải lìa bỏ vợ con, bị bán từ nơi này qua nơi khác, bị đánh đập tàn nhẫn. Cuối cùng, vì bảo vệ nhân phẩm của mình, bác Tom bị đánh chết trong một đồn điền trồng bông khủng khiếp ở miền Nam nước Mỹ, nơi chôn vùi bao cuộc đời lầm than của những người nô lệ da đen.

Nhân vật bác Tom là nhân vật điển hình cho những người da đen vào thời kỳ đó. Họ không có quyền của một con người mà bị coi là một món hàng hóa để buôn bán, đổi chác và bóc lột sức lao động. Đọc tác phẩm, người đọc không khỏi thấy đau đớn và xót xa thay cho những hoàn cảnh tội nghiệp ấy. Đó là anh Gióocgiơ vì thông minh, nhanh nhẹn mà bị ông chủ ghen ghét, đố kị rồi đọa đầy anh. Đó là chị Êlida tội nghiệp phải bỏ trốn trong đêm vì sợ gã lái buôn sẽ đem Hari bé nhỏ của chị đi. Đó là bác Xlô và đàn con sớm phải lìa chồng, lìa cha khi bác Tom bị bán đi…

Và còn rất nhiều, rất nhiều những số phận khác nữa. Họ đều bị chèn ép, chà đạp và bóc lột. Họ bị tước đi cái quyền bình đẳng, quyền tự do, quyền là một con người. Vì đâu mà lại bất công như vậy? Chỉ vì họ là người da đen. Chỉ vì màu da mà quyết định cả cuộc đời của một con người?!! Đây không chỉ là một câu chuyện, mà đó còn là bản tố cáo xã hội bất công, một chế độ nô lệ tàn bạo, không nhân tính, không tình thương!

Trong cái tối tăm của số phận sáng lên vẻ đẹp con người. Trong cái lạnh lẽo của hoàn cảnh vẫn ấm áp tình yêu thương.

Cho dù nước da họ có đen đúa, cho dù số phận của họ có khốn khổ thế nào thì họ vẫn mặc. Họ vẫn là những con người với vẻ đẹp tâm hồn không thể khuất phục.

Chị Êlida, đứng trước cái nguy hiểm gần kề khi tên lái buôn đã đuổi tới nơi, chị đã chẳng nghĩ ngợi gì mà nhảy trên những tảng băng trôi để vượt sông. Vâng, là nhảy trên những tảng băng trôi. Nghe thật khó tin. Nhưng chị đã vượt qua sông bằng cách ấy. Sức mạnh thần kì nào đã giúp chị làm được điều ấy? Không gì mạnh mẽ hơn là tình mẫu tử. Vì thương con, yêu con mà chị đã là được những điều tưởng chừng không thể.

Sức mạnh con người luôn tiềm tàng chỉ chực chờ cơ hội để bộc lộ ra.

Rồi cả bác Xam, cậu bé Ăngdi đã tạo đủ mọi trò để câu giờ với lão buôn nô lệ Halây để lão không thể tìm được mẹ con chị Êlinda. Những điều ấy đều bắt nguồn từ tình thương yêu đồng loại, tình yêu thương con người.

Bác Tom, biết trước mình sẽ bị bán đi. Bác có giấy thông hành, bác hoàn toàn có thể bỏ trốn cùng mẹ con chị Êlinda. Nhưng bác đã không làm vậy, bác quyết định ở lại. Vì “nếu không bán bác, ông chủ sẽ phải bán tất cả gia tài và người để trả nợ’. Vậy nên bác thà chịu đựng một tương lai đen tối phía trước một mình còn hơn để những người khác, và nhất là vợ con bác phải chịu khổ. Và cả vì lòng trung thành với ông chủ Senbi của mình. Dù bị coi là tận cùng của xã hội, là nô lệ nhưng con người ấy vẫn tràn ngập tình yêu thương và những phẩm chất đáng quý. Và cũng chính vì bảo vệ nhân phẩm của mình mà bác phải chịu cái chết đầy đau đớn. Con người ấy thà chết chứ không chịu là một người xấu. Một con người thật đáng khâm phục biết bao!

Ở "Túp lều bác Tom", mỗi người đọc có thể tìm thấy đâu đó trong cái xã hội tối tăm ấy vẫn tràn ngập ánh sáng của tình yêu thương con người, nơi người ta sống trong chế độ nô lệ nhưng không bị nó làm hoen ố tâm hồn. Mỗi nhân vật đều có những vẻ đẹp tâm hồn đáng ngưỡng mộ, và tất cả họ vẽ nên một cuộc sống thanh bình đẹp đẽ với những con người có phẩm chất tốt đẹp và khao khát những điều bình dị mà sao thật khó khăn! Những người nô lệ, dù là thân phận nô lệ, họ vẫn có quyền hạnh phúc với thân phận của họ. Tuy nhiên, hiện thực tàn khốc vẫn ập đến không bỏ sót một ai, khiến chúng ta ngậm ngùi thương cảm trong xót xa.

Hãy thử một lần đọc “Túp lều bác Tom” để trở về một xã hội bất công và tàn bạo thời xa xưa của nước Mỹ, để đồng cảm với những tiếng lòng khao khát cháy bỏng được là một con người thực sự, là một con người tự do!

Nội dung: Hồng Hạnh - Bila Team


Facebook Instagram Youtube Twitter Google+ Top